Em bé đã trải qua muôn vàn thử thách chỉ trong 1 tiếng đồng hồ sau sinh.
Alejandra Garcia, 31 tuổi và Daniel Butler, 34 tuổi, mới đây đã chia sẻ câu chuyện đặc biệt xúc động về hành trình họ sinh ra cô con gái bé nhỏ Alba chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức.
Người mẹ Alejandra, đến từ Blackpool (Vương quốc Anh) chia sẻ rằng: "Thật khó khăn để thụ thai một đứa con. Do đó, chúng tôi đã dự định bắt đầu thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, điều tuyệt vời đã đến khi tôi có thai bé Alba một cách tự nhiên. Ở những tuần đầu tiên, thai kỳ của tôi diễn ra rất tốt đẹp nhưng khi siêu âm ở tuần thứ 20, bác sĩ đã đưa ra thông báo khiến chúng tôi bàng hoàng".
Người mẹ mang thai 20 tuần thì nhận tin dữ.
Thai nhi có dấu hiệu bị dị tật bẩm sinh mà giới khoa học gọi là bệnh đảo gốc động mạch (TGA). Tình trạng này rất hiếm gặp, khoảng dưới 1% trẻ sơ sinh bị mắc dị tật này. Về cơ bản, trái tim của thai nhi không hoạt động bình thường, ngăn cản lưu lượng máu được cung cấp oxy một cách thích hợp.
Cô Alejandra nhớ lại: "Khi đó tôi chỉ biết khóc và không thể hiểu hết những lời bác sĩ đưa ra. Trước đó, tôi chỉ nghĩ rằng, bệnh tim đa phần xuất hiện ở những người cao tuổi".
Trên thực tế, mỗi ngày ở Anh có khoảng 13 trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi siêu âm ở tuần thứ 36, bác sĩ khuyên người mẹ nên tiến hành sinh mổ và ngay sau đó làm phẫu thuật cho đứa trẻ để cứu lấy mạng sống của em.
Alba chào đời chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã được gấp rút đưa vào phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật này chỉ đóng vai trò giữ cho Alba sống sót chờ đến ngày thực hiện cuộc phẫu thuật thứ hai. Lúc này, đứa trẻ chỉ mới có 8 ngày tuổi.
Ngay khi chào đời đứa trẻ đã phải trải qua ca phẫu thuật đầu tiên.
Cuộc phẫu thuật thứ hai kéo dài suốt 9 tiếng rưỡi đầy căng thẳng và mệt mỏi với nhiệm vụ thay đổi động mạch của đứa trẻ để tim có thể bơm máu chính xác hơn. Thật không may, bé Alba gặp rất nhiều biến chứng sau đó khiến cô bé khó thở hơn. Điều này đồng nghĩa với việc em cần phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa.
Cô Alejandra, người làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, nhớ lại: "Chúng tôi phải sống trong bệnh viện suốt 5 tháng rưỡi khi Alba được điều trị. Mặc dù các nhân viên y tế đều rất tận tình và chu đáo nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn".
Rất may là ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Cô bé Alba vô cùng dũng cảm và mạnh mẽ, vẫn đạt được các cột mốc quan trọng của mình như biết tập nói lúc 12 tháng, biết đi khi 14 tháng. Cô bé giờ đây đã tròn 6 tuổi, yêu thích khiêu vũ, đọc sách, viết lách và luôn tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, bé gái vẫn cần thực hiện phẫu thuật trong vòng vài năm tới vì em bị hẹp van động mạch phổi.
Cô bé dũng cảm giờ đây đã 6 tuổi.
Mặc dù vậy, gia đình cô bé vẫn rất lạc quan và tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Người mẹ cho biết: "Alba hiểu rõ trái tim mình khác với bạn bè cùng trang lứa. Con bé luôn nói với mọi người rằng mình có một 'trái tim đặc biệt'. Con gái tôi không hề cảm thấy khó chịu khi có vết sẹo dài ở ngực. Chúng tôi rất biết ơn về sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ bác sĩ điều trị".
Siêu âm tim thai có phát hiện được tim bẩm sinh?
Câu trả lời là “CÓ”. Siêu âm tim thai có thể phát hiện bệnh tim bẩm sinh. Thông qua các hình ảnh siêu âm tim thai, bác sĩ có thể nhìn rõ hơn cấu trúc và chức năng tim, từ đó sớm phát hiện các dị tật, bất thường liên quan tim của trẻ. Nếu thai nhi có chẩn đoán mắc tim bẩm sinh, thai phụ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi suốt thai kỳ và có kế hoạch chuẩn bị phù hợp tùy theo tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, do tim em bé trong bào thai rất nhỏ, nên một số dị tật có thể không được phát hiện, hoặc dị tật tim chỉ có thể xác định sau khi bé chào đời do lúc đó hệ tuần hoàn của bé hoàn chỉnh, không còn phụ thuộc tuần hoàn nhau thai của mẹ.
Bệnh tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Việc siêu âm tầm soát tim bẩm sinh trong thai kỳ có nghĩa quan trọng, giúp bác sĩ theo dõi và có hướng điều trị phù hợp tình hình bệnh của trẻ ngay khi chào đời, giảm thiểu nguy cơ rủi ro đe dọa cuộc sống về sau cũng như tính mạng của trẻ.