Theo chế độ bảo hiểm ở Đức, tôi được một bà đỡ đến tận nhà chăm sóc 1 tháng trước sinh và 2 tháng sau sinh.
Thời kỳ mang thai...
Trước khi sinh cu Bon tôi hỏi một chị bạn người Đức đã có hai con rằng đẻ có đau lắm không, chị nhìn tôi hơi ngạc nhiên rồi trả lời: "Đau, nhưng đấy là một trải nghiệm mà tôi không muốn bỏ lỡ". Quả thật sau khi sinh Bon tôi mới hiểu thấu đáo câu trả lời ấy. Tôi sinh cu Bon ở bệnh viện Marien (ở thành phố Bonn, Đức), nằm trên một quả đồi, tựa lưng vào đồi thông, bên cạnh một nhà thờ và nhìn xuống thành phố. Từ khi mang thai tôi đi khám thường xuyên ở một phòng khám tư nhân ở trung tâm, chỉ vào giai đoạn cuối của thai kỳ bác sỹ riêng của tôi thấy cần thiết phải hỏi ý kiến các đồng nghiệp nên mới gửi tôi đến bệnh viện khám. Ở Đức nếu có thẻ bảo hiểm y tế, bạn có thể chọn đi khám tại bất kỳ cơ sở tư nhân nào và chọn đẻ ở bất kỳ bệnh viện nào. Tôi lướt qua quyển sách hướng dẫn về các bệnh viện trong thành phố, các chỉ số cung cấp cho tôi một bức tranh hoàn chỉnh về mỗi bệnh viện. Tôi chọn bệnh viện Marien vì viện xử lý số ca sinh nhiều nhất trong năm so với các bệnh viện khác.
Đi sinh nở...
Tôi nhập viện vào đêm vì vỡ ối. Bác sỹ làm các xét nghiệm nhưng vì tôi chưa có cơn đau nên được gửi lên tầng trên là khu dưỡng sau khi sinh cho các sản phụ và dặn tôi bao giờ đau thì xuống tầng dưới, là khu dành cho người đẻ. Khi cơn đau đầu tiên tới, tôi đi thang máy xuống tầng dưới, cô y tá lắp máy điện tâm đồ để nghe tim thai và để tôi nằm trên salon ở hành lang. Nằm đây khá thư giãn và tôi có thể lắng nghe những gì đang diễn ra ở ba phòng đẻ xung quanh. Cách tôi không xa là một sản phụ khác đang tập với một quả bóng to để giảm cơn đau và chuẩn bị sinh. Lúc này tôi mới thấy hối hận là đã không đăng ký khóa học chuẩn bị sinh dành cho cả vợ và chồng ( khóa học đều được bảo hiểm thanh toán).
Bốn tiếng đầu tiên các cơn đau còn nằm trong tầm kiểm soát của tôi, lúc này tôi đã thôi không tha thẩn ở ngoài hành lang mà đã được bố trí vào một phòng đẻ. Bắt đầu sang tiếng thứ năm các cơn đau đến dồn dập và dữ dội, không có một tư thế nào giúp tôi giảm đau được nữa, lực thúc mạnh về mọi phía từ bên trong bụng, tôi quỵ dần và cảm thấy sẵn sàng làm bất cứ việc gì để chấm dứt sự đau đớn này. Đúng lúc đó cô y tá xuất hiện để chuẩn bị phòng đẻ cho tôi, tôi hỏi liệu có thể cho tôi mổ đẻ được không, vì tôi không thể chịu đau được nữa. Cô y tá nhìn tôi như thể tôi vừa đòi lên mặt trăng nhưng cười tươi nói: "Yên tâm, bạn sẽ đẻ thường được, mổ đẻ còn đau hơn rất nhiều lần".
Bé Bon khi được 3 tháng tuổi. Bố bé là người châu Âu nên bé được thừa hưởng nét lai Tây rất đẹp.
