Tiếng nấc của thai nhi trong hầu hết các trường hợp là dấu hiệu em bé đang tập phản xạ bú mút cho tương lai hoặc gặp trục trặc nhịp thở.
Tiếng nấc của thai nhi trong hầu hết các trường hợp là dấu hiệu em bé đang tập phản xạ bú mút cho tương lai hoặc gặp trục trặc nhịp thở. (ảnh minh họa)
Sau những tháng ngày dài chiến đấu với chứng mệt mỏi, ốm nghén trong 3 tháng đầu, đến quý thứ 2 chắc chắn vợ chồng bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhận thấy những chuyển động, đá, đạp, cuộn người của thai nhi trong bụng. Em bé càng lớn, những chuyển động này càng rõ rệt hơn và chắc chắn mẹ cũng sẽ bất ngờ khi nhận ra cả những tiếng nấc của con từ trong bụng.
Vậy mẹ có biết tại sao bé lại nấc cụt trong tử cung mẹ?
Thai nhi nấc trong tử cung có thể coi là một trong những dấu hiệu em bé đang phát triển bình thường nhưng tại sao bé lại nấc? Trên thực tế thì trẻ sơ sinh chỉ nấc sau khi hệ thống thần kinh trung ương được hoàn thiện để sẵn sàng cho việc thở. Tuy nhiên ngay từ trong bụng mẹ bé đã có thể nấc, thậm chí nấc cụt rất sớm, từ tuần thứ 9 thai kỳ. Dù vậy, giai đoạn này thai nhi quá nhỏ nên đến cuối quý 2, đầu quý 3, mẹ mới dễ dàng nhận ra.
Theo các chuyên gia, hiện tượng thai nhi nấc cụt không đáng sợ như nhiều bà mẹ vẫn lo lắng, thậm chí đến quý thứ 3, em bé còn nấc mỗi ngày.
Những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng thai nhi nấc cụt
Tập phản xạ cho tương lai
Trong bụng mẹ, thai nhi đã hình thành những tính cách riêng, có những bé hiếu động nhưng lại có những bé khá trầm tính. Những em bé hiếu động thường vung tay, đạp chân, hoạt động nhiều gây ra tình trạng nấc cụt thường xuyên hơn. Ngoài ra, ngay từ trong bụng mẹ, em bé đã bắt đầu tập phản xạ bú mút nên có thể gây ra tiếng nấc.
Thai nhi nấc trong tử cung có thể coi là một trong những dấu hiệu em bé đang phát triển bình thường. (ảnh minh họa)
Trục trặc nhịp nuốt – thở
Giống như người lớn, thai nhi nấc cụt cũng do chuyển động bất thường của cơ hoành. Vì còn bé nên thai nhi chưa tự cân bằng được nhịp nuốt và thở của mình. Khi nuốt hoặc tập thở, bé sẽ hít vào hoặc đẩy nước ối ra ngoài, gây ra tiếng nấc.
Dây rốn bị chèn ép
Một nguyên nhân nữa có thể gây ra hiện tượng thai nhi nấc cụt vô cùng nguy hiểm mà nếu mẹ bầu không để ý có thể khiến cuộc sống của thai nhi gặp trục trắc đó là do dây rốn bị chèn ép. Khi dây rốn bị chèn ép, hoặc có nút thắt, quấn cổ bé quá nhiều vòng… sẽ khiến lượng oxy và máu cung cấp đến thai nhi không đồng đều, nhịp tim thay đổi cũng khiến thai nhi bị nấc cụt.
Nếu mẹ nhận thấy hiện tượng thai nhi nấc cụt nhưng càng dần càng thưa kèm với hiện tượng em bé hạn chế chuyển động, ngừng đạp thì cần đến bác sĩ để kiểm tra ngay.
Dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, thai nhi nấc cụt đều bình thường. Mẹ bầu cần ghi nhớ nên đi khám thai đều đặn theo lịch định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường.