Nếu bức tường tử cung có mắt thì mẹ sẽ thấy thai nhi 33 tuần đã hiếu động hơn rất nhiều và đã phân biệt được ngày - đêm.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Ở tuần thứ 33, thai nhi có trọng lượng khoảng 1,8 kg - 2 kg và chiều dài đo được từ đầu đến gót chân đạt khoảng 42 - 43 cm (từ đầu đến mông khoảng 29 - 30cm).
Tuần thai này, mặc dù phổi bé chưa hoàn thiện hẳn nhưng bé đã có thể hít 1 chút nước ối để luyện tập cho 2 lá phổi và học cách thở. Một số bé đã có hẳn một mái tóc thực sự, trong khi số khác chỉ lơ thơ vài ngọn. Những bé khi chào đời tóc đen láy không có nghĩa rằng sau này tóc sẽ dày mà thường những đứa trẻ tốt tóc khi bé lại có mái tóc mỏng mảnh hơn khi trưởng thành.
Nếu là bé trai, 2 tinh hoàn đã rời bụng, lên đường tới vùng bìu. Tuy nhiên, đôi khi, một hoặc cả 2 tinh hoàn lại không về đúng vị trí dù bé đã chào đời. 2/3 những cậu bé bị ẩn tinh hoàn khi sinh sẽ tự hết bệnh trước khi đầy tuổi thôi nôi.
Nếu bức tường tử cung có mắt thì mẹ sẽ nhìn thấy thin hi 33 tuần đã hiếu động hơn rất nhiều, gần như một bé sơ sinh với đôi mặt mở to khi tỉnh táo và khép lại khi ngủ. Tử cung của mẹ ngày một mỏng dần cũng khiến ánh sáng và bóng tối dễ nhìn thấy hơn, vì vậy sẽ giúp thai nhi dễ phân biệt được ngày đêm.
Thai nhi 33 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Mất ngủ có thể coi là tình trạng phổ biến nhất ở các mẹ bầu những tháng cuối thai kỳ này. Những triệu chứng như hay đi tiểu đêm, chuột rút, ợ nóng và bụng tăng kích thước… đương nhiên sẽ khiến mẹ mệt mỏi, khó tìm đến với giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, thời gian này mẹ bầu rất cần nghỉ ngơi, vì vậy nếu có thể hãy tranh thủ những giấc ngủ ngắn hoặc mua những loại gối hỗ trợ giấc ngủ. Mẹ cũng thử tắm nước ấm trước khi đi ngủ hoặc ngâm chân nước ấm sẽ giúp cải thiện giấc ngủ cho chị em.
Mẹ bầu lúc này đang tăng khoảng 450g/tuần thậm chí nhiều hơn và khoảng một nửa trong đó là vào bé. Vì thai nhi cũng đang cần phải tăng tốc (gấp đôi trong 7 tuần cuối) để đủ tiêu chuẩn khi chào đời. Vì thế, nhu cầu dinh dưỡng lúc này rất quan trọng.
Mẹo hay khi mang thai
Thời gian này mẹ nên chăm chỉ đi khám thai 2 tuần/lần để nắm rõ sự phát triển của bé. Mẹ cũng cần đăng ký tham gia lớp học tiền sản để có kiến thức trước khi bé chào đời.
Triệu chứng khi mang bầu 33 tuần
Những triệu chứng mẹ thường gặp phải khi mang thai 33 tuần là:
Giãn tĩnh mạch
Đau dây chằng
Khó thở
Vụng về
Xuất hiện cơn đau đẻ giả
Ợ nóng
Khó ngủ
Xem thêm: Thai nhi 34 tuần tuổi |