Liệu mình có bị sảy thai, thai nhi có dị tật...là những mối lo chung của hầu hết mẹ bầu trong suốt giai đoạn mang thai.
Tôi sợ mình sẽ sảy thai
Sảy thai là một trong những mối lo ngại lớn nhất của hầu hết các mẹ bầu. Theo các bác sĩ chuyên gia, hiện tượng này thường xảy ra ở những tháng đầu tiên, thậm chí ở vài tuần đầu ngay cả khi bạn không biết mình đã có thai. Tuy nhiên, các mẹ bầu không cần phải quá lo lắng bởi khi thai kỳ được 6-8 tuần, lúc đó bác sĩ đã nghe được nhịp tim nên tỷ lệ sảy thai sẽ giảm 5% và những tuần tiếp theo nguy cơ ấy còn dưới 3%.
Để không phải quá bận tâm vào vấn đề sảy thai, các mẹ bầu nắm rõ các nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này chẳng hạn như do bất thường nhiễm sắc thể, người mẹ các bệnh mãn tính, mất cân bằng nội tiết tố…Những nguyên nhân này thường xảy đến một cách ngẫu nhiên và không thể tránh được. Tuy nhiên, để giảm thiểu sự lo lắng này, khi có thai, mẹ bầu cần tránh hút thuốc và duy trì chế độ ăn uống, luyện tập khỏe mạnh.
Tôi sợ đứa trẻ bị ảnh hưởng nếu mình đang stress
Mệt mỏi về cơ thể, nỗi lo công việc cùng với nhiều mối bận tâm khác khiến bà bầu dễ bị stress, căng thẳng, thậm chí hay nỗi cáu trong suốt thời gian mang bầu. Chính vì thế, họ sợ rằng những thay đổi bất thường trong tính cách và tâm trạng như vậy sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Trước nỗi lo lắng này, nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành và hầu hết đều cho kết quả rằng sự căng thẳng liên tục có tác động không lớn đến em bé. Tuy nhiên, những căng thẳng nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề như mất việc, có người chết trong gia đình…có thể làm tăng nguy cơ sinh non nếu mẹ bầu không biết kiềm chế tâm trạng của mình.
Bởi vậy, trong thời gian mang thai, nếu bạn nhận thấy mình hay bị căng thẳng và dễ nổi nóng thì hãy cố gắng tìm đến một thú vui nào đó để có thể giải tỏa được tâm trạng. Nghỉ ngơi và thư giãn thật hiều cũng là cách giúp mẹ bầu tránh được tình trạng này.
những căng thẳng nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề như mất việc, có người chết trong gia đình…có thể làm tăng nguy cơ sinh non nếu mẹ bầu không biết kiềm chế tâm trạng của mình (Ảnh minh họa)
Tôi sợ trong giai đoạn ốm nghén, đứa trẻ sẽ không được cung cấp đủ chất
Các bà bầu không cần phải quá lo lắng về vấn đề này bởi theo các bác sĩ chuyên gia thì cơ thể trẻ hoàn toàn có thể hấp thụ được tất cả các chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm mà người mẹ dung nạp ngay cả khi bạn đang bị nghén nặng và chỉ ăn được bánh và hoa quả.
Ốm nghén chỉ thực sự là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến thể chất của mẹ và bé là khi người mẹ bị giảm cân, mất nước dẫn đến kiệt sức, suy nhược cơ thể Chính vì thế, để làm giảm bớt tình trạng ốm nghén khó chịu, mẹ bầu nên ăn thành nhiều bữa nhỏ và tránh để quá đói. Nếu bạn bị nôn quá nhiều, khi ấy hãy đến gặp bác sĩ để nhận các loại thuốc chống buồn nôn an toàn cho bé. Thông thường, giai đoạn ốm nghén sẽ kết thúc sau khoảng 16 tuần, lúc đó bà bầu sẽ ăn uống được ngon miệng hơn, nhờ vậy thai nhi sẽ tăng cân và phát triển tốt.
Tôi sợ đứa con sinh ra sẽ có dị tật bẩm sinh
Chính vì lo sợ con sinh ra sẽ có những dị tật không đáng có, nhiều bà bầu đã liên tục tiến hành các bài kiểm tra xét nghiệm, chụp X-quang để đảm bảo nhận thấy sự phát triển bình thường của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế bác sĩ cho biết chỉ có khoảng 4% trẻ bị khuyết tật bẩm sinh bao gồm cả hội chứng down hoặc các bệnh liên quan đến tim mạch.
Với các mẹ bầu, cách tốt nhất trẻ bảo vệ em bé là hãy uống vitamin tổng hợp, axit folic trước khi mang thai và trong thời gian mang bầu để giảm các nguy cơ khiếm khuyết về não và tủy sống. Nếu bạn có bất cứ mối bận tâm hoặc nghi ngờ về tình trạng phát triển của thai nhi, hãy nói cho bác sĩ để nhận được lời khuyên và sự chuẩn đoán chính xác nhất.
Tôi sợ mình sẽ sinh non
13% số bà bầu có mối lo sợ này trong suốt thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, hiện tượng sinh non chỉ hay xảy đến với những bà bầu có tiền sử sinh non, cao huyết áp hoặc một vài vấn đề khác. Còn ngược lại, nếu trong suốt thai kỳ, bạn chăm sóc tốt cho cả bản thân lẫn thai nhi thì tỉ lệ sinh non sẽ rất thấp thậm chí là không có.
Theo các bác sĩ chuyên gia, để giảm nguy cơ sinh non, các bà bầu cần tránh hút thuốc, uống rượu và nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe trước khi “lâm bồn”. Một nghiên cứu gần đây được tiến hành trên 40.000 phụ nữ mang thai, kết quả cho thấy những bà bầu bổ sung đầy đủ vitamin tổng hợp và axit folic trước và trong thời gian mang thai sẽ giảm thiểu được nguy cơ sinh non.
13% số bà bầu có mối lo sợ này trong suốt thời kỳ mang thai (Ảnh minh họa)
Tôi sợ mình sẽ khó giảm cân sau khi sinh
Khi mang bầu, cơ thể người mẹ thường tăng cân đáng kể khiến nhiều người lo ngại về việc lấy lại vóc dáng sau sinh. Tuy nhiên, sau khi sinh, nếu mẹ bầu có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học thì việc lấy lại thân hình thon gọn như xưa không phải là một vấn đề quá khó khăn.
Tôi sẽ gặp phải một số biến chứng như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ mang thai ở độ tuổi dưới 18 và trên 35 thường có nguy cơ bị áp huyết cao, nhưng nếu bạn thường xuyên đi khám và phát hiện kịp thời thì các bác sĩ sẽ có cách điều trị.
Đối với trường hợp tiền sản giật, hiện tượng này thường có xu hướng phát triển cao vào nửa sau của thai kỳ. Thông thường nếu nhận thấy một vài dấu hiệu như tay và mặt bị sưng, đau đầu dữ dội và dai dẳng thì bà bầu cần phải đi kiểm tra ngay.
Đối với trường hợp tiểu đường thai kỳ, khoảng 18% phụ nữ khi mang sẽ mắc bệnh tiểu đường thai kì. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tiểu đường lúc mang thai như thừa cân, béo phì, bà mẹ lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường. Vì thế để hạn chế tình trạng bệnh lý này, bà bầu cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều tinh bột. Và ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, các bà bầu nên tiến hành kiểm tra xét nghiệm đường máu để sớm phát hiện tình trạng.