Dù 38 tuổi mới kết hôn, người phụ nữ vẫn có quyết định bất ngờ là tiếp tục lo cho sự nghiệp thay vì tập trung vào gia đình, để rồi phải nhận cái kết đầy đau đớn.
Chị Hoàng Diệp (42 tuổi, ở Hà Nội) có học vị tiến sĩ, là nhà khoa học đang làm việc cho một đơn vị khá nổi tiếng tại Việt Nam. Từ khi là sinh viên, chị Diệp đã được nhiều người công nhận là có tố chất thông minh, tính cách cầu toàn và rất nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.
Vì quá đam mê với khoa học, năm 38 tuổi, chị Diệp mới lập gia đình. Lấy chồng khi đã nhiều tuổi, chị Diệp ban đầu cũng dự định có thai luôn, nhưng rồi chị hoãn lại vì thời cơ trong công việc đã đến. “Lấy chồng xong tôi bất ngờ nhận được học bổng làm nghiên cứu sinh (tiến sĩ) tại Pháp. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng chọn đi du học vì không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt như vậy. Còn chuyện con cái, sau khi đi học về vẫn có thể thực hiện được”, chị Diệp chia sẻ.
Sau 4 năm du học trở về, chị Diệp lên kế hoạch sinh con ngay nhưng đợi mãi chưa có tin vui, dù hai vợ chồng sinh hoạt đều đặn. Lo lắng, chị Diệp cùng chồng tìm đến TS.BS Phan Chí Thành (BV Phụ sản Trung ương) thăm khám, tại đây bác sĩ cho biết, buồng trứng người vợ đã cạn kiệt nên không thể có con tự nhiên, nếu muốn sinh làm mẹ thì chỉ có cách đi xin trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.
Sau khi biết không thể sinh con bằng trứng của mình, nữ tiến sĩ vô cùng ân hận. Ảnh minh họa.
Khi nghe bác sĩ thông báo kết quả, chị Diệp khóc nức nở. Chị không ngờ quyết định từ 4 năm trước khiến giờ đây bản thân phải trả cái giá quá đắt, khi không thể có con bằng chính trứng của chính mình.
Theo bác sĩ Thành, với trường hợp này, nếu như trước khi đi học tiến sĩ, người vợ khám sức khỏe sinh sản, sau đó trữ những quả trứng tốt thì sau này học xong vẫn có thể sinh con từ chính quả trứng của mình. Tuy nhiên, không chỉ trường hợp của chị Diệp, mà rất nhiều chị em khác chủ quan không nghĩ đến tình huống này.
Bác sĩ Thành cho biết, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, nó không chỉ sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản, mà còn là cơ quan sản xuất horrmone sinh dục nữ. Lượng trứng được sản xuất ra sẽ giảm dần theo tuổi. Thời điểm trứng có nhiều nhất là ở tuổi dậy thì, sau đó qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và chạm đáy vào khoảng 45-50 tuổi, khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Thành khuyến cáo, ở phụ nữ, độ tuổi sinh đẻ tốt nhất là từ 20 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, do xu thế kết hôn ngày càng muộn, thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt không lành mạnh ngày càng nhiều nên sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa, cạn kiệt trứng ở chị em.
Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, hiện nay rất nhiều chị em dù tuổi còn trẻ nhưng buồng trứng đã suy kiệt mà không hề hay biết.
"Trước đây, các bệnh nhân suy giảm dự trữ buồng trứng mà chúng tôi tiếp nhận có độ tuổi trung bình là 30-35 tuổi. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, các bệnh nhân ở độ tuổi 25-30 tuổi có số lượng tăng lên đáng kể", BS Thành thông tin.
Từ thực tế này, BS Thành khuyến cáo, chị em nên kiểm tra và bảo vệ kỹ lưỡng tài sản sinh sản của mình ngay cả khi chưa kết hôn. Nên đi khám, kiểm tra về chất lượng và số lượng trứng định kỳ, nhất là với những người có chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Với những cặp đôi kết hôn chưa muốn có con thì việc này càng cần thiết hơn. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ sẽ biết được tình trạng sức khỏe của buồng trứng và tư vấn về kế hoạch mang thai phù hợp hoặc khuyến cáo phương án trữ trứng để sinh con sau này.