Sinh con to: phước hay hoạ?

Ngày 24/03/2013 09:28 AM (GMT+7)

Nhiều người thích sinh con to nhưng như thế có thực sự tốt?

Nếu để ý các mẩu đối thoại của thân nhân sản phụ sau sinh, sẽ thấy đa số sau câu hỏi đầu tiên “Gái hay trai?” sẽ là “Nó nhiêu ký vậy?”, và gần như luôn luôn thân nhân cảm thấy hài lòng khi biết con cháu mình to con, nặng ký. Có đúng là cứ to, cứ nặng là tốt?

To chưa chắc tốt

Cân nặng của trẻ khi ra đời là một trong những yếu tố đánh giá sức khoẻ quan trọng. Một trẻ sinh đủ tháng phải có trọng lượng hơn 2.500g. Dưới mức này được xem là thai nhẹ cân (có thể có hay không có suy dinh dưỡng). Chuyện thế nào là thai suy dinh dưỡng xin hẹn dịp khác, nhưng rõ ràng ngay cả người không có kiến thức y tế cũng biết hiển nhiên thai nhỏ quá là có vấn đề (suy dinh dưỡng hay sanh non). Giới hạn cân nặng này đã ngày càng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế, sự quan tâm dinh dưỡng của các bà bầu và người nhà. Tuy nhiên, không thể cứ cho tăng đến “hết cót”, vì có giới hạn giữa tăng bình thường và tăng bất thường.

Mức giới hạn trên bình thường, trong nhiều năm, đã nhích dần từ 3.000g, 3.500g rồi đến 4.000g. Khi trẻ trên 4.000g, nên xem lại tình trạng bé có ổn không, hay mẹ có những nguy cơ bệnh lý gì không. Một tình trạng rất thường gặp là rối loạn dung nạp đường trong lúc mang thai hay còn gọi tiểu đường thai kỳ, làm cho đường máu xuống chậm hơn mức sinh lý cho phép của bà bầu.

Sinh con to: phước hay hoạ? - 1

Bé quá to có thể làm sinh khó, mẹ dễ bị tổn thương, con có thể bị sang chấn do không lường trước được tình trạng quá to, có thể xảy ra gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa)

Tình trạng này cũng y như bệnh lý tiểu đường của người tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin, không do giảm insulin mà do insulin hoạt động không hiệu quả), sẽ tự hết trong vòng sáu tuần sau sinh; khoảng 20 – 30% các bà bầu này có khả năng trở thành bệnh tiểu đường type 2 vào tuổi trung niên.

Tiểu đường thai kỳ chiếm 10 – 15% các thai kỳ, tuy nhiên, con số này có thể gia tăng trong nhóm không có dinh dưỡng hợp lý. Tiểu đường thai kỳ làm cho bà mẹ có nhiều khả năng bị các bệnh lý của thai kỳ như rối loạn huyết áp, tiền sản giật, sản giật hay hôn mê do đường không được kiểm soát tốt. Với con, có thể gây ra tình trạng rối loạn dinh dưỡng mà thường nhất là béo phì, với trọng lượng rất đáng nể, phương phi nhưng không tốt tướng, thường yếu ớt, mà bác sĩ thường dùng chữ “công tử bột” để người nhà dễ hình dung: mập mạp, trắng trẻo, mà yếu ớt, dễ bệnh…

Trẻ của bà mẹ tiểu đường dễ bị các đợt giảm đường máu, hạ nhiệt hay vàng da nhiều sau sanh mà nếu không phát hiện sớm hay điều trị phù hợp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và phát triển trí tuệ của trẻ; còn trong lúc mang thai, do các đợt dao động đường máu của mẹ, bé sẽ dễ bị đột tử trong bụng mẹ mà không thể biết lý do. Một số nhỏ các bé khác thì có tình trạng suy dinh dưỡng trong bào thai, nên đôi khi cần cho sinh sớm để cứu bé. Ngoài ra, còn hay gặp thêm tình trạng rối loạn nước ối trong lúc mang thai, rất dễ dẫn đến việc kết thúc thai sớm. Đó là chưa kể việc bé quá to có thể làm sinh khó, tổn thương đường sinh dục của mẹ khi sinh hay phải mổ sinh; con cũng có thể bị sang chấn lúc sinh do không lường trước được tình trạng quá to.

