Từ tuần thai thứ 32, thai nhi sẽ bắt đầu quay đầu xuống dưới để thuận lợi cho việc chào đời.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi 32 tuần tuổi nặng khoảng 1,7 - 1,8 kg và chiều dài từ đầu đến gót chân khoảng 41 - 42 cm. Do thai nhi ngày một to lên nên đã chiếm rất nhiều chỗ trong tử cung.
Trong những tuần thai nay, em bé vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ. Bé vẫn tiếp tục thực hành những bài tập nuốt, thở và mút để chuẩn bị cho cuộc sống ngoài bụng mẹ sau khi chào đời. Hệ thống tiêu hóa của bé cũng coi như hoàn thiện và sẵn sàng chào đời. Tuy nhiên, trong bụng mẹ bé vẫn đang tích tụ chất béo dưới da để tăng trọng lượng.
Ở tuần thai này, tay, chân và cơ thể bé tiếp tục lớn lên cho tương xứng với vòng đầu. Lưu ý là bé không thể “hiếu động” như trước. Đừng lo lắng, bé đang suy nghĩ để tìm đường ra khỏi bụng mẹ đấy. Chỉ cần có cảm giác bụng mình đang uốn lượn ngoằn nghèo là có thể yên tâm rằng bé đang khỏe. Bé cũng đang nỗ lực rất nhiều để mau lớn đấy. Bạn có thể hy vọng bé sẽ lên thêm ít nhất là 900 gam - 1200 gam trước khi bé chào đời.
Các cơ quan nội tạng trong cơ thể bé đang tiếp tục hoàn thiện và bé đã có thể “tè dầm” - đấy là bé đang rèn luyện, sẵn sàng cho thời điểm sau khi chào đời. Điều vô cùng thú vị là từ tháng thứ 8, thai nhi đã có thể ngủ mơ và từ tuần thai này, có thể em bé sẽ dần quay đầu để thuận lợi cho quá trình sinh nở.
Thai nhi 32 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Mẹ bầu sẽ lên từ 1,3 – 1,8kg trong tháng này. Tăng khoảng 450g/tuần là hoàn toàn bình thường trong 3 tháng cuối thai kỳ vì bé đang vào giai đoạn tăng trưởng gấp rút mà.
Cho đến khi thai nhi “lọt” thẳng vào khung chậu (khoảng 37 tuần) thì lúc này các thai phụ thường có cảm giác khó thở, cứ như thể là thiếu dưỡng khí vậy. Đấy là vì thai nhi đã gây áp lực lên cơ hoành, cơ phẳng lớn có tác dụng hỗ trợ cho phổi. Hãy thư giãn, cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Nghỉ ngơi cũng giúp thai nhi lớn nhanh hơn trong những ngày cuối.
Bạn có cảm giác đau lưng? Hãy quỳ gối trong tư thế bò, lưng thẳng để thai nhi rời khỏi lưng mẹ, lưng sẽ bớt đau rất nhiều. Tuyệt đối không mang vác nặng vì có thể ảnh hưởng tới các dây chằng.
Các bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng loại áo đỡ lưng khi cảm thấy lưng đau không chịu nổi. Nhiều phụ nữ đau lưng trong suốt thời gian mang thai, số khác dây chằng hông bị giãn khiến cho các khớp xương hông không thể làm việc như bình thường. Và hội chứng này được gọi là Rối loạn màng dính xương mu (SPD) và nó thường rất đau.
Nếu thai phụ và gia đình cảm thấy lo lắng vào những ngày này thì có thể tham dự một lớp tiền sinh cũng như lớp luyện thở.
Mẹo hay cho mẹ
Khi chuyển dạ, để giảm đau, hãy tập trung vào 1 tiêu điểm nào đó như: 1 bức tranh treo trên tường hay một cái gì đó trên trần nhà… miễn là nó giúp bạn thư giãn và bạn sẽ chợt quên mất là mình đang bị đau.
Mẹ cũng cần lưu ý trong tuần thai này là đi khám thai để siêu âm hình thái học của thai nhi nhé.
Triệu chứng khi mang thai 32 tuần
Những triệu chứng phổ biến khi mang thai 32 tuần là:
- Đầy hơi, ợ nóng
- Táo bón
- Chóng mặt
- Bệnh trĩ
- Chuột rút
- Ngứa da
- Rỉ sữa non
Xem thêm: Thai nhi 33 tuần tuổi |