Hiện nay số lượng các cặp vợ chồng mắc vô sinh thứ phát không hề nhỏ. Dù đã từng thụ thai, sinh con chị em không nên chủ quan với căn bệnh vô sinh thứ phát.
Vô sinh thứ phát hoàn toàn khác với vô sinh nguyên phát - các cặp vợ chồng không thể thụ thai sinh nở ngay từ đầu. Vô sinh thứ phát là trường hợp các cặp vợ chồng đã từng có thai (kể cả có thai nhưng sảy thai), từng sinh con ít nhất một lần nhưng sau này muốn tiếp tục mang thai sinh con nữa mà không thể thụ thai.
Vì sao đã từng thụ thai mà lại bị vô sinh thứ phát?
Các cặp đôi bị vô sinh thứ phát là do tinh trùng không thể gặp trứng để xảy thai sự thụ thai mà nguyên nhân chủ yếu là người vợ hoặc chồng mắc các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục nhưng không điều trị sớm, triệt để.
Mắc bệnh viêm nhiễm phần phụ
Phần lớn phụ nữ bị viêm phụ khoa thương do không chú ý vệ sinh vùng kín hoặc vệ sinh vùng kín sai cách. Tình trạng viêm nhiễm tăng cao ở các đối tượng sản phụ sau sinh, sau nạo hút thai, sau sẩy thai. Viêm nhiễm vùng kín ở phụ nữ hoàn toàn có thể điều trị đơn giản nhưng nếu chủ quan bệnh có thể chuyển sang mãn tính. Cấu trúc bình thường của ống dẫn trứng, cổ tử cung, buồng trứng bị biến đổi là nguyên nhân khiến quá trình thụ thai trở nên khó khăn.
Ở nữ giới nhiều chị em bị viêm cổ tử cung mãn tính do vậy tinh trùng khó khăn trong việc di chuyển đến gặp trứng. Hoặc viêm nội mạc tử cung khiến buồng tử cung bị tổn thương, mất lớp niêm mạc bảo vệ tử cung gây dính tử cung nên phôi thai không thể làm tổ trong tử cung.
Hoặc ống dẫn trứng bị viêm nhiễm khiến ống bị bít hẹp, tắc nên tinh trùng không di chuyển vào bên trong gặp trứng và thụ tinh.
Nhiều cặp vợ chồng từng có con nhưng đau khổ vì không thể tiếp tục sinh con do mắc vô sinh thứ phát (Ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra, những phụ nữ đã mang thai, sinh nở nhưng những lần sau có bầu quá liền kề lần sinh trước, chưa đủ khả năng tài chính để tiếp tục sinh nở ngay nên chấp nhận nạo phá thai. Và khi muốn mang thai trở lại thì đối mặt với vô sinh thứ phát do hậu quả sau phá thai là dị dạng tử cung hoặc quan hệ tình dục quá sớm sau khi thực hiện các thủ thuật.
Còn các trường hợp vô sinh thứ phát ở nam giới thường do nhiễm trùng bộ phận sinh dục và đường sinh dục gây ra các hiện tượng bất thường về tinh trùng: rối loạn quá trình sinh tinh, tinh trùng không phát triển, tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng. Nam giới có gia đình, từng làm cha càng chủ quan về “bản lĩnh phái mạnh” nên khi mắc bệnh thường không điều trị sớm.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác gây vô sinh thứ phát như:
Điều trị thuốc kháng sinh dài ngày
Chị em do phải điều trị các bệnh lý mãn tính phải sử dụng kháng sinh dài ngày cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng là vô sinh thứ phát. Lạm dụng kháng sinh hay dùng lâu ngày khiến cơ thể nhờn thuốc, sức đề kháng suy giảm, độ pH và hệ vi sinh trong cơ thể mất cân bằng, nên dễ dẫn mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác hoặc tái phát nhiều lần.
Độ tuổi thụ thai
Nhiều cặp vợ chồng đã sinh con lần đầu sau đó kế hoạch 5 năm, 7 năm… đến khi con lớn, bớt những khó khăn, áp lực tài chính muốn sinh con tiếp thì bố mẹ đã lớn tuổi. Lúc này sức khỏe sinh sản của cả người cha và mẹ đều kém hơn trước. Chất lượng và số lượng của trứng, tinh trùng đều suy giảm dẫn tới khả năng thụ thai thấp, tỷ lệ sảy thai hoặc sinh con khuyết tật lại cao hơn.
Yếu tố cân nặng:
Phụ nữ thừa cân, béo phì có thể bị rối loạn khả năng rụng trứng. Nam giới thừa cân lại gây ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.
Thói quen sinh hoạt
Những thói quen như hút thuốc lá, uống rượu bia ở cha mẹ đều tác động đến khả năng thụ thai.
Làm gì khi bị vô sinh thứ phát?
Các cặp vợ chồng cần đi khám sớm khi phát hiện dấu hiệu khó thụ thai (Ảnh minh họa: Internet)
Việc điều trị các trường hợp vô sinh nói chung cũng như vô sinh thứ phát nói riêng hiện nay không phải là việc khó khăn. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cần kiên trì và đồng lòng trong quá trình điều trị.
Ngay khi phát hiện có dấu hiệu khó thụ thai, cả vợ và chồng cần đến chuyên khoa y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản. Nếu tình trạng bệnh nhẹ bạn sẽ được điều trị bằng thuốc nhằm kích thích quá trình mang thai tự nhiên.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm với nhiều trường hợp thành công giúp bạn sinh thêm con.
Cần phòng tránh nguy cơ vô sinh thứ phát
Các cặp vợ chồng sau khi sinh con lần đầu nên cân nhắc và xác định thời điểm mang thai kế tiếp. Không sinh con quá liền kề nhưng cũng không nên kéo dài khoảng cách giữa các lần sinh. Khoảng cách hợp lý giữa các con là 3-4 năm và trước khi cha mẹ ngoài 35 tuổi.
Nam nữ cần thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kì kinh nguyệt hàng tháng. Tạo thói quen khám sức khỏe sinh sản định kì, ít nhất 6 tháng/lần.
Khi sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt là áp dụng các thủ thuật tránh thai như đặt vòng, uống thuốc tránh thai hàng ngày, tiêm thuốc tránh thai… chị em cần thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín.