Sướng 'ngất ngây' khi sinh con ở Nhật

Ngày 17/03/2014 14:40 PM (GMT+7)

4 ngày trải nghiệm tuyệt vời của một bà mẹ Việt sinh con tại Nhật Bản.

Đã 6 tuần kể từ khi Ai-chan, con gái yêu của tôi đến với cuộc đời này. Cũng đã 6 tuần trôi qua kể từ khi tôi kết thúc những trải nghiệm mang bầu và sinh con tuyệt diệu của mình ở Nhật Bản.

Tôi lấy chồng người Nhật và theo anh sang sinh sống tại quê hương chồng, một thành phố nhỏ ở Shizuoka. Ở đây không có nhiều bệnh viện và phòng khám. Sự lựa chọn nơi sinh đẻ cũng không được đa dạng như ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka… Tuy nhiên, những gì tôi nhận được cũng đã khiến tôi vô cùng “mãn nguyện”.

Tôi cũng như bao bà bầu khác, đã từng rất sợ hãi khi nghĩ đến giai đoạn sinh đẻ. Tuy nhiên, từ sau khi gặp Ai-chan và được hưởng những phúc lợi “ngất ngây” của Bệnh viện phụ sản ở Nhật, tôi đúc kết ra một khẳng định: Không-sợ-sinh-con-tại-Nhật-Bản.

Ở Nhật, khi các cơn co 5-10 phút một cần mới cần vào viện

Theo dự kiến, Ai-chan sẽ ra đời vào ngày 22/8. Tôi và chồng đã vô cùng háo hức và làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho khoảnh khắc trọng đại đấy diễn ra được suôn sẻ. Mặc dù như chúng ta biết, làm sao bạn có thể “chuẩn bị” cho việc sinh con trong khi bạn không hề có khái niệm gì về những cơn đau đẻ và cảm giác khi rặn đẻ. Thời tiết mùa hè ở Nhật cũng khá nóng nực nên tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Thêm vào đó, bố mẹ tôi ở Việt Nam lại rất hay gọi điện hỏi han và giục giã tôi bất cứ khi nào thấy dấu hiện đau bụng là phải vào viện ngay.

Ngày 26/8, 4 ngày sau đó, tôi cùng chồng vào viện để siêu âm và kiểm tra một lần nữa. Lúc này, các bác sĩ báo tử cung của tôi đã mở được 2 cm và yêu cầu tôi… về nhà. “Hãy kiểm tra khi nào các cơn co bắt đầu xảy ra 5-10 phút một lần thì vào viện”. Vì vậy, tôi và chồng thoải mái về nhà. Tôi vẫn ăn uống, tắm rửa và xem tivi như bình thường. Tôi bắt đầu cảm nhận các cơn co nhưng chúng không quá khủng khiếp nên tôi cũng không bận tâm. Chồng tôi thì khác. Ông xã người Nhật của tôi đã ghi lại cẩn thận thời điểm tôi xảy ra cơn co. Đến nửa đêm, tôi ra một ít máu và các cơn đau bắt đầu kéo đến dồn dập. 10 phút một lần. Chồng tôi gọi điện cho bệnh viện và sau đó, chúng tôi vào phòng chờ sinh khoảng 2 giờ sáng. Lúc này, tử cung của tôi đã mở được 5cm.

Sướng ngất ngây khi sinh con ở Nhật - 1
Phòng sinh ở Nhật rất đẹp và sạch sẽ (ảnh minh họa)

Đừng để em bé cảm nhận được nỗi đau của mẹ, nếu không, nó sẽ không ra nữa.

Tôi bắt đầu chịu đựng những cơn đau ngày một liên tiếp và dồn dập. Lúc đầu, tôi tưởng mình có thể ngủ hoặc đi lại nhẹ nhàng giữa những cơn co. Vậy nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Tôi đau đến quặn thắt, không thể thở được và có cảm giác như ai đó đang đấm liên tiếp vào cái bụng bầu của mình. Tất cả mọi người, các y tá, bác sĩ, chồng tôi và các sản phụ Nhật khác, ai cũng khuyên tôi hãy hít thở. Vậy nhưng làm thế nào tôi có thể thở được, hít thở cũng khiến tôi cảm thấy đau. Chỉ có duy nhất việc la hét có thể khiến tôi cảm thấy đỡ đi phần nào. Vậy là tôi hét, và kêu la khắp phòng sinh. Tôi khá xấu hổ khi kể lại chuyện này nhưng đúng là khi đó, chỉ có việc la hét mới khiến tôi cảm thấy thoải mái. Lúc đó một bác sỹ đến gặp tôi, mỉm cười và bảo “Bình tĩnh nào, tôi đang cố gắng giúp chị”.

