Sau khi tính được ngày trứng rụng, nhiều chị em băn khoăn không biết rụng trứng bao nhiêu ngày thì có kinh để xác định mình có chậm kinh do mang thai hoặc chuẩn bị sẵn cho “ngày đèn đỏ” xuất hiện.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là thời gian lặp lại của kinh nguyệt vào mỗi tháng của chị em. Chu kỳ kinh nguyệt rất cần thiết cho quá trình sinh sản, để người phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ. Hàng tháng, cơ thể người phụ nữ trưởng thành, khỏe mạnh sẽ phóng thích 1 hoặc 2 trứng. Nếu trứng không được thụ tinh, không xuất hiện thai kỳ, tử cung sẽ loại bỏ lớp nội mạc,người phụ nữ ra máu kinh và một chu kỳ kinh mới lại bắt đầu.
2. Rụng trứng bao nhiêu ngày thì có kinh?
Một chu kỳ kinh nguyệt có thể là 28, 30 hoặc 31 ngày. Nó được tính từ ngày đầu tiên người phụ nữ thấy ra máu kinh của tháng này đến ngày đầu tiên ra máu kinh của tháng kế tiếp. Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, sau khoảng 14 ngày rụng trứng, cơ thể người phụ nữ sẽ xuất hiện máu kinh, một chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ được xác định.
Trước ngày hành kinh, chị em có thể có những dấu hiệu tiền kinh nguyệt như đau bụng, đau đầu. (Ảnh minh họa)
Nếu sau khi thấy xuất hiện các dấu hiệu rụng trứng hoặc xác định chính xác ngày rụng trứng khoảng 14-15 ngày, chị em chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện, bạn có thể đã chậm kinh. Việc chậm kinh có rất nhiều nguyên nhân, có thể bạn đã có thai, nhưng cũng có thể do rối loạn hormone nội tiết nên kinh nguyệt đến chậm hơn bình thường hoặc đây là dấu hiệu rối loạn chu kỳ kinh nguyệt chị em cần đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân.
3. Xác định ngày kinh nguyệt sau khi trứng rụng để làm gì?
Với chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều, thì việc tính chu kỳ rụng trứng cũng dễ dàng hơn. Việc xác định ngày rụng trứng có liên quan đến kế hoạch có con hoặc tránh thai của mỗi cặp đôi. Ngược lại xác định ngày có kinh sau khi trứng rụng, giúp chị em phụ nữ chủ động hơn trong lịch sinh hoạt, làm việc khi ngày đèn đỏ xuất hiện như chuẩn bị băng vệ sinh, hoãn cuộc đi chơi xa, tránh tiếp xúc với công việc phải xuống nước...
Xác định ngày hành kinh giúp chị em chủ động trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe của bản thân. (Ảnh minh họa)
4. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để quan hệ an toàn
Đây là một trong những biện pháp tránh thai, tuy không đem hiệu quả cao nhất nhưng hiện nay vẫn có những cặp đôi lựa chọn việc quan hệ dựa trên ngày an toàn. Về nguyên lý, trứng của người phụ nữ chỉ sống được 12 giờ, nếu trứng không gặp được tinh trùng để thụ tinh, trứng sẽ chết. Ngược lại, tinh trùng sống lâu hơn, nó có thể sống đến 72 giờ trong môi trường âm đạo của người nữ. Nếu tinh trùng không gặp trứng, lúc này tinh trùng mới chết.
Như vậy, quan trọng nhất là phải xác định được ngày rụng trứng (còn gọi là ngày phóng noãn). Với chị em có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày, thì:
• Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 7: Đây là giai đoạn quan hệ an toàn tương đối
• Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 18: Ngày quan hệ không an toàn
• Từ ngày thứ 18 đến ngày thứ 28: Quan hệ an toàn tuyệt đối
Biện pháp tính toán ngày quan hệ an toàn chỉ có hiệu quả thấp khoảng 45%-60%, chỉ áp dụng với phụ nữ có sức khỏe ổn định, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn từ 6 tháng trở lên. Do vậy, chị em có thể tham khảo những biện pháp tránh thai an toàn khác.
Như vậy, các chị em đã biết được rụng trứng bao nhiêu ngày thì có kinh. Khi đến ngày hành kinh có thể bạn sẽ thấy mỏi mệt và khó chịu chút ít vì vậy cần dành thời gian chăm sóc cơ thể cũng như vùng kín của mình một cách tốt nhất. Hoặc nếu kỳ kinh đến chậm thì chúc mừng bạn đã có tin vui!