Hành trình có con của những cặp đôi hiếm muộn không chỉ tốn nhiều tiền, mồ hôi, nước mắt mà cả tuổi thanh xuân khi có những người phải mất cả gần 2 thập kỷ mới thụ thai.
Chuyện có một đứa con với hầu hết mọi người đều khá đơn giản nhưng với những cặp đôi hiếm muộn thì thực sự gian nan. Trong hành trình này, họ đã phải đối mặt với biết bao nhiêu đau đớn, nước mắt, tủi thân, sự tuyệt vọng… nhưng may mắn họ vẫn có một người bạn đồng hành không bao giờ ‘buông tay’ dù là 5 năm, 10 năm hay 18 năm vẫn không thể có con.
Với sự kiên trì và niềm hy vọng, cuối cùng những nỗ lực của họ đã được đền đáp bằng những em bé vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu. Mỗi câu chuyện mà các cặp đôi này chia sẻ đều nhận được sự đồng cảm, xúc động lớn từ cộng đồng mạng và cũng chính là động lực giúp các cặp đôi chưa có con có thêm niềm tin về “ngôi nhà và những đứa trẻ” ở tương lai.
Cùng chia sẻ với những câu chuyện mang thai đầy khó khăn và xúc động này:
Vợ mang thai từ người chồng không có tinh trùng
Cặp song sinh nhà anh Dũng, chị Thắm chào đời sau 5 năm bố mẹ chạy chữa vô sinh.
Câu chuyện thụ thai của cặp vợ chồng anh Dũng, chị Thắm (Hải Dương) như một phép màu bởi người chồng mắc chứng bệnh hiếm gặp: không có tinh trùng. Sau gần 5 năm chữa trị với sự nỗ lực của tập thể bác sỹ ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cuối cùng chị Thắm đã thụ thai ngay trong lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên.
Anh Dũng, chị Thắm lên kế hoạch sinh con ngay sau khi tổ chức đám cưới. Tuy nhiên sau 4 năm cố gắng chạy chữa từ miền xuôi lên miền ngược, từ Đông y đến Tây y, kết quả vẫn chỉ là con số 0. Dù vất vả chạy chữa là thế nhưng cả hai vợ chồng chưa bao giờ nản lòng, đuối chí và luôn tâm niệm “còn nước còn tát”.
Sau khi chạy ngược chạy xuôi chữa trị không thành, vợ chồng chị Thắm đã đến gõ cửa bệnh viện Phụ sản Hà Nội và được các bác sĩ chẩn đoán anh Dũng không có tinh trùng, kèm chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Sau đó, anh được tiến hành phẫu thuật , làm TESE ÍSCI và lấy được 7 con tinh trùng.
Tất cả những hình ảnh về hành trình có cặp song sinh đều được anh chị lưu giữ lại để làm kỷ niệm.
Ngay trong lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên, niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng như vỡ òa khi chị đậu 3 thai. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên chị chỉ nên giữ 2 thai và hiện tại chị Thắm đã hạ sinh cặp song sinh vô cùng đáng yêu vào ngày 2/7 vừa qua.
Trong hành trình gần 5 năm cố gắng để có con, anh chị đã phải dốc hết tài sản, cả sổ tiết kiệm và vay mượn của người thân để quyết tâm làm thụ tinh trong ống nghiệm. May mắn, chị Thắm là người duy nhất đậu thai trong 5 bà mẹ thực hiện phương pháp này thời điểm đó. Hiện tại gia đình nhỏ luôn đầy ăp tiếng cười của con trẻ và tất cả những hình ảnh về hành trình có cặp song sinh đều được anh chị lưu giữ lại để làm kỷ niệm.
Xem chị tiết hành trình 5 năm chữa hiếm muộn của vợ chồng chị Thắm tại đây
18 năm chữa vô sinh trong nước mắt của ông bố U50
18 năm cố gắng có con, ông bố U50 Lê Xuân Lịch mới chính thức được lên chức bố.
18 năm vất vả từ Tuyên Quang xuống Hà Nội, vào Sài Gòn để khám hiếm muộn, bao nhiêu gian khổ, thử thách, khó khăn và rất nhiều nước mắt đã rơi nhưng cặp vợ chồng anh Xuân Lịch và chị Hồng Nhung (Tuyên Quang) vẫn luôn nắm chặt tay nhau và cuối cùng, hành trình chữa trị hiếm muộn của họ đã cập bến bờ hạnh phúc khi vào ngày 5/11/2014, bé Quang Minh cất tiếng khóc chào đời.
Theo chia sẻ của anh Xuân Lịch, 2 vợ chồng anh có ý định sinh con ngay sau khi cưới. Sau 2 năm cố gắng không thành, anh chị đã đi khám hiếm muộn và chị Nhung được chẩn đoán bị tắc 2 vòi trứng. Sau khi mổ thông 2 vòi trứng, cặp đôi cũng phải mất rất nhiều thời gian với 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có thể thụ thai.
Trong hành trình 18 năm này, anh Lịch cho biết vợ anh đã khóc rất nhiều một phần vì buồn khi mãi không thể có con, một phần vì áp lực từ gia đình, xã hội. Đã có lần chị Nhung khuyên chồng nên lấy vợ khác nhưng thực lòng chị vẫn rất yêu anh. Tuy nhiên anh Lịch không đồng ý và luôn sát cánh cùng vợ.
