Để hạn chế những cơn đau lưng trong thời kỳ bầu bí, chị em nên tránh nâng các vật nặng, chú ý tư thế đứng, ngồi, nằm...
Phát cáu vì đau lưng “hành hạ” mẹ bầu
Nhớ lại thời kỳ mang bầu bé Kiến, chị Thúy Hạnh (Hà Nội) vẫn còn rùng mình về những cơn đau lưng như nứt đôi cột sống. Chia sẻ kinh nghiệm với những chị em văn phòng đang bầu bí chị kể: “Hồi đấy, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là chị khóc thét vì đau đớn không chịu nổi. Tối đến ông béo nhà chị phải dành 30 phút phải xoa lưng, mát xa cho chị chứ không chắc không ngủ nổi mất. Sáng dậy lom kha lom khom mất gần 10 phút mới rời giường được. Sợ thật đấy”.
Cũng cùng cảnh ngộ với chị Thúy Hạnh, chị Lan Anh (Lạng Sơn) cũng phải đau đầu vì cái lưng “phản chủ” của mình: “Chẳng biết có mẹ nào giống em nữa không. Một ngày chỉ có mấy tiếng buổi sáng là em còn khỏe mạnh chứ không cứ đau hết chỗ này đến chỗ kia. Mỗi khi đau lưng em cứ thấy nhức nhức như con gì cắn ý. Chỉ muốn đấm mạnh thùm thùm vào lưng cho bớt đau đớn mà sợ ảnh hưởng đến con nên em đành “cắn răng” chịu đựng. Mong sao nhóc nhà em mau chào đời chứ cứ thế này chắc em chết mất”.
Đau lưng là cơn ác mộng với nhiều mẹ bầu (Ảnh minh họa)
Đi tìm nguyên nhân cái lưng “phản chủ”
Theo các chuyên gia, đau lưng trong thai kỳ có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho tới cực kỳ nghiệm trọng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự tác động của hormone thai kỳ làm lỏng dây chằng ở các khớp lưng và xương chậu. Bên cạnh đó trọng lượng của thai nhi tăng lên trong suốt 9 tháng thai kỳ góp phần khiến các cơn đau lưng trở thành cơn ác mộng với nhiều mẹ bầu.
Ngoài ra sự tăng cân đáng kể trong thời kỳ “vác ba lô ngược” cũng tạo sức ép nặng nề lên lưng. Thêm vào đó mệt mỏi, stress luôn hiện hữu trong suốt lúc mang thai càng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Hạn chế đau lưng, cùng nghe chuyên gia mách
Để hạn chế những cơn đau lưng trong thời kỳ bầu bí, chị em nên tránh nâng các vật nặng. Khi dây chằng trở nên lỏng lẻo hơn, mẹ bầu cũng dễ bị tai nạn hơn. Nếu nâng hay mang vác bất kỳ vật gì, hãy đưa nó sát về phía cơ thể, trùng đầu gối thay vì cúi lưng xuống và hạn chế vặn người.
Chú ý đứng, ngồi đúng tư thế. Khi đứng, hãy tưởng tượng rằng bạn được đo chiều cao, tức là tư thế đứng thẳng khi dựa sát vào tường, sao cho lưng và đầu thẳng hàng chạm vào tường. Căng cơ hông và cơ bụng cũng giúp lưng dễ chịu hơn. Trong khi đó nếu ngồi hãy đảm bảo là lưng luôn được nâng đỡ. Luôn đặt 1 gối nhỏ có hình cây xúc xíc ở phía sau thắt lưng hoặc ngồi trên gối lõm hay có hình chữ D.
Khi ngủ chị em nên nằm nghiêng sang một bên (Ảnh minh họa)
Đệm giường của các mẹ nên thoải mái và quan trọng nhất là đủ cứng. Khi ngủ, mẹ bầu được khuyến khích nằm nghiêng chứ không nên nằm ngửa. Chị em cũng có thể dùng thêm những chiếc gối ôm mềm để chèn xung quanh cơ thể. Biện pháp này sẽ khiến “mẹ ỏng” có giấc ngủ ngon dù bụng bầu đã vượt mặt. Khi ngồi dậy từ tư thế nằm, hãy trở người sang bên, chống tay và bắt đầu từ từ ngồi dậy.
Bài tập “đánh bay” đau lưng
Tư thế bươm bướm
Bước 1: Ngồi trên sàn, cong hai chân lại với nhau, hai lòng bàn chân đối diện nhau.
Bước 2: Dùng hai tay mở lòng bàn chân như như quyển sách. Dùng cơ ép hai đầu gối xuống sàn, mở hông càng rộng càng tốt. Lưng thẳng, giữ nguyên trong 5 nhịp thở.
Bước 3: Cúi người về phía trước để kéo dãn hông và lưng dưới. Giữ nguyên tư thế trong 5 nhịp thở sau đó quay trở lại tư thế ban đầu.
Tư thế ngồi xổm
Bước 1: Đứng thẳng, hai chân đặt rộng hơn hông, gập đầu gối và từ từ ngồi xổm. Ấn khủy tay vào đầu gối trong hoặc chắp tay lại phía trước, lưng thẳng, cố gắng cân bằng cơ thể trong tư thế này, trọng lượng dồn vào gót chân.
Tư thế ngồi xổm giúp chị em hạn chế đau lưng (Ảnh minh họa)
Bước 2: Hít sâu và thở ra hết rồi dùng chân nâng người đứng thẳng.
Bước 3: Lặp lại các động tác trên
Tư thế đứa trẻ
Bước 1: Ngồi thoải mái trên gót chân. Cúi gập người về phía trước, trán, mũi chạm sàn.
Bước 2: Hạ ngực càng gần đầu gối càng tốt,vươn dài cánh tay ra phía trước.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế và thở đều. Ngồi dậy khi thấy thoải mái.
Bài thuốc dân gian trị đau lưng
Ngải cứu và muối
Chuẩn bị một nắm lá ngải cứu, rửa sạch, để ráo nước rồi đem sao vàng lên với muối hạt to. Sau đó bọc lá ngải cứu trộn muối vào một chiếc khăn mỏng hoặc túi vải. Để nhiệt độ ấm vừa phải rồi chườm lên vùng bị đau nhức nhiều lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Rượu gừng
Gừng rửa sạch đập dập rồi cho vào lọ rượu trắng, đậy nắp để khoảng 3 ngày lấy ra xoa bóp những khu vực bị đau nhức. Để hỗn hợp này đạt hiệu quả hơn, chị em nên ngâm rượu gừng lâu hơn một chút (khoảng một tháng). Chăm chỉ xoa bóp với rượu gừng mỗi buổi tối sẽ giúp mẹ bầu bớt đau lưng và ngủ ngon hơn đấy.
Chúc mẹ bầu hết đau lưng và có một thai kỳ khỏe mạnh!