Tôi biết tác dụng của việc đẻ thường, các cơn đau có tác dụng chuẩn bị cho em bé thích nghi với môi trường mới, nơi mà bé sẽ phải sử dụng đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và làm những việc mà chín tháng qua bé chưa làm bao giờ. Mổ đẻ thay đổi môi trường của bé trong giây lát mà không cho bé cơ hội được chuẩn bị. Điều này là do bà đỡ giải thích cho tôi. Theo chế độ bảo hiểm, tôi được một bà đỡ đến tận nhà chăm sóc 1 tháng trước khi sinh và hai tháng sau khi sinh. Cũng nhờ có bà đỡ mà tôi đã biết chính xác rằng mình vừa vỡ nước ối và đi bệnh viện kịp thời.
Mọi việc diễn ra nhanh như một cuốn phim kể từ khi cô y tá bước vào phòng, tiếp đó là bác sỹ vào. Cô giải thích cho tôi rằng cô sắp tiến hành việc gây tê tủy sống cho tôi, cô dành cho tôi mười phút để đọc tác dụng và tác dụng phụ của việc này. Sau khi tôi đọc xong, cô giải thích lại cho tôi từng điều một. Cô cho biết 80 phần trăm phụ nữ đẻ thường và sinh con lần đầu ở bệnh viện đều sử dụng phương pháp gây tê tủy sống, nó sẽ giảm cơn đau đến 80 phần trăm. Tuy nhiên phương pháp có khoảng 10-15% tác dụng phụ, nhẹ là đau đầu, nặng là liệt toàn thân nếu thao tác sai. Trước khi tiến hành gây tê, bác sỹ dặn tôi việc tôi ngồi yên trong suốt quá trình cô thao tác là rất quan trọng. Cô y tá ngồi đằng trước giữ hai tay tôi, còn bác sỹ thao tác ở đằng sau lưng. Trước khi tiến hành bất cứ thao tác gì, bác sỹ đều nói rõ cô ấy sẽ làm gì và tôi sẽ cảm thấy như thế nào, ví dụ tôi sẽ cảm thấy có một luồng điện chay khắp sống lưng để tôi khỏi bất ngờ và giật mình. Sau mười lăm phút, do tác dụng của thuốc các cơn đau dịu hẳn xuống, tôi thấy mình như được cứu sống. Máy điện tâm đồ luôn luôn được gắn với tôi để theo dõi tim thai, kết quả được máy in ra đồng thời và liên tục. Một lát sau bác sỹ gắn một chai dịch truyền cho tôi, giải thích rằng các cơn đau của tôi không đủ để kích thích tử cung mở, vì vậy họ truyền thuốc để kích thích cơn đau.
Khi các cơn đau đến dồn dập trở lại, trong phòng có thêm một bác sỹ khác, trông dày dặn kinh nghiệm và tuổi đời. Cô bác sỹ giải thích rằng nhịp tim của bé tăng vọt mỗi khi có cơn co bóp nên cô cần sự trợ giúp của bác sỹ trưởng. Ông dặn tôi lúc nào cơn đau đến thì nhắm mắt và rặn thật mạnh. Tôi vật vã qua những cơn đau, không nhận ra cả tiếng gào của mình và nhắm mắt, cắn răng rặn trong tiếng hò reo động viên của cả ê kíp. Sau một hồi bác sỹ trưởng đưa kim tiêm vào sâu hút ra một giọt máu của em bé, mang đi xét nghiệm và nhanh chóng quay lại. Ông giải thích với tôi rằng nhịp tim cho thấy em bé đang trong tình trạng stress và muốn được ra ngoài, vì vậy ông sẽ can thiệp ngay. Trong vòng vài phút, tôi được rạch ở tử cung và bác sỹ dùng Forceps đưa em bé ra, chồng tôi sau này kể lại với tôi rằng việc này do ông bác sỹ trưởng làm, và cô bác sỹ trẻ vừa quan sát vừa học.
