Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài

Ngày 10/06/2018 08:00 AM (GMT+7)

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, thai nhi 16 tuần có một cuộc bứt phá cả về chiều dài lẫn cân nặng và trong vài tuần tới, thai nhi sẽ tăng gấp đôi trọng lượng và dài thêm đáng kể.

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 1

Tác giả bài viết: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thai nhi 16 tuần tuổi phát triển ra sao?

Lúc này, bé có kích thước bằng khoảng quả bơ, dài gần 12cm (tính từ đầu đến mông) và nặng khoảng 100g. Chân của bé cũng phát triển mạnh mẽ hơn và đôi mắt đã di chuyển gần với mặt trước của đầu, tai đã ở đúng vị trí.

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 2

Thai nhi 16 tuần bằng khoảng quả bơ.

Thậm chí, móng chân của bé cũng bắt đầu phát triển. Và cũng có rất nhiều thứ khác xảy ra bên trong cơ thể thai nhi như: trái tim của bé hiện đang bơm khoảng 25 lít máu mỗi ngày, và số lượng này sẽ tiếp tục tăng theo sự phát triển của bé.

Xem video: Những điều cần biết về siêu âm thai

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 3

Cuộc sống của mẹ bầu 16 tuần thay đổi như thế nào?

Điểm cao nhất của tử cung của bà bầu đã ở vào khoảng giữa xương mu và rốn, các dây chằng đỡ tử cung cũng đang giãn ra khi tử cung lớn dần. Bà bầu có thể cảm thấy tràn đầy năng lượng ở giai đoạn mang thai này. Cảm giác buồn nôn, ốm nghén không còn quấy rầy bạn nhiều, tâm trạng cũng ổn định hơn và da của bạn thì hồng hào… trông bạn khỏe mạnh và đầy sinh lực.

Không lâu nữa, mẹ bầu sẽ được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời nhất khi mang thai: cảm nhận thấy bé yêu đang di chuyển. Một số bà mẹ sớm nhận biết cử động của bé từ tuần thứ 15 nhưng một số khác lại không cảm nhận được cho đến tuần thứ 17-20. Nếu đây là lần mang thai đầu tiên của bạn thì đừng quá lo lắng, bởi rất có thể bạn phải đợi đến tuần 20 hoặc hơn nữa mới biết thế nào là “thai máy”. Những cử động sớm nhất của bé có thể chỉ như tiếng bọt khí hay nổ bắp rang ngô… Trong những tuần tiếp theo, bé phát triển nhanh hơn và bạn có thể cảm nhận những cử động của bé rõ ràng, thường xuyên hơn.

Kiến thức cho mẹ: Tăng cân trong thai kỳ

Bà bầu nên tăng bao nhiêu cân?

Nếu bạn có trọng lượng cơ thể trung bình khi bắt đầu mang thai, mục tiêu bạn cần đạt được trong 3 tháng giữa thai kỳ là 5,5 kg - 6,5 kg (trong tổng số cân nặng bạn nên tăng khi mang thai là 11,5 kg – 16 kg. Với những phụ nữ nhẹ cân, hoặc quá nặng cân khi bắt đầu mang thai hoặc mang thai đôi, thai ba… thì nên nhận sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn để có những lời khuyên về cân nặng và dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

Làm thế nào để tăng cân “đúng chuẩn” qua từng giai đoạn thai kỳ?

Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu cần ăn thêm khoảng 340 calo mỗi ngày. (Tổng lượng calo mẹ bầu cần phụ thuộc vào cân nặng và mức độ hoạt động của bạn, vào khoảng 2000-2500 calo)

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 4

Nếu mẹ bầu đang tăng cân quá nhanh sẽ phải làm gì?

Một số phụ nữ lo lắng vì họ đang tăng cân quá nhanh. Trong trường hợp này, việc ăn uống ít calo hoặc bỏ bữa đều không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Thay vì nhịn ăn hoặc cắt giảm khẩu phần ăn, hãy thử các gợi ý sau đây để giúp làm chậm quá trình tăng cân.

- Bắt đầu ngày mới với bữa sáng được bổ sung các chất dinh dưỡng, bao gồm: chất đạm, carbohydrate phức (thường là các loại carbohydrate trong thực phẩm chứa tinh bột, bao gồm: các loại đậu, khoai, ngô, củ cải vàng, bánh mỳ nguyên cám và ngũ cốc), chất xơ và một lượng nhỏ chất béo lành mạnh.

- Ăn rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Bỏ qua các thực phẩm được chế biến sẵn, đồ ăn nhẹ đóng hộp và các món tráng miệng có lượng đường cao.

- Ăn nhẹ bằng các thực phẩm lành mạnh như: sữa chua, trái cây tươi như táo hoặc chuối…

- Có chọn lựa “thông minh” với thực phẩm giàu chất béo. Ví dụ: Chọn sữa chua thay vì kem, bánh mỳ thay vì bánh rán hoặc bỏng ngô thay vì khoai tây chiên…

- Uống nước tinh khiết thay vì “kết thân” với nước trái cây đóng sẵn hoặc nước ngọt.

- Lên kế hoạch tập thể dục đều đặn. Nếu bạn gặp khó khăn để giữ thói quen tập luyện mỗi ngày, có thể tìm một người bạn cùng tập (có thể là người cùng đi bộ hoặc bơi với bạn mỗi ngày). Chỉ cần vận động khoảng 20 phút mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt.

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 5

Nếu mẹ bầu gặp khó khăn trong việc tăng cân?

Dưới đây là một số mẹo giúp mẹ dễ dàng tăng cân hơn:

- Uống sữa mỗi ngày: Sữa nói chung và sữa bầu nói riêng cung cấp canxi và các loại vitamin khác như A, D… cần thiết và tốt cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi, nhất là những người bị thiếu hụt dưỡng chất khi mang thai như: canxi, sắt, axit folic, các vitamin…

- Ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có chất béo tốt, chẳng hạn như: bơ và quả hạch (hạnh nhân, hồ trăn, óc chó, hạt điều, hồ đào…).

- Ngoài các bữa ăn chính, bạn nên thường xuyên ăn thêm các đồ ăn nhẹ.

- Nhắc nhở bản thân rằng bạn đang cần tăng cân để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn vẫn gặp khó khăn khi tăng cân, ăn uống không ngon miệng hoặc các vấn đề khác để cải thiện cân tặng, hãy tham khảo trực tiếp ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để nhận được tư vấn và sự hỗ trợ kịp thời.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 16: Lên kế hoạch cho chuyến du lịch khi mang thai

Khi em bé chính thức chào đời, vợ chồng bạn sẽ không có nhiều thời gian cho nhau. Hơn nữa ở quý thứ 2 thai kỳ cũng là giai đoạn thoải mái nhất với bà bầu khi bụng bầu chưa quá lớn và cũng đã qua giai đoạn ốm nghén khó chịu. Vì vậy đây là thời điểm lý tưởng nhất cho một chuyến đi du lịch ngắn ngày.

Thai nhi 16 tuần tuổi: Bứt phá về cân nặng, chiều dài - 6

Có một số lưu ý khi mẹ bầu đi du lịch:

- Khám thai và nhận được sự cho phép của bác sĩ trước khi quyết định đi du lịch. Trong một số trường hợp mẹ gặp vấn đề khi mang thai có thể được khuyên không nên di chuyển nhiều.

- Thời gian di chuyển không quá dài: Mục đích của chuyến đi chính là để mẹ bầu thư giãn và hưởng thụ cuộc sống. Do đó, việc phải ngồi máy bay hay xe quá lâu nên loại khỏi kế hoạch.

- Địa điểm du lịch cần mang lại cảm giác thoải mái, an toàn cho cả 2 vợ chồng.

Thai nhi 17 tuần tuổi: Tuyến mồ hôi của bé bắt đầu phát triển
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết xương của thai nhi 17 tuần đang chuyển dần từ dạng sụn mềm thành xương cứng. Dây rốn nối từ bé đến nhau thai cũng...

Thai nhi 17 tuần

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung (Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi