Từ khi chào đời, bé William Nguyễn đã được chính phủ Úc trợ cấp tiền sữa, bỉm và nuôi con khi mẹ chưa đi làm lên tới 14 triệu đồng mỗi tháng.
Khi được hỏi điều gì ở đất nước Australia gây ấn tượng nhất với Cẩm Phương sau 3 năm sinh sống, cô không cần suy nghĩ mà trả lời ngay “đó chính là chính sách phúc lợi dành cho người dân”. Từ khi mang thai đến lúc sinh nở, Phương không mất một đồng nào cho việc khám thai cũng như nằm viện sinh con. Tất cả những khoản tiền này đã được bảo hiểm chi trả. Dù được thanh toán bằng bảo hiểm nhưng thái độ của y bác sĩ khi khám thai rất nhiệt tình và chu đáo thậm chí với việc khám bệnh tư của bác sĩ gia đình cũng không hề mất tiền.
Sau khi em bé chào đời còn được nhận rất nhiều trợ cấp từ chính phủ để lo khoản bỉm, sữa – khoản này được gọi là “baby bonus” Ngoài ra, còn có tiền trợ cấp nuôi con dành cho mẹ chưa đi làm vì hiện tại Cẩm Phương vẫn ở nhà chăm con. Tính tổng các khoản được trợ cấp mỗi tháng cũng lên tới 700 đô la Úc – tương đương khoảng 14 triệu đồng.
Theo mẹ Cẩm Phương, việc khám thai và sinh ở ở Úc không hề mất tiền.
Bác sĩ như mẹ hiền
Tính cho đến thời điểm hiện tại, Cẩm Phương đã định cư ở Úc được 3 năm còn chồng cô ở đây đã 9 năm. Phương sang Úc du học rồi tình cờ gặp gỡ chồng thông qua bạn bè. Thời gian đó cả hai sống ở tiểu bang khác nhau. Sau khi trò chuyện, Phương mới biết chồng chính là bạn thân của anh rể mình. Hai người giữ liên lạc, trò chuyện và yêu nhau một thời gian sau đó. “Đúng là duyên số. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại lấy chồng sớm như thế này. Nhiều người còn không tin tôi mới có 21 tuổi mà đã có con được 6 tháng", Phương chia sẻ về câu chuyện tình yêu trên đất khách của hai người.
Sau đám cưới không lâu, Phương có bầu. Chỉ hai vợ chồng nơi đất khách không có người thân giúp đỡ nên nhiều lúc Phương không khỏi lo lắng vì sợ mình chưa có nhiều kiến thức bầu bí. Thế nhưng cũng may các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình và chu đáo. Thai kỳ của cô diễn ra hoàn hảo phải kể đến công lớn của đội ngũ y bác sĩ. Khi biết tin có bầu, bà mẹ 21 tuổi này đã mang thai được 2 tháng. Từ đó cứ 1 tháng cô được bác sĩ hẹn tái khám một lần. Đến tuần 28 thì được hướng dẫn vào bệnh viện để thử máu xem có bị bệnh down, tiểu đường không? Từ tuần 34 thai kỳ thì Phương được theo dõi tại bệnh viện 1 tuần một lần.
“Thái độ của bác sĩ đúng như mẹ hiền. Tôi được bác sĩ kiểm tra tim thai và còn ần cần hỏi xem có bị căng thẳng, mất ngủ hay khó ăn uống không? Khi có bất cứ thắc mắc gì đều được giải đáp tận tình và còn chia sẻ cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích nữa. Lúc đầu mang thai tôi cũng hơi lo lắng nhưng được bác sĩ chỉ bảo cho từng li từng tí nên hoàn toàn yên tâm.”, Cẩm Phương nói.
Bé William Nguyễn hiện tại đã được 6 tháng tuổi.
Lễ đầy tháng của bé William Nguyễn
Đi đẻ chẳng mất gì
Vì xương chậu của Phương hẹp, em bé không chui đầu xuống được nên Cẩm Phương đã phải đẻ mổ. Việc sinh nở của bà mẹ 9x này cũng rất nhẹ nhàng. Khi đã đến ngày sinh nở mà không có dấu hiệu gì, cô vào bệnh viện khám và được sắp xếp ngày đẻ mổ. Đến ngày, chỉ việc vào viện hoàn thành thủ tục và lên bàn mổ thôi. Khi đó chồng Phương cũng vào cùng nên cô khá yên tâm.