Sau giây lát bác sĩ trưởng hô lên rằng đầu bé ra được rồi và bảo tôi rặn thêm vài nhịp nữa, rất nhanh chóng cả người bé cũng ra theo. Tôi thấy người nhẹ bẫng và một em bé bỗng nhiên từ đâu được đặt lên ngực tôi. Tôi như vỡ òa vì sung sướng. Sau vài phút cô y tá mang em bé ra góc kia của căn phòng để cắt rốn, đếm ngón chân ngón tay, chụp ảnh, và trong nháy mắt làm xong một tấm bưu thiếp để tặng tôi. Mặt ngoài của tấm bưu thiếp là ảnh bé lúc vừa sinh, mặt trong một bên có dán một đoạn đo nhịp tim của bé đúng vào lúc sinh cắt từ máy đo điện tâm đồ ra, phía dưới ghi ngày tháng năm sinh, giờ sinh, họ tên của bé và tên của các bác sỹ, y tá giúp bé ra đời. Mặt kia là dấu chân của bé, được chấm lên mực xanh và in lên mặt giấy, phía dưới có dòng chữ: Dấu chân đầu tiên trong đời. Tấm bưu thiếp này tôi luôn mang theo mình...
Chăm sóc sau sinh tại bệnh viện
Tôi được đẩy từ phòng đẻ lên phòng chăm sóc hậu sản trên chiếc giường di động, hai tay ôm con đang nằm trên ngực. Cô y tá khoa hậu sản xuống đẩy giường cho tôi vừa nhìn thấy tôi đã cười tươi và nói: Chúc mừng hai mẹ con. Phòng cho phụ nữ sau khi sinh ở đây rộng khoảng 40 mét vuông, có 3 giường và nhìn ra đồi thông.
Giường bệnh ở đây được thiết kế rất hiện đại. Đầu giường có thể gập lên gập xuống để thay đổi độ cao tùy thích, bên trái có gắn chiếc bàn ăn, có thể gập vào cho gọn khi dùng xong, có nút bấm gọi y tá và điện thoại để gọi ra ngoài. Những đêm đông người sinh thì cả đêm tôi nghe thấy chuông gọi y tá reo liên tục. Mỗi khi có người bấm nút, chuông sẽ reo khắp hành lang, và chỉ dừng lại khi y tá đã vào tận phòng của bệnh nhân. Bên phải là chiếc cũi của em bé, thành cũi làm bằng nhựa trong suốt để mẹ có thể theo dõi mọi cử động của con ngay cả khi đang nằm trên giường, cũi có bánh xe để mẹ có thể đẩy con vào phòng y tá hoặc phòng ăn.
Trước khi sinh tôi đã ở phòng này một đêm và thấy cứ ban đêm thì các bà mẹ nườm nượp đẩy cũi vào phòng trực của y tá. Lúc đó tôi thắc mắc lắm, không hiểu họ làm gì trong đó nhưng đến khi con khóc lần đầu tiên, tôi cũng không biết làm gì hơn là đẩy cũi của con đi vào dãy phòng trực của y tá ở đối diện phòng tôi. Vừa thấy tôi, cô y tá trực liền ra dẫn tôi vào một phòng bên trong, là phòng thay bỉm và vệ sinh cho em bé. Ba ngày đầu tiên việc tắm, thay bỉm và vệ sinh cho em bé đều do các cô y tá làm, vừa làm họ vừa hướng dẫn cho tôi, đến ngày thứ tư thì tôi tự làm được. Trong phòng thay của em bé có bàn thay bỉm, bên trên là đèn sưởi để bé khỏi lạnh, bên dưới là tủ quần áo, bên trong có sẵn áo lót, áo ngoài, bộ áo liền quần, bỉm sạch để các bà mẹ dùng. Khi dùng xong thì bên cạnh có hai thùng nhựa to, một để vứt bỉm bẩn, và một để đựng quần áo bẩn của các bé. Mỗi khi thay bỉm xong chúng tôi đều lau bàn thay bằng giấy vệ sinh thấm nước khử trùng để lại chiếc bàn sạch sẽ cho người sau dùng, mặc dù em bé đã được đặt nằm trên một tấm lót bằng giấy thấm và được vứt đi sau khi dùng.
Bé Bon 13 tháng tuổi.
