Chị Trần Thị M. trú tại Sơn Tây, Hà Nội không may mắn khi chị không thể tự mình sinh cho chồng những đứa con kháu khỉnh.
Hành trình mong làm mẹ
Chị M. 38 tuổi, có lẽ là người gây ấn tượng với các bác sĩ và y tá của Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia nhất bởi chị có rất nhiều thời gian đi lại khám chữa bệnh và làm thụ tinh trong ống nghiệm tại đây nhưng đều thất bại.
Dáng người mảnh khảnh, chị M. càng thêm gầy gò, già trước tuổi vì mong ước có con. Bao nhiêu năm chị lầm lũi, sống như một khúc gỗ ở nhà mình. Chị giả câm, giả điếc bỏ ngoài tai tất cả dị nghị, điều tiếng của xóm làng, họ mạc. Chị sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội rồi lấy chồng về Sơn Tây. 14 năm cưới nhau nhưng vợ chồng chị không có con. Kết quả vô sinh không rõ nguyên nhân vì cứ đậu thai lại bị sảy.
Chị M. kể, giá như vô sinh nguyên nhân do chị hay do chồng chị còn dễ giải quyết. Đằng này anh khỏe, chị khỏe mà vẫn không có thai. Có lẽ vì thế, vợ chồng anh chị càng yêu thương và gắn bó nhau hơn.
Trái với tình yêu anh dành cho chị là sự ghẻ lạnh, tức giận của bố mẹ anh. Họ lúc nào cũng càm ràm chuyện con cháu. Chị M. mang tiếng là “cây độc không trái”. Dáng người chị càng héo hắt, càng khô khan thì người ta đổ lỗi vì chị khô khan, da dẻ đàn bà như khô như cóc nên chẳng thể đẻ được. Bao nhiêu lời bàn tán, chị đều gạt ngoài tai bởi với chị đã có chồng bên cạnh, chị không sợ gì cả, chỉ mong đến ngày có được một mụn con cho mình.
9 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm, tài sản vợ chồng cứ làm ra đội nón ra đi. Có lúc, chồng chị chán nản muốn nhận con nuôi nhưng chị M. tin ông trời chẳng phụ người có công. Lúc nào chị cũng nghĩ mình sẽ có con. Khi đến khám, gặp những người bị hiếm muộn cần xin trứng, chị M. sẵn sàng cho trứng. Sau đó gia đình nhận sẽ gửi chị lại một phần tiền để chị có thêm chút tài chính trên hành trình “học đẻ” của mình.
Bệnh nhân khám vô sinh tại BV Phụ sản Hà Nội.
Gần đây, khi luật cho phép người mang thai hộ được thực hiện ở Việt Nam, chị M. vui sướng lắm, chị như bắt được vàng nhưng để tìm người mang thai hộ chẳng dễ dàng gì.
Những người chị M. tìm đến nhờ mang thai hộ xuống bệnh viện khám lại gặp trục trặc. Người thì đã hai lần mổ sinh, người thì không cùng họ hàng … nên không thể thực hiện được.
18 năm ròng chữa vô sinh
Trường hợp của chị Hồng N., Tuyên Quang cũng là một trong những bà mẹ kiên trì hành trình chữa hiếm muộn. Chị N. bị tắc vòi trứng nhưng không biết. Hai vợ chồng kết hôn 2 năm không có con, anh chị đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo bình thường nên cứ về nhà chờ đợi và uống thuốc nam. Đến năm thứ 5, vợ chồng chị N quyết định vào Sài Gòn chữa bệnh vô sinh. Tại đây sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết chồng chị bình thường còn chị bị tắc cả hai vòi trứng.
Vợ chồng chị N. quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nói về hành trình này, chị không bao giờ quên biết bao lần anh chị vào nam ra bắc. Biết bao lần anh chị đi từ nửa đêm xuống Hà Nội. Biết bao lần hi vọng rồi lại thất vọng tràn trề.
Lần làm thụ tinh trong ống nghiệm thành công nhưng chị N. thường xuyên bị động thai và phải treo chân mấy tháng trời đến lúc đẻ mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Hành trình chữa vô sinh của chị, ngoảnh đi ngoảnh lại đã 18 năm ròng.
Tại khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương có tới 30% là những sản phụ sinh con nhờ hỗ trợ sinh sản. Họ phải treo chân trong bệnh viện chờ tháng ngày mẹ tròn con vuông. Hầu hết, ai đã đi qua những tháng ngày đầy ải của chữa vô sinh, mọi người mới cảm nhận được chờ đứa con và bế được con trên tay là hành trình khổ hạnh và đầy mệt mỏi như thế nào.