Các mẹ cứ đinh ninh rằng mang thai lần hai chắc chắn dễ dàng và đỡ mệt hơn lần đầu nhiều. Nhưng thực tế thì không phải vậy?
Thực tế không mong muốn
Mỗi lần mang thai đều khác biệt và mang tính độc nhất, nghĩa là, mỗi lần mang thai, các mẹ đều phải học hỏi. Bởi có thể lần đầu mang thai khá dễ dàng nhưng lần hai lại nhiều thử thách, hoặc ngược lại, lần một “vật vã” nhưng lần hai thì nhẹ nhàng hơn. Không ai đoán trước được điều gì khi phụ nữ bầu bí.
Lộ bụng sớm hơn
Nếu lần đầu tiên, đa số bụng chị em thon gọn và khó nhận cho đến mấy tháng sau, thì lần này, chỉ từ tuần thứ 7 là mọi người đã nhìn ra sự khác biệt bất thường ở vòng 2 của chị em rồi. Các mẹ cũng phải mặc đồ bầu sớm hơn lần một. Điều này không thể hiện là bé con thứ hai lớn nhanh hơn bé đầu, mà đơn giản vì cơ thể mẹ đã khác.
Mang thai lần hai, chị em có thể còn mệt hơn lần đầu vì phải
chăm sóc bé lớn. (ảnh minh họa)
Ít nghén hơn nhưng mệt hơn, đau hơn
Có thể lần hai, triệu chứng nghén sẽ giảm đi một chút nhưng sự mệt mỏi thậm chí còn tăng hơn. Lần đầu, chị em được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm, có thời gian ngủ nghỉ. Nhưng đến đứa thứ hai, do đã có kinh nghiệm nên sự giúp đỡ giảm đi, thêm nữa, chị em lại còn phải chăm sóc đứa lớn, vốn chưa lớn đến mức tự lo cho mình. Do vậy, mệt mỏi hơn là điều dễ hiểu. Ngoài ra, chứng dãn tĩnh mạch cũng có thể tệ hơn khi bầu lần này. Các bác sĩ sản khoa cũng cho rằng những cơn co thắt xuất hiện trong những lần mang thai về sau luôn có xu hướng nhiều hơn so với lần mang thai trước, nhưng điều này là bình thường và là do cơ thể của mỗi người.
Cảm nhận bé con trong bụng động đậy sớm hơn
Các mẹ lần đầu mang thai thường chú ý và thấy con chuyển động khi ở tháng thứ năm, nhưng chị em mang thai từ lần hai lại thấy con động đậy ngay tháng thứ tư. Lý do không phải vì con sau nhanh hơn con trước mà vì các mẹ nhạy cảm hơn so với khi mang thai lần đầu. Thậm chí, ở tháng thứ ba, mẹ còn thấy những chuyển động này như bong bóng nhỏ, cánh bướm đập vào tử cung mà lần đầu, chị em nhận nhầm thành vấn để về ruột hay dạ dày.
Thai thấp hơn
Do cơ bụng các mẹ đã bị kéo quá nhiều khi mang thai lần đầu nên không thể nâng đỡ bé thứ hai cao như vậy nữa. Thai nhi xuống thấp hơn. Điều này có thể làm cho chị em dễ thở hơn, ăn uống thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc đi tiểu thường xuyên sẽ bắt đầu sớm hơn. Các mẹ sẽ cảm thấy tăng áp lực gây đau vùng chậu (lưng dưới).
Thai nhi lần hai phát triển bình thường như lần một, chỉ có cơ thể
của mẹ là có nhiều khác biệt. (ảnh minh họa)
Tiết sữa sớm hơn
Từ tuần 27, nhiều mẹ mang thai lần hai đã bắt đầu bị dò sữa. Đây là phản ứng bình thường, một dấu hiệu tự nhiên. Do đó, chị em không cần phải lo lắng gì cả. Cứ tự nhiên chờ ngày lâm bồn rồi cho con bú sữa như bình thường.
Sinh dễ hơn
Do cơ thể đã qua một lần sinh, cổ tử cung được giãn ra nên chị em sinh lần hai sẽ dễ hơn lần đầu rất nhiều. Thời gian đau đẻ, thời gian rặn… đều được rút ngắn, khiến các mẹ bớt mất sức hơn.
Chuẩn bị tốt hơn
Không thể phủ nhận rằng đến lần mang thai thứ hai, chị em ứng dụng nhiều kinh nghiệm từ lần đầu nên chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho con. Những nỗi sợ mơ hồ sẽ biến mất dù cho các mẹ vẫn lo lắng cho sự phát triển của bé con trong bụng mỗi ngày. Việc chăm sóc bản thân và con sau khi sinh cũng thuần thục hơn, khiến vợ chồng bớt cuống, bé con cũng thoải mái hơn.
Kế hoạch tài chính nhẹ nhàng hơn
Mang thai lần hai, chị em tiết kiệm được kha khá chi phí do đã biết bé con thật sự cần gì. Hơn nữa, những đồ của anh/chị nó sẽ được trưng dụng một cách tối đa, không phải mua mới cũng góp phần giảm ngân sách trong giai đoạn bé còn nhỏ.