Ngày đầu tiên sau khi giúp tôi thay bỉm cho Bon xong, cô y tá trực hỏi tôi có muốn cho con bú không hay định nuôi con bằng sữa ngoài. Khi biết tôi muốn cho con bú, cô dẫn tôi vào phòng bên cạnh, chuyên để các y tá hướng dẫn các bà mẹ cách cho con bú. Trong phòng có ghế salon, hai máy bơm sữa và mỗi ghế đều đặt một chiếc gối mà các bà mẹ dùng để quấn quanh người vừa để cho đỡ đau lưng vừa là chỗ đặt con lên trong khi cho bú để đỡ phải bế hoàn toàn. Trong bảy ngày tôi nằm ở khu chăm sóc hậu sản này, bao nhiêu lần cu Bon khóc đòi ăn là bấy nhiêu lần các nữ y tá ở đây vật lộn với hai mẹ con tôi để giúp tôi cho con bú. Họ giúp tôi ngồi xuống, đứng lên vì tôi còn đau vì vết thương vẫn chảy máu và mỗi lần thay đổi vị trí là một lần đau (phải 3-4 tuần sau khi sinh mới cầm máu). Họ giúp tôi quấn và buộc gối quanh người, đặt cu Bon vào đúng vị trí, và khó nhất là việc đưa mồm Bon vào đầu ti và đảm bảo rằng Bon bú đúng (mút cả bầu vú chứ không phải chỉ nhai đầu ti). Họ ngồi bên cạnh theo dõi, luôn hỏi tôi có đau không, vì nếu tôi đau tức là Bon đang nhai đầu ti chứ không bú, và chúng tôi lại bắt đầu từ đầu. Cho được chiếc mồm bé xíu của Bon vào ngậm ti cho đúng là việc vô cùng khó khăn, và tôi học được từ một bà y tá già. Bà giữ cổ Bon, chờ đến lúc Bon há mồm to liền vừa giữ cổ vừa đưa thẳng đầu Bon vào đầu ti. Sau này về nhà Bon đã bú thạo rồi, thì mỗi lần bú đều lúc lắc đầu sang hai bên vài giây để định vị, rồi lao thẳng đầu vào cái ti mà không cần tôi giữ cổ đưa vào.
Đêm đầu tiên sữa về hai bầu ngực tôi căng như hai trái bom sẵn sàng nổ tung, nhưng sữa không thoát ra ngoài được. Ngực tôi đau nhức trên từng milimet, đến từng tế bào. Có lẽ cái đau này chỉ sau đau đẻ. Tôi đẩy xe nôi vào phòng y tá lúc 2 giờ sáng, nước mắt giàn dụa. Cô y tá trực sau khi biết liền nói ngay: Hà, yên tâm nhé, ở đây chúng tôi không để cho ai đau đớn bao giờ. Sau đó cô phân công ngay công việc. Cô giúp tôi ngồi xuống và cho Bon bú, vì em bé bú sẽ giúp thông tuyến sữa, kích thích sữa ra. Sau khi cho Bon bú mỗi bên 15 phút xong (chỉ là mút, vì sữa vẫn chưa ra), cô hướng dẫn tôi cách bơm sữa, là một cách khác để kích thích sữa ra. Trong khi đó một y tá khác lấy bắp cải từ trong tủ lạnh ra giã để tôi trườm ngực. Quả thật trườm bằng lá bắp cải lạnh rất hiệu quả, giảm đau nhức đi nhiều lần. Trước khi về phòng cô đưa tôi thuốc giảm đau, dặn 6 tiếng uống một lần. Điệp khúc ấy cứ diễn ra, ngày cũng như đêm, cho đến khi tuyến sữa thông và sữa đã ra được. Một ngày có 3 ca trực, nhưng y tá của cả 3 ca đều biết rõ vấn đề của tôi, vào ca trực của ai là người nấy giúp tôi làm đúng từng nấy việc, sang ca trực mới các cô lại hỏi tôi tình hình thế nào, sữa đã thông chưa. Tôi vẫn nhớ vẻ mặt bừng sáng và nụ cười tươi của bà y tá già, sau khi bà cân cu Bon sau khi bú, bà mừng rỡ bảo tôi: sữa ra rồi nhé, em bé vừa bú được 30 ml.
Những lúc mệt quá, các bà mẹ có thể gửi con ở phòng y tá để ngủ trọn đêm. Với những bé bú bình, các cô sẽ cho uống sữa bình nếu bé thức dậy khóc, hoặc vào đánh thức mẹ ra cho con bú với những bé bú sữa mẹ. Đêm nào tôi vào phòng y tá trực cũng thấy ít nhất mười cái cũi trong đó các em bé ngủ ngon lành. Những ngày đầu sữa chưa về, tôi cho Bon bú bình sau mỗi lần tập bú chay. Mỗi lần tôi cần sữa bình, tôi chỉ việc nói với cô y tá trực và chưa bao giờ tôi phải chờ lâu quá năm phút. Đây là khoảng thời gian mà cô lấy sữa từ tủ lạnh ra, cho vào bình nhỏ, hâm nóng trong máy và làm nguội dưới vòi nước lạnh.
Trước khi ra viện tôi được mời lên phòng bác sỹ, cô bác sỹ trẻ măng khám lại vết thương cho tôi một lần nữa, ngồi dặn tôi những việc cần nhớ trong thời gian tới. Ví dụ như sau sáu tuần tôi cần quay lại phòng khám tư nhân để bác sỹ riêng khám, vết thương của tôi còn chảy máu 3-4 tuần nữa và nếu ngày nào không ra máu thì tôi phải quay lại bệnh viện ngay. Tất cả những điều cô dặn đều được in sẵn ra giấy để tôi mang về. Bệnh viện kết hợp với chính quyền thành phố làm luôn giấy khai sinh cho các bé, một tuần sau là tôi có thể đến viện lấy giấy khai sinh cho Bon. Trước khi về tôi được tặng một túi quà, trong đó quý giá nhất là hai chai sữa pha sẵn mỗi chai một lít. Tôi có thể để tủ lạnh, mỗi lần cho con ăn thì đổ ra bình nhỏ hâm lại. Chúng quả thật rất hữu ích vì cu Bon không thể chờ chúng tôi ngồi nghiên cứu cách sử dụng bộ dụng cụ tiệt trùng cho bình sữa, hay công thức pha sữa bột trong những ngày đầu tiên.
Bảy ngày ở bệnh viện sau khi sinh là thời gian mà tôi chịu đựng nhiều đau đớn nhất trong đời từ trước đến nay. Vết thương của tôi còn chảy máu và rất đau, một ngày ngủ khoảng 4 tiếng, tranh thủ vào những lúc Bon ngủ, ngoài ra còn phải tập bú cho Bon, không dưới 10 lần hàng ngày. Duy trì được việc ăn ngủ ị đái của bản thân đã là một việc rất khó khăn, không những thế tôi còn phải chịu trách nhiệm duy trì sự sống cho một sinh linh bé bỏng. Nhưng trong trí nhớ của tôi, đó là những ngày ngọt ngào nhất. Sau bảy ngày ấy, từ bệnh viện về tôi đã thay bỉm, mặc quần áo và cho Bon bú thành thạo. Và bởi vì lúc tôi đau đớn nhất về thể xác, hoang mang nhất về tinh thần, và dễ bị tổn thương nhất, tôi đã được giúp đỡ, an ủi, nương tựa. Các bác sỹ và y tá, họ đã chìa bàn tay ra nắm lấy tay tôi, cùng tôi đi từng bước một trên con đường đầy gian nan. Họ đã làm tôi hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu: “lương y như từ mẫu”.
Mời các mẹ đón đọc Phần 2 về Chế độ bảo hiểm và chăm sóc sau sinh tại nhà với sản phụ tại Đức vào 09h00 ngày 30/12/2013 trên chuyên mục Bà bầu.
Đọc thêm sự kiện Sinh con ở nước ngoài tại đây: Sinh ở Séc: Bác sĩ cám ơn bà đẻ |