Thực hư thông tin bà bầu dùng cam thảo sẽ dễ sẩy thai

Ngày 16/02/2017 16:52 PM (GMT+7)

Thông tin phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ nếu sử dụng cam thảo sẽ có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non khiến nhiều người lo lắng. Thực hư việc này ra sao?

Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong Đông y và Tây y. Cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, điều hòa các vị thuốc. Ngoài ra, nó còn được dùng để chế biến bánh kẹo và làm nước uống. Tuy nhiên gần đây, thông tin phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ nếu sử dụng cam thảo sẽ có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non khiến nhiều người lo lắng. Thực hư việc này ra sao?

Thực hư thông tin bà bầu dùng cam thảo sẽ dễ sẩy thai - 1

Ở Việt Nam, chưa có tài liệu nào chứng minh cam thảo gây sẩy thai hoặc sinh non. Ảnh minh họa

Phụ nữ mang thai vẫn có thể dùng nhưng ở mức độ nhất định

Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai sử dụng nhiều cam thảo có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai và tổn hại đến trí thông minh của trẻ. Theo nghiên cứu này, những đứa trẻ - con của các bà mẹ ăn nhiều cam thảo khi mang thai, thể hiện sự thông minh qua các bài kiểm tra kém hơn những em bé khác.

Bên cạnh đó, một nhóm nghiên cứu khác của trường Đại học Edinburgh (Scotland) và Helsinki (Phần Lan) cho thấy, trong cam thảo có một thành phần là glycyrrhiza gây tổn hại cho nhau thai và cho phép các hormone gây strees chuyển từ bà mẹ sang thai nhi. Ở mức độ cao, các hormone này có thể gây tác động đến sự phát triển bộ não của em bé từ khi còn trong bào thai, gây ra chứng rối loạn hành vi của trẻ nhỏ. Do đó, những nhà nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên “nói không” với cam thảo trong suốt quá trình mang thai để bảo vệ sức khỏe của em bé trong bụng.

Chia sẻ về các thông tin trên với PV Báo Gia đình & Xã hội, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) nhấn mạnh: “Trong Đông y cổ và hiện đại, chưa có tài liệu nào dẫn chứng việc phụ nữ mang thai dùng cam thảo có thể gây sẩy thai hoặc sinh non. Có chăng là việc lạm dụng dùng cam thảo quá nhiều hoặc dùng không đúng cách sẽ gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, phụ nữ mang thai vẫn có thể uống cam thảo nhưng ở một mức độ nhất định”.

Đồng quan điểm trên, BS CKII Dương Thị Bế, Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông- Hà Nội) cho biết, phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ có thể sử dụng cam thảo để làm nước giải khát, thanh nhiệt giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, nên có sự chỉ dẫn của thầy thuốc về liều lượng dùng để đảm bảo an toàn và phù hợp với thể trạng cơ thể.

Không nên lạm dụng!

Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc. Tính năng của cam thảo biến đổi tùy theo cách sao chế. Khi dùng sống, cam thảo có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng chữa yết hầu sưng đau, viêm loét đường tiêu hóa. Nướng lên thì tính ấm, dùng trong các trường hợp kém ăn, đau bụng tiêu chảy. Khi được dùng phối hợp với các vị khác trong một bài thuốc, cam thảo có tác dụng dẫn thuốc và làm giảm độc tính của một số vị thuốc có độc.

Bên cạnh đó, cam thảo có độ ngọt rất cao nên cũng được sử dụng nhiều trong công nghệ làm bánh kẹo. Trong dân gian, nhiều người sử dụng cam thảo phối hợp với vài thảo dược khác như nụ vối giúp giải khát, thanh nhiệt hoặc ích khí, giải độc. Ngoài ra, theo y học hiện đại, cam thảo còn có tác dụng giảm ho, lợi tiểu, hạ thân nhiệt, giảm hô hấp, chữa một số bệnh về da.

Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, dù là một thảo dược đem lại nhiều tác dụng tốt cho cơ thể nhưng không nên lạm dụng dùng quá nhiều. Một số trường hợp nên hạn chế dùng cam thảo. Chẳng hạn nam giới, nhất là người bị yếu sinh lý nếu duy trì uống cam thảo trong một thời gian dài có thể làm giảm lượng testosterone, gây giảm ham muốn, thậm chí rối loạn cương dương dẫn đến cảm giác “bất lực” ở nam giới. Bên cạnh đó, ông Trung cho biết thêm, ở người bình thường, nếu uống quá nhiều nước cam thảo đặc sẽ gây tăng huyết áp, giảm kali trong máu.

Do đó, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, để tránh gây hại cho cơ thể, chỉ nên sử dụng từ 6-12g cam thảo/ngày và không nên vượt mức tối đa là 20g. Đối với phụ nữ mang thai, con số này dao động trong khoảng từ 4-6g/ngày. Tuy nhiên, nguyên tắc sử dụng cam thảo an toàn là không dùng liên tục trong một khoảng thời gian dài. Nên dùng cách nhật hoặc dùng một thời gian ngắn rồi dừng lại, sau đó quay lại dùng tiếp.

Đối với việc dùng cam thảo trong các bài thuốc Đông y, lương y Vũ Quốc Trung lưu ý, nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của các thầy thuốc. Lựa chọn cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Tránh tin vào những bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc xuất xứ của những người tự xưng là “thầy lang” để tránh rước họa vào người.

Lưu ý khi dùng cam thảo

- Không nên dùng cam thảo liên tục, nhất là uống hằng ngày. Dù cam thảo có độ độc rất thấp, nhưng dùng lâu có thể sinh phù do cam thảo có tính chất giữ nước trong cơ thể.

- Cam thảo cũng có thể gây đầy bụng, nên những người bụng trướng, đầy hơi không nên dùng.

- Người bị bệnh gan, huyết áp cao không nên sử dụng cam thảo vì sẽ khiến bệnh nặng hơn.

- Không dùng cam thảo chung với nhân trần gây đau bụng, gia tăng huyết áp.

- Cam thảo kỵ với các vị thuốc như đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo, do đó, không nên dùng kết hợp cam thảo với các vị thuốc trên, gây nguy hại đến sức khỏe.

Theo Mai Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác