Bất cứ cuộc vượt cạn nào của người mẹ đều có những nguy cơ nhất định rình rập nhưng với các mẹ sinh mổ lần 3, họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn cả.
Sinh mổ là một cuộc đại phẫu tại vùng bụng dưới và tử cung của người mẹ để lấy em bé ra. Vết thương sinh mổ thường mất ít nhất 2-3 tháng để liền sẹo và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình mang thai và sinh nở ở những lần sinh kế tiếp.
Các chuyên gia khuyên rằng những phụ nữ đã từng mổ đẻ trước đó thì tốt nhất nên để 3-5 năm sau mới tiếp tục sinh con và cũng chỉ nên mổ đẻ 2 lần là thích hợp. Tuy nhiên, nếu các cặp vợ chồng vẫn có ý định mang thai và sinh con lần 3 thì trước khi mang thai cần sự tư vấn của bác sĩ đẻ cân nhắc về việc sinh nở; đặc biệt những thai phụ đã có 2 lần sinh mổ thì lần thứ 3 cần phải được theo dõi thai kỳ chặt chẽ để đề phòng tai biến sản khoa.
Những nguy cơ thai phụ phải đối mặt khi sinh mổ lần 3
Thời gian nằm viện lâu
Sản phụ sinh thường thường nằm viện 1-2 ngày nhưng các mẹ sinh mổ thường nằm viện 3-7 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe và vết mổ. Viện phí và các khoản sinh hoạt phí sẽ cao hơn nhiều mẹ sinh thường.
Nguy cơ bục vết sẹo ở sản phụ trải qua nhiều lần sinh mổ rất cao.
Phục hồi vết thương lâu
Mẹ sinh mổ cần tĩnh dưỡng hoàn toàn 2-4 tuần để vết mổ chóng lành; điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc em bé mới sinh và các sinh hoạt khác trong gia đình nếu như bạn không có người hỗ trợ.
Nguy cơ nhiễm trùng cao
Khi sinh mổ, chị em có khả năng nhiễm trùng vết mổ, tử cung, vùng chậu do vậy chị em cần nằm viện theo dõi lâu hơn cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa sau sinh rất lớn.
Chấn thương các cơ quan khác trong khi sinh mổ
Tai biến hoặc rủi ro trong khi phẫu thuật có thể gây nguy hiểm cho sản phụ như xước, rách các cơ quan ở ruột, bàng quang, nhiễm trùng cổ tử cung, hình thành cục máu đông,… khiến chị em phải nhập viện để điều trị sau sinh mổ.
Mất nhiều máu
Sản phụ sinh mổ phải đối mặt với tình trạng mất một lượng lớn máu do vậy quá trình hồi phục sức khỏe của chị em kéo dài và cần được bổ sung dinh dưỡng tích cực để sớm bù đắp lượng máu đã mất.
Ảnh hưởng quá trình cho con bú
Việc mổ đẻ khiến cơ thể người mẹ phải tiếp nhận nhiều loại thuốc như thuốc gây tê/gây mê, kháng sinh,… nên ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và quá trình kích thích sản sinh sữa mẹ để cho con bú.
Sinh mổ lần 3 nên cách lần 2 bao lâu?
Thông thường, khoảng cách giữa lần mang thai thứ 3 và sinh mổ thứ 2 nên cách nhau ít nhất 2 năm, khi vết sẹo đã bình phục hoàn toàn. Nếu chị em mang thai ít hơn 2 năm thì nguy cơ bục vết mổ ở lần sinh thứ 2 sẽ rất lớn (gấp 3 lần).
Sinh mổ lần 3 có cần chờ cơn đau chuyển dạ xuất hiện?
Những sản phụ đã sinh mổ lần 3 thường được chỉ định mổ sớm trước khi cơn co chuyển dạ xuất hiện
Nếu chị em đã từng mổ đẻ 2 lần trước đó thì lần sinh thứ 3 chắc chắn cũng được chỉ định sinh mổ vì nếu đẻ thường nguy cơ bục vết mổ rất cao. Khi thai đã được 38-39 tuần, bác sĩ sẽ yêu cầu mổ lấy thai cho bà bầu luôn mà không chờ đến khi chuyển dạ vì khi chuyển dạ, các cơn co thắt có thể ảnh hưởng đến vết mổ cũ.
Việc chỉ định khi nào mổ sẽ được bác sĩ quyết định nhằm ngăn ngừa những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra dựa trên tình trạng vết mổ cũ, sự phát triển của thai, độ dày mỏng của thành tử cung… Những thai phụ mà thai làm tổ trên vết mổ cũ, khoảng cách giữa lần sinh thứ 2 và thứ 3 dưới 16 tháng, sẹo có dấu hiệu sưng tấy sẽ được chỉ định mổ sớm.
Sinh mổ lần 3, mẹ bầu cần chuẩn bị những gì?
Mặc dù đã trải qua 2 lần sinh nở trước đó, nhưng đến lần sinh mổ thứ 3, chị em vẫn cần ghi nhớ những chú ý dưới đây trước khi đi sinh để cuộc sinh thuận lợi.
Chọn bệnh viện sinh từ sớm: Khác với các mẹ sinh thường, các mẹ sinh mổ lần 3 thường sinh sớm do với ngày dự kiến sinh và cũng biết trước kế hoạch sinh mổ của mình. Việc đăng ký bệnh viện sinh ngay từ đầu giúp thai phụ được theo dõi cả quá trình thai sản.
Chuẩn bị đồ đùng cho bé và mẹ sinh mổ: Mẹ sinh mổ sẽ phải nằm viện từ 3-5 ngày tùy tình trạng sức khỏe nhưng lâu hơn so với các mẹ sinh thường vì vậy chị em cần chuẩn bị đồ đi sinh nhiều hơn một chút.
Không ăn uống trước khi mổ đẻ: Trước khi sinh mổ 8 tiếng, thai phụ cần làm rỗng dạ dày do vậy không được ăn uống bất cứ thứ gì. Thậm chí một vài ngày trước khi sinh chỉ nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa vì trong quá trình phẫu thuật, mẹ bầu sẽ được gây tê/gây mê nếu dạ dày chứa nhiều đồ ăn có thể dẫn tới tình trạng trào ngược phổi gây tắc đường thở, nguy hiểm hơn là tử vong.