Hầu như đến tuần 34 thai kỳ, em bé đã bắt đầu “yên vị” ở vị trí sinh nở trong bụng mẹ.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi 34 tuần tuổi có trọng lượng bằng khoảng 2,1 - 2,3 kg và chiều dài đo được từ đầu đến gót chân đạt khoảng 44 - 45cm (từ đầu đến mông khoảng 31 - 32cm).
Từ tuần thai này bé đã sẵn sàng để chui ra ngoài - đầu bé đã chúc xuống dưới. Thai nhi trông bụ bẫm hơn với các lớp mỡ tích tụ dưới da. Làn da của bé cũng bớt đỏ và mịn, ít nhăn nheo hơn.
Từ tuần 34 thai kỳ, các bác sĩ sẽ bắt đầu lưu ý đến vị trí bé nằm trong những tuần sắp tới vì một số bé có thể quay 180 độ (đầu lại quay lên trên) bất cứ lúc nào trong giai đoạn này.
Sọ não của thai nhi vẫn chưa có sự gắn kết, các mảnh xương sọ vẫn rời nhau... để bé có thể “lọt” qua cổ tử cung chật hẹp. Nhưng các phần xương khác trong cơ thể đang ngày càng cứng cáp. Các nơ ron thần kinh trong não bé rất phát triển, giúp bé hoàn thiện các giác quan của mình. Đặc biệt, con ngươi trong mắt bé đã co giãn được, giúp bé nhận ra được các hình thù.
Nếu lúc này mẹ sinh non, em bé hoàn toàn có thể tự ổn định cuộc sống mà không cần đến sự trợ giúp của các thiết bị y tế. Cũng có thể, bé sẽ phải thở ôxy trong một vài ngày đầu. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì đáng lo lắng cho sức khỏe của bé.
Ngoài ra, tuần 34 thai kỳ, móng tay của bé đã xuất hiện và tiếp tục dài thêm. Vì vậy hầu hết các bé khi chào đời đều có móng tay rất dài.
Thai nhi 34 tuần tuổi
Cơ thể mẹ bầu
Tử cung của mẹ vẫn tiếp tục to ra, vì vậy bụng mẹ cũng không ngừng lớn lên và từ những tuần thai này, chị em đã có cảm giác khá nặng nề.
Triệu chứng phổ biến nhất trong tuần thai này là các mẹ có thể bị giảm tầm nhìn. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Sau sinh, triệu chứng này cũng sẽ thuyên giảm dần và biến mất.
Nếu lần đầu tiên làm mẹ, đầu của bé có thể đã lọt xuống hố chậu và thúc vào tử cung. Nếu là lần mang thai tiếp theo thì điều này có thể chỉ xảy ra 1 tuần trước khi chuyển dạ và đôi khi chỉ xảy ra cho tới khi bắt đầu chuyển dạ.
Bạn lưu ý rằng chân, tay, mặt và mắt cá chân có thể hơi phù nề. Đây là tình trạng giữ nước của cơ thể và nó thường sẽ tồi tệ hơn khi thời tiết ấm và vào cuối ngày. Thật kỳ lạ là việc uống nước thường xuyên, đều đặn sẽ giúp giảm phù nề. Cơ thể, đặc biệt là thận, và thai nhi cần rất nhiều nước vì thế nên uống thật nhiều. Tuy nhiên, nếu thấy tay hay mặt phù, sưng húp thì nên gọi cho bác sĩ ngay, có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Mẹo hay cho mẹ
Từ tuần thai này, bố mẹ cần tham khảo và quyết định sớm bệnh viện để chào đón con ra đời. Mẹ cũng cần mua sắm đồ đạc cho bé để sẵn sàng đón con yêu bất cứ khi nào.
Triệu chứng khi mang thai 34 tuần
Những triệu chứng phổ biến nhất khi mang thai 34 tuần là:
- Đầy hơi
- Táo bón
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Trĩ
- Đau lưng
- Chuột rút
- Rạn da
- Phù nề
- Mất ngủ
- Tầm nhìn giảm
Xem thêm: Thai nhi 35 tuần tuổi |