Theo chị My Võ thì việc chị quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người là không hề dễ dàng.
Mang bầu, sinh con ở đất nước Austria (nước Áo) hiện đại và nhận được sự quan tâm, yêu thương hết mực của chồng cũng như gia đình chồng và bố mẹ đẻ ở Việt Nam nhưng chị My Võ vẫn bị rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi hạ sinh con trai đầu lòng. Chị cho biết chị chịu nhiều áp lực thời gian đó như sinh con non, không có sữa hay những lời nói ác ý từ mọi người trên mạng… cộng thêm việc xa gia đình, một mình chăm sóc con khi chồng đi làm… đã khiến chị luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi, muốn khóc, không thể ngủ được và đỉnh điểm nhất là chị đã cầm dao định cắt cổ tay tự tử.
May mắn được chồng phát hiện và can ngăn kịp thời nên chị My Võ đã bình tĩnh lại và dần lấy tình yêu thương con làm động lực để vượt qua chứng trầm cảm sau sinh. Câu chuyện của chị đã xảy ra hơn 1 năm trước và hiện tại chị đã biết cách hạn chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân, dành thời gian chăm sóc con, chia sẻ với chồng công việc hàng ngày.
Mặc dù nhận được sự yêu thương, chăm sóc của chồng và gia đình sau sinh nhưng chị My Võ vẫn mắc chứng trầm cảm khá nặng.
Bà mẹ trẻ cũng dành thời gian chia sẻ về những tháng ngày bị trầm cảm mà chị đã trải qua đồng thời cũng bật mí những cách giúp chị vượt qua giai đoạn khủng khiếp sau sinh này.
“Sau sinh, không đêm nào mình không khóc”
Chia sẻ về thời điểm phát hiện bị chứng trầm cảm sau sinh, chị My Võ cho biết: “Mình không biết chính xác khi nào mình đã mắc bệnh trầm cảm sau sinh nhưng đỉnh điểm đó là khi con mình được 7 tháng. Mình đã làm chuyện điên dại nhất là cầm dao định cắt cổ tay tự tử. Chồng mình ngay khi đó đã ngăn lại và điện thoại cho bác sĩ điều trị khẩn cấp cho mình. Thấy chồng gục mặt khóc như một đứa trẻ, con không ngủ được do xa mẹ khóc ằn ặt vì mẹ phải theo bác sĩ, lúc đó mình nhận ra mình sai rồi, mình có vấn đề thật rồi, mình bệnh thật rồi và mình chủ động tiếp nhận điều trị của bác sĩ”.
Trước đó, trong suốt khoảng thời gian chăm sóc con, chị My Võ cho biết không đêm nào là chị không khóc. Theo chị thì áp lực từ việc sinh con non, không có sữa cho con bú, miệng lưỡi ác ý của những người trẻ trên mạng đổ dồn về chị. Thêm nữa là việc sống xa gia đình, một mình chăm con khi chồng đi làm, ngày ngày quanh quẩn lủi thủi với con trong phòng… chị đã không biết mình bị bệnh từ lúc nào.
“Mình nhớ nhất sau khi sinh con ra ở tuần thứ 35 thai kỳ, lên mạng thì gặp một chị nói mình thế này: “Chắc mẹ ấy giữ dáng không chịu ăn nên sinh con sớm”, lúc đó đã stress rồi mà còn đọc những lời ác ý như thế mình chỉ muốn nhảy lầu bệnh viện chết quách cho xong. Rồi sau đó là khi con bị vàng da sinh lí. Ngày nào mình cũng phải bồng con vào bệnh viện thử máu. Nhìn hai bàn chân của con bầm tím, chi chít vết kim mà mình chỉ biết nuốt nghẹn vào trong bất lực. Em bé người ta bị chừng 1 tuần hoặc nhiều nhất 1 tháng. Bé nhà mình bị hơn 2 tháng.
Tiếp đến là khi phát hiện mình bị không có tuyến sữa sinh lý. Sinh con ra sớm đã là thiệt thòi cho con, vậy mà lại không thể mang tới dòng sữa mẹ cho con. Ngày nào cũng như ngày nào, mùa đông lạnh âm 10, âm 20 độ mình cũng ráng mang con đi bệnh viện, để con ở nhà không ai trông dùm. Đi bệnh viện để các bác sĩ giúp mình hút sữa, kích sữa nhiều hơn, còn nước còn tát. Cứ 2 tiếng mỗi lần ngày hay đêm còng lưng ngồi vắt sữa cho con, mỗi khi vắt được 150ml thôi là mình mừng hơn cả trúng số. Vậy nhưng cuối cùng sau 6 tháng với rất nhiều nỗ lực, mình hoàn toàn mất sữa. Mình khóc hàng đêm, khóc mỗi ngày, nhưng không làm gì được...”