Bé quá to có thể làm sinh khó, mẹ dễ bị tổn thương, con có thể bị sang chấn do không lường trước được tình trạng quá to, có thể xảy ra gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh.

Nhân tiện, cũng nói luôn khi em bé quá to được sinh ngả dưới, phần khó ra nhất là vai – ngực vì bé có khuynh hướng thu hết cả vai để chui lọt qua khung xương của mẹ. Trong quá trình sinh sẽ có thể xảy ra gãy xương đòn, một cách để thu hẹp khung vai. Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh, thật ra đa số là không nặng nề, xương trẻ sẽ tự lành sau vài tuần băng bất động vùng vai, không cần can thiệp y tế; chỉ can thiệp trong trường hợp có gãy phức tạp hay có di lệch nhiều, gãy kèm xương cánh tay.

Sớm loại bỏ ảnh hưởng xấu lên trẻ

Như vậy, không phải cứ em bé to là tốt. Nhưng làm sao tìm ra tình trạng tiểu đường thai kỳ của bà mẹ để dự phòng những ảnh hưởng xấu đến em bé? Có loại xét nghiệm tìm tình trạng này lúc mang thai: mẹ được cho uống 50g đường và đo đường máu một tiếng sau đó, nếu đường vượt mức cho phép là có khả năng bị tiểu đường thai kỳ, cần làm tiếp test uống 100g đường, đo đường huyết trước uống, 1, 2, 3 tiếng sau đó, khi có hai kết quả cao quá mức, là có tiểu đường thai kỳ, cần theo dõi và điều trị.

Đầu tiên bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách ăn uống cho phù hợp (ăn nhiều bữa, giảm đường – bột – gạo, tăng rau xanh và thịt cá, tăng vận động), sau đó nếu không cải thiện sẽ phải dùng tới insulin để giảm đường. Bà bầu tiểu đường sẽ được theo dõi chặt chẽ, thường xuyên hơn nhằm phát hiện sớm bất thường hay biến chứng của mẹ và con. Ngày nay, để giảm lo âu và phiền phức cho bà mẹ, tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị gộp chung hai test 50 và 100g đường thành test 75g đường – uống 75g đường, đo đường máu trước uống, và sau uống 1, 2 tiếng. Các loại test này đều được làm thường xuyên tại các bệnh viện chuyên khoa sản.

Nếu so với cách nay hơn mười năm thì cùng với tình hình gia tăng tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ cũng có khuynh hướng tăng theo, thậm chí không chỉ ở nhóm kinh tế khá giả mà ngay cả nhóm kinh tế khó khăn, có vẻ như do cách thức dinh dưỡng, đặc biệt là lúc mang thai chưa được phù hợp.

Các chế phẩm sữa cho bà bầu giúp phần nào cho việc bồi bổ sức khoẻ, bổ sung các khoáng chất cần thiết, đặc biệt là canxi. Nhưng cần lưu ý sử dụng chế phẩm sữa này sao cho phù hợp, hiệu quả mà ít tốn kém nhất, đặc biệt nếu có tình trạng tiểu đường thai kỳ, càng cần lưu ý chọn sữa phù hợp hay chỉ chọn viên bổ sung canxi. Thai phụ nếu tăng cân quá nhanh quá nhiều cũng nên xem lại cách ăn uống, lưu ý bác sĩ khám thai để tìm xem có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Tăng cân trong thai kỳ 10 – 15kg là vừa, khi mẹ quá gầy có thể đạt 18 – 20kg, mẹ đã thừa cân thì chỉ mươi cân là đủ.

Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh (Sài Gòn tiếp thị)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các kiến thức khác