Tắc mạch ối, đờ tử cung, rau bong non là những tai biến khi sinh nở vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sản phụ.
Các cụ xưa vẫn thường hay nói "chửa đẻ là cửa mả" để nói lên sự nghiêm trọng của người phụ nữ khi sinh con. Trên thực tế, 80% ca sinh nở diễn ra an toàn, thuận lợi nhưng cũng có không ít những ca gặp biến chứng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.
Theo các chuyên gia khoa sản, phụ nữ mang thai nên khám thai đều đặn theo lịch định kỳ để đảm bảo sức khỏe thai kỳ bình thường, phát hiện sớm những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời chị em cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất và một lối sống cân bằng... để tránh xa những tai biến đặc biệt nguy hiểm dưới đây:
Tắc mạch ối
Đây là hội chứng nước ối tràn vào máu khi chuyển dạ đẻ, thường gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Tai biến này có thể xuất hiện ở bất cứ người nào, trong lần sinh con đầu hay con thứ. Hội chứng thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh và không thể chẩn đoán hay dự phòng. Hầu hết thai phụ rơi vào tình huống này đều nhanh chóng rơi vào tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi, mất tuần hoàn, suy hô hấp rồi nhanh chóng tử vong.
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của thai phụ. Tắc mạch ối có thể xảy ra khi có cơn co tử cung mạnh (khiến nước ối thấm vào khoang giữa tử cung và rau - màng ối) và việc các mạch máu ở thành tử cung mở ra. Khi cơ tử cung giãn, các mạch máu mở rộng có tác dụng như những ống hút, hút nước ối vào mạch. Khi cơ tử cung co lại, máu và nước ối được đẩy theo đường tĩnh mạch của tử cung vào tĩnh mạch chậu rồi về tim. Tim đẩy máu có lẫn nước ối lên phổi, làm tắc các động mạch ở phổi.
Tắc mạch ối là hội chứng nước ối tràn vào máu khi chuyển dạ đẻ, thường gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. (ảnh minh họa)
Rau tiền đạo
Bình thường rau bám ở thân và đáy tử cung, nhưng nếu rau bám thấp xuống đoạn dưới tử cung, có khi che lấp cả lỗ tử cung thì gọi là rau tiền đạo. Hiện tượng này gây chảy máu từng đợt vào các tháng cuối của thời kỳ thai nghén, đến khi chuyển dạ, đoạn dưới tử cung căng giãn ra (do cơn co tử cung đẩy thai xuống phía dưới) làm cho rau bám bị trượt và bong, gây chảy máu trầm trọng, có thể khiến sản phụ bị tử vong nhanh chóng.
Đờ tử cung
Thông thường sau khi sinh, cơ tử cung co lại, ép các mạch máu nằm trong cơ, có tác dụng cầm máu, gọi là hiện tượng “cầm máu sinh lý”. Nếu sau sinh, cơn co tử cung mất hoặc kém sẽ làm mất tác dụng cầm máu sinh lý và gây ra chảy máu.
Tử cung không co được (đờ tử cung) là do cơ tử cung bị căng giãn quá mức trong thời kỳ có thai hoặc trong khi chuyển dạ, thường xảy khi chuyển dạ quá lâu (trên 16 giờ, do tử cung căng giãn quá mức trong thai sinh đôi, sinh ba, đa ối, thai quá to hoặc tử cung bị nhẽo do đẻ nhiều lần.
Rau bong non
Thông thường, sau khi sinh, tử cung co lại làm rau bong và đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, nếu thai chưa ra mà rau đã bong (thường do nhiễm độc thai nghén), các mạch máu ở diện rau bong không được ép lại sẽ gây ra chảy máu ồ ạt.
Bà bầu nên khám thai định kỳ để tránh những rủi ro có thể xảy ra. (ảnh minh họa)
Vỡ tử cung
Tai biến vỡ tử cung có thể do sẹo mổ cũ, cơn co tử cung quá mạnh hoặc sự can thiệp thái quá của thầy thuốc trong cuộc đẻ, làm đứt các mạch máu ở chỗ bị vỡ, gây chảy máu ra ngoài âm hộ hay trong ổ bụng. Trường hợp này bác sĩ phải mổ, cắt tử cung mẹ, bệnh nhân bị sốc mất máu nặng phải hồi sức tích cực và có người phải truyền hàng chục lít máu.
Rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, đứt cơ vòng
Khi sinh, cơn co tử cung đẩy thai xuống làm cho cổ tử cung mở ra, âm đạo, âm hộ và các cơ ở vùng âm đạo cũng giãn dần để chuẩn bị cho thai lọt qua. Nếu thời gian chuyển dạ quá nhanh, người mẹ rặn mạnh và quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết hoặc các cơ vùng âm đạo, âm hộ chưa giãn đủ mức, sẽ gây rách các bộ phận này. Tổn thương rách có thể nông, sâu, làm cho máu chảy nhiều hoặc rỉ ít một và kéo dài hàng giờ, nếu không phát hiện được, sản phụ có thể tử vong.
Những bệnh lý trên sẽ có thể khiến mẹ bị băng huyết không ngừng và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sản phụ. Ngoài ra, còn một số bệnh lý về máu khác như chảy máu kéo dài, rối loạn đông máu... hay gặp ở các sản phụ bị nhiễm độc thai nghén và sản giật. Nếu không phát hiện trước để điều trị sẽ gây ra chảy máu trầm trọng.
Điều đáng nói là sản phụ nào cũng có thể gặp các biến chứng xảy ra khi chuyển dạ, tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ cao hơn là: sản phụ còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, máu chưa đủ, hay trên 35 tuổi - sức khỏe kém, nội tiết giảm... Những người có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh về máu, phát hiện rau tiền đạo trung tâm trong quá trình thai nghén.