Bà mẹ trẻ đã từng có ý định tự tử vì bị trầm cảm sau sinh.
Bà mẹ trẻ cũng chia sẻ thêm: "Thời điểm đó mình cứ như trên mây, không muốn tiếp xúc với ai, chỉ lủi thủi một mình, ai nói cũng gì chỉ biết khóc, khóc không còn nước mắt tới đơ người ra. Nhớ nhất là khi nửa đêm, chạy vào toilet ngồi khóc. Không dám cho chồng hay, sợ con thức giấc. Một mình với 4 bức tường mình không còn là bản thân mình nữa. Lúc nào mình cũng nghĩ tới điều tiêu cực nhất. May mắn nhất là mình chưa làm gì có lỗi với con.”
Nói về nguyên nhân mắc chứng trầm cảm, chị My Võ cho biết chị không xác định rõ nguyên nhân tại sao chị bị bệnh này. Theo bác sĩ chữa bệnh cho chị thì có thể thuộc về bệnh lý nhưng cũng có lúc chị suy nghĩ rằng nguyên nhân có thể do chị quá áp lực với việc nuôi con, làm mẹ.
Hành trình chữa bệnh: Phải ở bệnh viện một tuần, không được tiếp xúc với con
Việc kiểm soát được chứng trầm cảm sau sinh với chị My Võ thực sự không hề dễ dàng. “Mình ở bệnh viện một tuần liền, không được tiếp xúc với con. Thời điểm đó mình nhớ con vô cùng, mình nhận ra rằng mình sai lắm rồi, con là quan trọng nhất với mình, mình yêu thương con nhiều tới vậy thì tại sao lại cố gắng làm cho con mất mẹ như vậy.”
Bà mẹ 9x đã mất gần 2 tháng điều trị ở bệnh viện cho tới khi chị hoàn toàn chủ động được cảm xúc trong người mình. Trong vòng 2 tháng đó, chị gặp không biết bao nhiêu vị bác sĩ về đủ các chuyên muôn như tâm lý, dinh dưỡng cho trẻ, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý gia đình…
“Bác sĩ ngồi lắng nghe mình khóc lóc, than thở, nói đủ thứ trên trời dưới biển. Bên cạnh đó, họ sẽ hỏi mình thích được làm gì, ăn gì, muốn gì nhất và họ cố gắng tìm cách đáp ứng cho mình. Và những ngày sống xa con, họ cho mình thấy được rằng sự quan trọng của người mẹ đối với con là như thế nào, đứa con quan trọng với mình ra sao. Họ giúp mình gỡ rối từ nút thắt trong lòng mình, từng cái từng cái một.
Lúc đầu mình không bao giờ tin chồng mình có thể chăm con nên cái gì mình cùng giành vào người mình, để rồi khi mình vắng mặt trong 1 tuần chồng mình có thể thay mình làm mọi thứ. Và mình thấy thoải mái hơn khi tin tưởng chồng nhiều hơn, có thể nhờ chồng san sẻ mọi việc.”
Theo chị My Võ thì vai trò của người chồng trong việc điều trị bệnh trầm cảm cho vợ là rất quan trọng.
Nói thêm về vai trò của người chồng trong việc chữa trị bệnh trầm cảm cho vợ, chị My Võ cho biết: “Mình nghĩ người chồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Nếu như chồng không ủng hộ, không hỗ trợ người vợ thì việc chữa bệnh sẽ rất khó khăn. Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, mình nhận thấy có rất nhiều anh chồng vô cùng tâm lý, thương yêu chăm sóc vợ nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người cho rằng căn bệnh này là bệnh nhảm nhí, vớ vẩn. Nó không hề nhảm hay vớ vẩn đâu. Nó có thể đem tới hậu quả không lường được.”
Với các bà mẹ đang mang bầu và mới sinh con, bà mẹ 9x khuyên: “Các mẹ hãy dám đối mặt với căn bệnh của mình. Khi có những dấu hiệu của căn bệnh này, các bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý để tìm các chữa trị nó. Tìm một ai đó để tâm sự, phải nói ra để trút hết gánh nặng, nỗi lòng mình. Trước khi làm gì hãy nghĩ tới con đầu tiên. Đừng bao giờ để bệnh của mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của con hoặc những điều tồi tệ hơn xảy đến với con mình.”
Quyết định chia sẻ câu chuyện của mình, chị My Võ cho biết: "Mình không có ý kể khổ gì vì mình biết mình còn may mắn hơn rất rất nhiều người mẹ khác. Mình chỉ muốn chia sẻ câu chuyện thật của bản thân mình và mình hy vọng các ông bà, các anh chồng dừng ngay việc nghĩ bệnh trầm cảm sau sinh là căn bệnh xạo, vớ vẩn, nhảm nhí."