“Trong suốt thời gian ca sinh mổ diễn ra, luôn có một bác sĩ đứng cạnh để hỏi xem tôi cảm thấy trong người thế nào, có đau không, đau chỗ nào? Bác sĩ còn không ngừng thì thầm vào tai tôi nói hãy cố gắng lên, sắp được gặp con yêu rồi khiến tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều khi đi sinh nở mà không có mẹ bên cạnh. Khi bác sĩ lấy em bé ra, nước mắt tôi bỗng chảy ra không ngăn lại được. Hạnh phúc lắm! Chồng tôi cũng rất vui vì được tự tay cắt dây rốn cho con nữa.”, bà mẹ 21 tuổi kể lại.
Điều đặc biệt là dù được chăm sóc tận tình, phòng đẻ như khách sạn 5 sao nhưng vợ chồng Cẩm Phương không phải mất một đồng chi phí nào. Tất cả những khoản này đã được bảo hiểm chi trả. Ngoài ra, em bé sau khi chào đời cũng được nhận rất nhiều trợ cấp của chính phủ để lo bỉm, sữa và các chi phí khác. Trợ cấp này sẽ được lĩnh cho đến hết năm 18 tuổi. Khi đi học, bé còn được nhận nhiều khoản trợ cấp hơn nữa. Mẹ ở nhà chăm con cũng được hưởng trợ cấp nuôi con. Bà mẹ 9x cũng cho biết thêm: "Khoản trợ cấp này chỉ dành cho những người tạm trú hoặc thường trú và có quốc tịch Australia. Đồng thời chính phủ cũng xem xét mức thu nhập của từng gia đình, có những gia đình có thu thập thấp thì còn được hưởng nhiều hơn mức 700 đô la, gia đình có thu nhập cao thì được nhận thấp hơn khoản này."
Bức ảnh chụp bé William Nguyễn vừa chào đời do chính bác sĩ chụp lại.
Khuôn mặt khôi ngô, đáng yêu của bé William Nguyễn
Chỉ sau sinh 2 tuần, bà mẹ 21 tuổi đã lấy lại được vóc dáng như khi chưa bầu bí.
Sau sinh, không phải kiêng cữ
Dù sinh mổ nhưng ngay sau sinh 1 ngày, bác sĩ đã cho phép cô được tắm gội như bình thường. “Ở Úc, tôi không phải kiêng cữ nhiều như các mẹ ở Việt Nam đâu. Bác sĩ còn dặn tôi phải cố gắng ăn nhiều để lấy sữa cho con bú. Sau sinh 1 ngày là tôi được tắm gội bình thường. Vì vết mổ được băng rất kỹ nên có thể tắm thoải mái. Cảm giác tắm xong sau 2 ngày nằm viện thật dễ chịu.”, Phương chia sẻ.
Sau khi ở viện 3 ngày, Cẩm Phương được về nhà và trong một tuần đầu ngày nào cũng có nữ hộ sinh đến nhà để kiểm tra vết mổ và em bé. Dịch vụ này cũng hoàn toàn miễn phí. Các nữ hộ sinh còn hướng dẫn cho bà mẹ trẻ cách tắm, vệ sinh, cho bé ăn nên sau 1 tuần sinh nở, Phương đã rất tự tin với khả năng làm mẹ của mình.
“Nữ hộ sinh còn dặn dò đủ mọi thứ và cho tôi cả số điện thoại để gọi khi có bất cứ thắc mắc gì. Cô còn dặn nếu bé ngủ 6 tiếng liền là phải đưa đi viện, không nên cho trẻ nằm gối, nếu nằm nôi thì nên nằm cuối nôi… Tôi còn được chỉ bảo cách hút sữa, giữ sữa và cho con bú như thế nào cho chuẩn… Nói chung, đẻ con bên này không có các bà, các mẹ hỗ trợ nhưng được các bác sĩ và nữ hộ sinh rất nhiệt tình nên tôi không thấy lo lắng nhiều.”, bà mẹ 9x nói.
Trong thai kỳ, mặc dù tăng đến 19 kg nhưng ngay sau khi từ bàn đẻ bước xuống, cô đã giảm được 11kg và 2 tuần sau đó là về được cân nặng ban đầu. Nói về thành tích giảm cân sau sinh của mình, Cẩm Phương nói: “Cũng chẳng có bí quyết gì đâu, có chăng là do tôi cho con bú sữa mẹ và một mình chăm con vì chồng tôi đi làm cả ngày. Chủ yếu chắc vẫn do cơ địa mỗi người. Ngoài ra, tôi cũng để ý vận động bằng cách đi bộ nhẹ nhàng và tập các động tác để giảm eo bụng.”