Để có được bé Quang Minh, anh chị đã phải tốn rất nhiều của cải, công sức và thời gian.
Khó khăn để có con là vậy nhưng sau khi thụ thai, anh chị lại phải đối mặt với những ngày khó khăn để giữ con. Thời gian đầu chị liên tục bị dọa sẩy, có những lúc chị bị ra máu nhiều đến mức tưởng chừng như mất con trong tích tắc… Rồi đến khi thai được 32 tuần 5 ngày, bé chính thức cất tiếng khóc chào đời với cân nặng chỉ 2,4kg. Dù sinh non nhưng may mắn bé Quang Minh có sức khỏe tốt và hiên tại bé đã được hơn 1 tuổi.
Câu chuyện hiếm muộn của anh Lịch, chị Nhung thời điểm đó đã được đăng tải trên khắp các trang báo và cũng nhận được rất nhiều lượt chia sẻ cùng những lời bình luận khâm phục, ngưỡng mộ trên các trang mạng xã hội.
Xem chị tiết hành trình 18 năm chữa hiếm muộn của vợ chồng anh Lịch tại đây
15 năm nỗ lực thụ thai của mẹ bị cắt hai vòi trứng
Hành trình 15 năm “tìm con” của vợ chồng chị Lan (Hà Nội) thực sự gian nan với bao nhiêu nước mắt đã rơi, tiền của không đong đếm được, bao nhiêu lần đau khổ vì ngỡ có con trong tầm tay lại bị tuột mất, và cả nhưng đau đớn về thể xác khi nằm trên bàn mổ… nhưng tất cả đều không thể so sánh được với niềm hạnh phúc khi được ôm hai thiên thần nhỏ trên tay. “Cái giá để có cặp song sinh này thực sự “đắt” nhưng mình không bao giờ cảm thấy hối hận. Tất cả mọi khó khăn, đau khổ giờ đã đi qua hết rồi, chỉ còn niềm hạnh phúc và những nụ cười ở lại.”, chị Lan xúc động chia sẻ câu chuyện hiếm muộn của mình.
Dù bị cắt 2 vòi trứng nhưng vợ chồng chị Lan vẫn có được cặp song sinh sau 15 năm chữa trị.
Vợ chồng chị Lan có kế hoạch sinh con từ năm 2000, tuy nhiên vì chị bị tắc vòi trứng phải mổ thông nên khó thụ thai tự nhiên. Thời điểm đó chị đã được các bác sĩ khuyên nên làm thụ tinh nhân tạo (IUI). Sau khi thực hiện phương pháp này, chị đã thụ thai nhưng đáng buồn là chị lại bị chửa ngoài tử cung và 2 lần mang thai chị đều bị vỡ vòi trứng, phải cắt cả 2 bên.
Trong 15 năm chị Lan không còn nhớ rõ mình đã làm thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm bao nhiêu lần. Và cuối cùng, vào thời điểm anh chị ít hy vọng nhất thì con yêu đã đến. Chị đã thụ thai đôi từ phôi dữ trữ và đã hạ sinh cặp song sinh 1 trai, 1 gái vô cùng đáng yêu.
Chị Lan cũng gửi lời chia sẻ với các cặp đôi đang mong có con: “Hãy tin tưởng vào tương lai, đừng bao giờ nản lòng, đừng bao giờ bỏ cuộc và hạnh phúc sẽ mỉm cười ở cuối đường hầm… Hy vọng các mẹ hiếm muộn sớm có con yêu!”
Xem chị tiết hành trình 15 năm chữa hiếm muộn của vợ chồng chị Lan tại đây
Chuyện thụ thai đôi tự nhiên sau 7 năm hiếm muộn của mẹ Hòa Bình
Sau 7 năm chữa trị hiếm muộn, bà mẹ Hòa Bình bất ngờ thụ thai đôi tự nhiên. (ảnh minh họa)
Chia sẻ về hành trình 7 năm miệt mài đi chữa hiếm muộn, chị Bùi Nguyệt Nga (Hòa Bình) (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết: “7 năm đó đúng là những ngày sống trong vực thẳm, biết bao lần cầm kết quả khám hiếm muộn trên tay mà nước mắt lã chã rơi vì mệt mỏi, vì tủi thân, đau khổ... Nhưng may mắn là cuối cùng mình vẫn có được các con."
Chị cũng chia sẻ thêm, sau những ngày mệt mỏi chữa trị hết bệnh viện này đến phòng khám khác, rồi Đông Tây y kết hợp mà không có kết quả, chị đã thỏa thuận với chồng, nếu làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 3 lần mà không được thì sẽ "đường ai nấy đi". Khi đó chị đã rất tuyệt vọng nhưng may mắn sau 1 lần làm IVF không thành, tháng sau đó chị bất ngờ thụ thai tự nhiên và hiện tại anh chị đã có 2 bé Săm, Lốp được gần 1 tuổi.
Bà mẹ Hòa Bình này cũng đã giành thời gian ghi lại chi tiết hành trình 7 năm chữa trị hiếm muộn của mình để chia sẻ với các mẹ hiếm muộn, vô sinh và đã nhận được sự quan tâm lớn của chị em. Những chia sẻ của chị như tài liệu tham khảo hữu ích với các cặp đôi hiếm muộn trong hành trình tìm con.
Xem chị tiết hành trình 15 năm chữa hiếm muộn của vợ chồng chị Nga tại đây