Hơn 5 năm thành lập Khoa hiếm muộn, tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã vui mừng chào đón nhiều bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhìn các bậc cha mẹ vui mừng rơi nước mắt khi có con khiến các y bác sĩ rất cảm động.
Khi lập gia đình, bất cứ đôi vợ chồng nào cũng khao khát có được đứa con nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn không thực hiện được nguyện ước ấy.
Từ năm 2010 đến nay, Khoa hiếm muộn, bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã khám và thực hiện nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thực hiện cho hàng chục đôi vợ chồng mong muốn có con. Đã có hơn 60 đứa trẻ chào đời khiến các y bác sĩ cũng xúc động, vui mừng khôn tả cùng các bậc cha mẹ.
Trường hợp chị V.T.N (35 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) cưới nhau đã 8 năm nhưng hai vợ chồng cố gắng mãi vẫn không thấy có tin vui. Nghe ở đâu ai mách các bài thuốc uống cả Đông y và Tây y sẽ có thai chị N cũng đều dùng thử nhưng không có hiệu quả. Khi cả hai vợ chồng tưởng chừng buông xuôi thì đọc được thông tin điều trị hiếm muộn của bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ nên đến khám với hi vọng “còn nước còn tát”.
Bé trai chào đời bằng phương pháp TTTON tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận, chồng chị N bị bệnh, tinh trùng rất ít nên người vợ không thể có thai. Được tư vấn, chồng chị N được được dùng kĩ thuật để lấy tinh trùng TTTON.
Lần đầu làm TTTON không đậu, lần thứ hai cũng không đậu khiến hai vợ chồng chị N càng mất đi hi vọng. Đến lần thứ ba, TTTON thành công, hai vợ chồng chị N òa khóc ôm bác sĩ cảm ơn rối rít khi biết đậu đến 2 thai.
Thế là bao ngày ngóng trông mỏi mòn, tốn nhiều tiền bạc hai vợ chồng chị N cũng có được hai đứa con. Ngày bác sĩ phẫu thuật cho hai đứa trẻ chào đời, cả hai bên họ hàng nội ngoại đều đến đợi chia vui cùng con. Cảm giác vợ chồng chị N bồng hai đứa đứa con kháu khỉnh đã khiến nhiều y bác sĩ cảm động.
Trường hợp thứ hai đó là chị L.T.T. Nh (ngụ TP. Cần Thơ) cũng cưới chồng được 6 năm nhưng không có con. Nhiều lần tìm lên các bệnh viện ở TP. HCM khám, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân hiếm muộn đều ở cả hai vợ chồng, để điều trị rất tốn kém.
Hai vợ chồng chị Nh đều làm công nhân, lương tháng tổng cộng chưa đến 7 triệu đồng, bao nhiều tiền tiết kiệm đều đã dành để uống thuốc trước đó nhưng không có hiệu quả. Giờ để chữa trị quá tốn kém mà biết có con được không nên hai vợ chồng im lặng ra về không chữa trị.
Hai vợ chồng chị Nh nhiều lần vì buồn không có con cũng đã cãi cọ suýt li hôn, thế rồi hai vợ chồng lại làm hòa với nhau, cùng động viên cố gắng làm lụng tiết kiệm tiền đi chữa trị.
Thương con, hai bên nội ngoại vợ cũng đã bán đất cho hai vợ chồng chị Nh hơn 100 triệu, ngoài ra hai vợ chồng chị Nh cũng tiết kiệm, vay mượn được 50 triệu quyết định đi chữa trị hiếm muộn.
Năm 2014, biết tin ở bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ có Khoa hiếm muộn chữa trị tốt nên quyết định đến đây khám nhờ tư vấn, không lên TP. HCM vì đường xa lại tốn kém hơn.
Sau khi làm xét nghiệm cơ bản, bác sĩ kết luận chị Nh bị tắc 2 vòi trứng còn chồng tinh trùng yếu. Hai vợ chồng chị Nh sau đó đã được tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm. Kết quả lần thứ hai thực hiện, chị Nh và chồng vui mừng khôn xiết khi đậu thai.
Giữa năm 2015, bé gái chào đời cân nặng 2.500 gram, hai vợ chồng chị Nh ôm nhau khóc trong niềm vui sướng.
Chị V hạnh phúc khi con trai chào đời bằng TTTON sau 3 lần chuyển phôi
Một trường hợp khác là sản phụ Đ. T. V (ngụ tại TP. Cần Thơ) cũng điều trị hiếm muộn thành công với phương pháp TTTON tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ. Vào ngày 31/8 vừa qua, chị V nhập viện trong tình trạng thai 38 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ ngưng tiến triển.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành vừa hồi sức vừa mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé. Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, chị V. cùng chồng vui mừng chào đón một bé trai, cân nặng 2.900 gram.
Chị V chia sẻ: “Vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc chào đón đứa con này sau nhiều năm chờ đợi. Niềm vui của vợ chồng tôi được nhân đôi khi biết con chúng tôi là một bé trai”.
Nói về việc thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ để có con, chị V chia sẻ rất nhiều khó khăn tưởng chừng muốn buông xuôi.
“Hai lần đầu vợ chồng tôi thực hiện chuyển phôi nhưng không thành công nên buồn lắm. Thế nhưng các y bác sĩ đã động viên, khuyến khích chúng tôi không bỏ cuộc và quyết tâm thực hiện lần chuyển phôi thứ ba. Và rất may mắn, lần chuyển phôi này đã thành công. Giờ con chào đời khỏe mạnh tôi mừng rớt nước mắt…”, chị V nói.
Theo Khoa hiếm muộn, các đôi vợ chồng nên đi tư vấn về sinh sản khi: TTTON là phương pháp cho tinh trùng và trứng gặp nhau và thụ tinh bên ngoài cơ thể tạo thành phôi, phôi sau đó sẽ được chuyển vào buồng tử cung, sau khi đã chuẩn bị tốt niêm mạc tử cung. Phương pháp này sử dụng cho các trường hợp như tắc vòi trứng; lạc nội mạc tử cung; hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân; tinh trùng yếu, ít, dị dạng; rối loạn rụng trứng... |