Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết xương của thai nhi 17 tuần đang chuyển dần từ dạng sụn mềm thành xương cứng. Dây rốn nối từ bé đến nhau thai cũng đang phát triển mạnh mẽ và dày hơn.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. |
Thai nhi 17 tuần phát triển ra sao?
Thai nhi 17 tuần tuổi nặng khoảng 140gram (có kích thước bằng củ cải tròn) và bé dài khoảng 13cm (tính từ đầu đến mông). Bé có thể cử động các khớp và các tuyến mồ hôi của bé cũng bắt đầu phát triển.
Thai nhi 17 tuần tuổi nặng khoảng 140gram
Lưu ý: Trong bụng mẹ, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau. Thông tin chúng tôi cung cấp chỉ là sự phát triển chung nhất của bé để các mẹ làm tư liệu tham khảo.
Xem video: Cuộc sống thai nhi 3 tháng giữa thai kỳ
Cuộc sống của mẹ bầu 17 tuần thay đổi như thế nào?
Bà bầu bắt đầu cảm thấy một chút lo lắng về sự cân bằng? Khi bụng của bạn phát triển, trọng tâm cơ thể có chút biến đổi, do đó, đôi khi bạn có thể cảm thấy mất trọng tâm, đứng không vững. Hãy tránh những tình huống có nguy cơ té ngã cao như: đi giày cao gót, mặt bằng hoặc nền trơn láng… Từ tuần thai này, bạn nên đi giày đế bằng để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho việc té ngã, gây chấn thương bụng và nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi. Ông bà ngày xưa của chúng ta cũng khuyên các mẹ bầu tránh với tay cao cũng vì lý do đó.
Cũng từ tuần thai thứ 17 này, bạn sẽ cảm thấy những cơn co nhức mỏi và có thể sưng phù ở đôi chân. Tăng cân khiến đôi chân của bạn phải hoạt động nhiều hơn để nâng đỡ cơ thể. Vì thế, ngâm chân trong nước có tinh dầu thảo dược, xoa bóp massage giảm đau nhức cho đôi chân sẽ khiến bạn dễ chịu hơn.
Bà bầu cũng có thể nhận thấy đôi mắt mình trở nên khô hơn. Dùng thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ khám trực tiếp cho bạn có thể khắc phục được tình trạng này. Nếu kính áp tròng khiến bạn thấy nhức và khó chịu, hãy đeo chúng trong thời gian ngắn hơn hoặc chuyển sang đeo kính gọng thông thường cho đến khi sinh nở.
Từ tuần thai thứ 17 này, mẹ bầu sẽ cảm thấy những cơn co nhức mỏi và có thể sưng phù ở đôi chân. (ảnh minh họa)
Kiến thức cho mẹ bầu: Những giấc mơ khi mang thai
Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, họ ngủ mơ nhiều hơn khi mang thai và những giấc mơ cũng đặc biệt sinh động hoặc nhiều khi là đáng sợ hơn bình thường. Vậy, những giấc mơ này có ý nghĩa gì, có hại gì và có cần can thiệp gì hay không?
Nguyên nhân các cơn ác mộng ở mẹ bầu là do sự thay đổi về thể chất và tâm lý khi mang thai. Đó có thể là do cảm xúc của mẹ bầu thay đổi trong thai kỳ với các cung bậc vui vẻ, phấn khích, sợ hãi, hồi hộp, lo lắng…; hoặc do gặp các rối loạn về giấc ngủ như: mất ngủ, giật mình giữa đêm, thiếu ngủ…; hay do tác động của hormone cortisol – một hormone đặc biệt có tác động mạnh đến cơ chế giấc mơ của cơ thể. Càng nhiều hormone cortisol thì con người càng dễ mơ hơn. Trong thai kỳ, hormone này tăng dần theo tuổi thai, vì vậy, mẹ bầu dễ gặp các giấc mơ hơn bình thường.
Xem video: 3 tư thế ngủ bà bầu cần tránh để không hại con
Việc mẹ cần làm khi mang thai 17 tuần: Đặt tên cho con
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên chọn tên gì cho con, hãy tham khảo danh sách những tên hay cho bé.
Ngoài ra, nhiều mẹ bầu có thể sẽ nhận thấy triệu chứng ngứa da khi mang bầu. Đây có thể là dấu hiệu làn da mẹ bắt đầu bị rạn. Hãy sử dụng những loại kem chống rạn, trị rạn da an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.