Các chuyên gia cho rằng, thời gian chồng giúp vợ vượt qua trầm cảm sau sinh chỉ khoảng một năm. Vì vậy, các ông chồng hãy cố gắng trở thành “người đàn ông vĩ đại”, giúp vợ vượt qua thời điểm dễ mắc bệnh này.
Vợ ôm con lao đầu vào tường vì giận chồng
Chị Lê Thị Thanh (ở Sài Đồng, Hà Nội) mới thuê nhà kề bên phòng một cặp vợ chồng trẻ. Cô vợ mới sinh con, đứa con lại sinh non nên rất tốn kém, trong khi người chồng đi làm lương thấp. Gần đây, cô vợ trẻ ngày nào cũng khóc, ca cẩm chồng đổ đốn nhậu nhẹt bù khú, không về sớm giúp vợ chăm con, không đưa tiền mua sữa cho con… Vợ nói thì chồng quặc lại, khiến vợ càng tủi thân nhiều hơn.
Hôm ấy, anh chồng đi nhậu đến khuya. Con sốt, cô vợ gọi điện cho chồng mãi không được nên khi anh chồng về là họ cãi nhau. Anh chồng dắt xe đi tiếp, bỏ mặc vợ lẫn tiếng con trẻ gào khóc giữa đêm… Quẫn quá cô vợ vứt đồ đạc, bỏ mặc con khóc, không dỗ. Chị Thanh thương đứa bé nên sang bế con hộ, đúng lúc nghe cô vợ lẩm bẩm “cho mày phải ân hận suốt đời” và ôm con lao đầu vào bức tường… May mà chị Thanh ngăn lại kịp.
Thế là cô vợ ôm chị Thanh khóc nức nở, nào là sinh con chưa có kinh nghiệm làm mẹ, nội ngoại ở xa không ai tới giúp, con sinh non nên yếu, đêm hay khóc, chị không có tiền… Thế mà chồng không thông cảm, không giúp vợ dỗ con, làm việc nhà, lại sinh tật xấu… Mỗi tháng chồng đưa vợ ít tiền là xong trách nhiệm làm cha, làm chồng.
Chị Thanh đem tâm sự của cô vợ kể với anh chồng. Anh thần người một lúc, rồi chia sẻ là sau sinh vợ thay đổi nhiều quá, từ người dịu dàng, hay cười trở thành bà già hay càm ràm, cáu bẳn, khiến anh không muốn về nhà. Chị Thanh đã tâm sự nhỏ to với anh chồng về chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ. Từ đó, anh chồng lại về nhà sớm, phụ vợ chăm con. Từ đó, chị vợ cũng vui vẻ, hoạt bát trở lại.
Nhà báo Hoàng Huy (người từng viết về những vụ phụ nữ sau sinh tự sát, giết con) chia sẻ rằng, về lý thuyết, các chuyên gia tư vấn bệnh rối loạn cảm xúc phải điều trị bằng thuốc. Nhưng về tâm lý, thời gian này người chồng cần chiều chuộng, chăm sóc, nâng đỡ vợ như trẻ con. Thời điểm vợ bầu bí, sau sinh, chồng không được chấp vặt với vợ, mà cần vị tha tuyệt đối không cần lý do, không nên cãi vã hơn thua để tránh cho vợ không bị rối loạn cảm xúc.
Sự quan tâm, chăm sóc của người chồng là liều thuốc tốt nhất cho vợ trong giai đoạn dễ bị ức chế sau sinh. (ảnh minh họa)
Những điều người chồng cần giúp vợ sau sinh
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cũng cho rằng, sự quan tâm, chăm sóc của người chồng là liều thuốc tốt nhất cho vợ trong giai đoạn dễ bị ức chế sau sinh. Quan trọng nhất là các ông chồng cần giúp vợ thoát khỏi cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng… sau sinh để tránh bị rối loạn cảm xúc, bởi nếu mắc phải bệnh này nguy cơ lặp lại tới 50%.
TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, người vợ sau sinh đã buồn chán ở nhà một mình, hay thức đêm chăm con… nên luôn bị mệt mỏi, căng thẳng, nghĩ tiêu cực nhiều. Nhưng hầu hết các cô vợ không biết mình bị trầm cảm sau sinh, không biết cách vượt qua nên ngày càng lún sâu. Nếu người thân không kịp thời phát hiện chữa trị thì hậu quả khôn lường.
Các chuyên gia tâm lý khuyên các ông chồng cần làm với vợ sau sinh như sau:
1- Hãy tham gia lớp học tiền sản cùng vợ để hiểu tâm lý bất ổn của phụ nữ sau sinh, giảm thiểu áp lực gây rối loạn cảm xúc.
2- Nếu đã lỡ cơ hội học chia sẻ cảm xúc thai kỳ, hãy vận dụng tâm huyết và nỗ lực giúp vợ tránh căn bệnh đáng sợ này, muộn vẫn hơn không.
3- Hãy tìm sách Phật giáo đọc để học cách vị tha, bỏ chấp chước, nếu có thể đưa vợ đi nghe các thuyết pháp càng tốt… để vợ ổn định cảm xúc, chế ngự tâm lý…
4- Thông tin cho người thân, bạn bè hai bên biết việc vợ sinh để họ thăm hỏi giúp vợ bớt ức chế, tránh nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
5- Vợ sau sinh hay tủi thân khi thấy việc đau đớn, vất vả để sinh con mà chồng không quan tâm, chia sẻ. Vì thế, hãy dành thời gian bên vợ nhiều hơn, nếu có thể hãy nghỉ phép chăm vợ ít hôm hoặc về nhà sớm hơn. Năng ở bên vợ con trong trạng thái tươi vui, dành cho vợ lời động viên ngọt ngào, tạo niềm vui, tặng quà, hay đơn giản là trò chuyện, pha trò để vợ thấy vui vẻ, yêu đời… loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
6- Đặc biệt đảm bảo tài chính để vợ yên tâm ở nhà chăm sóc con nhỏ. Mua các món ngon, giàu dinh dưỡng bồi bổ cho vợ, để vợ thấy tình cảm chăm sóc chu đáo của chồng.
7- Luôn quan sát biểu hiện, cảm xúc của vợ để kịp thời giải quyết nỗi muộn phiền, lo lắng, đặc biệt là làm dịu mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Bản thân chồng cần học tiết chế cảm xúc, biết tiếp nhận và cảm kích trước sự giúp đỡ của mọi người.
8- Đi làm về vệ sinh cơ thể xong nên bế con giúp vợ để nàng nghỉ ngơi. Chủ động chia sẻ việc nhà, chăm con để vợ vui vì chồng luôn kề vai sát cánh mọi lúc, mọi nơi. Nếu vợ không có sữa cho con bú, người chồng cần học cách pha sữa, cho con ăn, thay tã, tắm rửa cho con để vợ yên tâm giao con cho chồng.
9- Chồng hãy thay vợ chăm sóc con lớn, cho con ăn, đưa con đi học, dạy con học, chơi với con… để vợ an tâm nghỉ ngơi. Tránh xu hướng thích con nhỏ, bỏ qua con lớn làm vợ lo lắng.
10- Đừng bao giờ chê vợ sau sinh vì sẽ khiến vợ suy nghĩ tiêu cực.
11- Tạo điều kiện để dành thời gian riêng cho hai vợ chồng hâm nóng tình cảm, quên đi những mệt mỏi sau sinh. Động viên vợ rời phòng ngủ ra nơi có ánh sáng, nói chuyện với nhiều người để giảm cảm giác gánh nặng sau sinh và ý nghĩ tiêu cực.
12- Cố gắng tách vợ khỏi mạng ảo để tránh các chuyện tiêu cực, bi lụy (bình thường không dính mắc, nhưng ở nhà buồn, cái gì cũng tìm trên mạng nên dễ lo sợ).