Bác sỹ người Nhật này là một người phụ nữ vào khoảng 40 tuổi, rất tận tình và là một trong những người có chuyên môn cao ở bệnh viện. Cô liên tục chạm vào mũi tôi và yêu cầu tôi phải thở bằng mũi chứ không phải thở bằng miệng và la hét. Bác sỹ còn nói với tôi rằng “Việc la hét sẽ khiến em bé nghe thấy và đừng để đứa bé cảm nhận được nỗi đau của mẹ nó. Nếu đứa trẻ cảm thấy nỗi đau của mẹ, nó sẽ không ra nữa”. Chính nhờ câu nói này, tôi đã trở nên bình tĩnh và chuyển dạ thành công sau 12 tiếng đau đẻ. Khi các bác sỹ đưa Ai-chan cho tôi nhìn mặt, đồng thời xoa bụng tôi để máu và nhau thai nhanh ra, tôi đã vừa hạnh phúc vừa rối rít xin lỗi vì đã “làm loạn” phòng đẻ. Tuy nhiên, bác sỹ chỉ cười và nói “tất cả các bệnh nhân của tôi đều như thế”.

Dịch vụ chăm sóc sản phụ tuyệt vời

Thái độ và sự kiên nhẫn của các bác sỹ Nhật đối với sản phụ khiến tôi xúc động và biết ơn bao nhiêu thì quãng thời gian nghỉ lại tại viện sau sinh lại càng khiến tôi ấn tượng bấy nhiêu bởi sự chu đáo, cẩn thận của một dịch vụ coi sức khỏe, niềm vui của mẹ và bé là trên hết.

Sau khi sinh Ai-chan, tôi bị đổ mồ hôi như tắm. Lúc này, các y tá đã nhẹ nhàng giúp tôi lau mồ hôi và thay đồ mới của bệnh viện. Họ cũng không quên đặt dưới người tôi những miếng bỉm to để hứng sản dịch. Một ngày, các y tá sẽ tiến hành vệ sinh và thay miếng lót đấy thậm chí trước khi tôi cảm thấy khó chịu vì miếng lót bị đầy. Khi tôi đi tắm và vệ sinh, cũng luôn có ít nhất một y tá đi theo và thực hiện giúp tôi những khi tôi quá yếu và không thể làm được. Ở Nhật, sản phụ sau khi sinh 1,2 ngày có thể thoải mái đi tắm chứ không kiêng cữ giống ta.

Đồ ăn trong viện ngon như khách sạn

Sướng ngất ngây khi sinh con ở Nhật - 2
Một bữa ăn sáng trong bệnh viện Nhật (ảnh minh họa)

Khi vào đẻ trong các bệnh viện ở Nhật, bạn cũng không cần phải nhờ người nhà lích kích ngày 3 bữa mang cặp lồng đến bệnh viện như ở Việt Nam. Thậm chí, các bác sỹ và y tá ở Nhật còn yêu cầu gia đình hạn chế không mang đồ ăn vào vì họ không muốn sản phụ ăn phải những thức ăn không đảm bảo vệ sinh hay bị nhiễm khuẩn. Thức ăn ở bệnh viện Nhật nơi tôi sinh rất ngon và chất lượng chẳng kém gì khách sạn.

Một khẩu phần ăn của sản phụ ở Nhật luôn có đầy đủ dinh dưỡng bởi các bác sỹ ở đây ưu tiên cho mục tiêu sức khỏe. Cơm trắng và thịt luôn đầy đủ, ngoài ra một suất ăn còn có rất nhiều rau và hoa quả tráng miệng. Chồng tôi thậm chí cũng đã ăn đồ ăn của bệnh viện trong những lần đến thăm tôi.

Bác sỹ Nhật luôn tạo điều kiện cho các bà mẹ cho con bú

Cần nói, trước khi sinh tôi đã khá lo lắng vì không biết liệu ở Nhật, các bác sỹ và y tá có tạo điều kiện cho em bé được bú mẹ hay không. Liệu con có được đưa đến phòng cách ly và cho uống sữa công thức trước khi đưa về với mẹ. Tuy nhiên, khi sinh xong, tôi đã thấy những lo lắng này là thừa. Các y tá ở bệnh viện Nhật luôn cố gắng cho mẹ và bé được gặp nhau, tiếp xúc da và cho bé bú ngay khi vừa mới sinh xong. Chỉ duy nhất một lần Ai-chan phải ăn sữa ngoài, đó là khi con đang quá đói, khóc rất to còn tôi thì bối rối vì thấy bé không chịu ngậm ti mẹ. Tuy nhiên ngay sau đó, bác sỹ ở đây đã đến và hướng dẫn tôi các cho con bú, tư thế sao cho chuẩn và bé bắt núm vú mẹ đúng nhất. Bác sỹ cũng nhấn mạnh tôi không nên ép con bú quá nhiều mà chỉ cần 5-10 phút mỗi bên là được vì dạ dày trẻ sơ sinh còn nhỏ. Bú nhiều sẽ dẫn đến trớ sữa.

Bệnh viện phụ sản ở Nhật và các bác sỹ, y tá nơi đây đã có tôi có được quãng thời gian 4 ngày đầu tiên nằm viện vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ. Nếu muốn sinh con một lần nữa, có lẽ, tôi sẽ không ngần ngại mà chọn Nhật Bản là nơi chào đời cho đứa con thứ hai. Họ sẽ làm những gì có thể một cách tốt nhất để giúp bạn, kể cả khi bạn là người ngoại quốc và có sự khác biệt về văn hóa hay suy nghĩ.  

Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail huyennhu_8.......@...............

Hà My ghi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu