Từ tuần 17, thai nhi trong bụng mẹ sẽ tập bú và nuốt thức ăn để sẵn sàng cho cuộc sống sau khi chào đời.
Thai nhi
Thai nhi 17 tuần tuổi đã khá lớn với trọng lượng khoảng 167g và dài khoảng 13cm. Lúc này, các hệ thống tuần hoàn, bài tiết… của bé đã bắt đầu hoạt động. Trong một vài tuần tới, bé sẽ phát triển nhanh hơn bình thường, trọng lượng và chiều dài tăng gấp đôi so với hiện tại.
Ở tuổi thai này, bé cũng bắt đầu đùa nghịch ở trong bụng mẹ. Vật duy nhất bé có thể chơi lúc này là dây rốn, đôi khi nắm chặt quá sẽ khiến lượng oxy vào tử cung giảm sút. Tuy nhiên, bà bầu không cần quá lo lắng bởi em bé sẽ không nắm chặt dây rốn quá lâu, bé sẽ biết dừng lại khi thấy khó thở. Dù xung quanh môi trường sống của mình chỉ toàn là nước ối nhưng những tuần này, bé đã biết cách tập thở và đây là nguyên nhân gây ra chứng nấc cụt.
Tuy nhiên, sự phát triển ở mỗi bào thai lại khác nhau và không bé nào giống bé nào. Chính vì vậy, bà bầu không cần quá lo lắng nếu thấy con mình không giống những em bé khác hoặc chưa nhận thấy những chuyện động của con yêu.
Thai nhi ở tuần 17, dây rốn đã bắt đầu dài ra, chắc khỏe và dày hơn. Tai bé bắt đầu có thể nghe thấy những âm thanh xung quanh mình và các chuyển động cơ thể đã mạnh mẽ hơn tuần trước.
Nhịp tim trung bình của thai nhi 17 tuần là 140-150 lần/phút – gần gấp đôi người lớn. Bé cũng đang chăm chỉ học nuốt và mút thức ăn để sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ sau khi chòa đời.
Cơ thể thai nhi bắt đầu hình thành các mô mỡ và chất béo. Điều này khiến nhiệt độ cơ thể bé được ổn định, da phía ngoài nhìn hồng hào hơn và trưởng thành hơn.
Thai nhi 17 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Cơ thể mẹ bầu lúc này đã thay đổi rõ rệt. Tất cả những người xung quanh đã biết bạn đang có thai và nếu chưa kịp thông báo tin vui thì đã đến lúc rồi đấy bởi nguy cơ sảy thai từ những tuần thai này là không cao.
Nếu mẹ bị nghén trong 3 tháng đầu thì đến những tuần này, cảm giác nghén ngẩm dường như tan biến, thay vào đó là cảm giác thèm ăn. Chị em bầu cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào cơ thể một cách khoa học bởi từ tuần thai này, bé sẽ phát triển rất mạnh và rất cần “nạp” nhiều dưỡng chất.
Khi mang thai được 17 tuần, nếu mẹ để ý sẽ thấy tiết dịch âm đạo xuất hiện nhiều hơn. Ngực và bụng có cảm giác ngứa ngáy do làn da đang dãn nở ra để phù hợp với sự lớn lên của bé.
Vào tuần thai này, mẹ cần tăng 2-4kg là đủ.
Mẹo hay cho mẹ
Có rất nhiều cặp vợ chồng ngay từ tuần thai này đã lo lắng về quá trình sinh nở sẽ như thế nào và họ sẽ ra sao trong vai trò mới. Tất cả những lo lắng này đều hết sức bình thường. Hãy thử trò chuyện với những ông bố bà mẹ có con rồi để hiểu rõ hơn về cảm giác làm bố mẹ lần đầu và tìm đọc các sách báo nói về sinh nở. Điều này sẽ giúp bạn an tâm cũng như giúp quá trình sinh nở sau này dễ dàng hơn.
Quý thứ 2 thai kỳ cũng là thời điểm thuận lợi để chị em thực hiện một chuyến du lịch ngắn ngày nếu có thời gian. Du lịch ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ luôn được khuyến khích vì bạn đã hết cảm giác ốm nghén và cũng chưa tăng cân quá nhiều hay có bất kỳ nguy cơ sinh non nào.
Dấu hiệu mang thai 17 tuần
Những dấu hiệu phổ biến khi mang thai tuần 17 là:
- Cảm giác ăn uống ngon miệng
- Ợ nóng, khó tiêu
- Đầy hơi
- Đau đầu thường xuyên
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Đau lưng
- Rạn da
Xem thêm: Thai nhi 18 tuần tuổi |