Chín tháng mang thai không hề ngắn nhưng cũng không phải quá dài, hãy cùng điểm danh những việc quan trọng cần hoàn thành trước khi chính thức đón bé chào đời nào!
Dành nhiều thời gian hơn chăm sóc bản thân
Bắt đầu ngày mới bằng một bữa sáng giàu dinh dưỡng nên nhớ bữa sáng rất quan trọng vì bạn cần nhiều năng lượng cho cả nửa ngày hoạt động. Tiếp đó là bữa trưa nhẹ nhàng và một giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp tinh thần bạn thư thái lên khá nhiều. Đừng ôm đồm quá nhiều việc sẽ khiến cả bạn và em bé trong bụng không khỏe.
‘Hẹn hò’ với cô bạn thân
Cùng cô bạn thân tổ chức một buổi nấu ăn ngoài trời hay tham gia một buổi triển lãm nghệ thuật, hoặc thậm chí tới phòng tập gym là cách hữu ích để bạn giảm stress. Chị Rachel Galoob ở bang Virginia nhớ lại: “ Vào tháng thứ 7, tôi thỉnh thoảng đi tới câu lạc bộ múa bụng cùng bạn mình. Dù đã tăng 40 pound (gần 20 kg) những tôi vẫn thấy những điệu nhảy của mình khá quyến rũ và thoải mái”.
Tạo một cuốn album ảnh
In ra tất cả những tấm ảnh bạn chụp cùng chồng mình và gia đình trong suốt quá trình mang thai. Hoặc đơn giản hơn bạn có thể tập hợp những bức ảnh đó thành một cuốn album trên chiếc máy tính bảng. Khi lật từng trang ảnh, bạn sẽ có cảm giác như thấy được bụng mình đang lớn lên từng ngày vậy.
Có rất nhiều việc mẹ cần làm trước khi sinh nở. (ảnh minh họa)
Hòa mình vào âm nhạc
Các bác sĩ thường khuyên bạn hạn chế tiếp xúc với những thiết bị trong thời gian mang thai, chính vì vậy những thú vui như xem phim, nghe nhạc vô tình cũng bị hạn chế theo. Vậy tại sao không tới một buổi hòa nhạc nhỉ? Chị Rachele Mock-McGinty ở thành phố Atlanta kể về kỉ niệm thú vị khi tham gia một buổi live của nhóm U2: “Tôi đi nghe nhạc của U2 cùng chồng khi đã sang tháng thứ 9. Thực sự rất vui, mọi người đều yêu quý trẻ con, họ luôn hỏi tôi về em bé. Không biết có phải chỉ là trùng hợp hay vì lý do gì khác nhưng con gái tôi bây giờ cũng thích nghe nhạc của U2”. Rõ ràng âm nhạc luôn là sợi dây thần kỳ kết nối tinh thần.
Viết một lá thư cho bé
Hãy ghi lại tất cả những câu chuyện thú vị trong khi bạn mang thai, như là giấc mơ lạ lùng của bạn về việc sinh ra một chút chuột túi. Chắc chắn bé con 10 tuổi của bạn sẽ phá lên cười khi đọc được những câu chuyện hài hước như thế của mẹ chúng. Chị Lyla Gleason ở bang Massachusetts đã viết một bức thư gửi con mình đề năm 2025 với nội dung như sau: “Hôm nay là một ngày trọng đại, cuối cùng thì bụng mình cũng to hơn cái bụng phệ của ông xã. Thế mà mình không hề được khen gì cả!?”. Không những con bạn được một trận cười no nê mà ngay cả bạn sau này đọc lại chắc chắn cũng rất nhớ những tháng ngày này.
Dành thời gian bên mẹ
Khi bạn sắp trở thành mẹ, bạn sẽ dần dần thấy những lời dặn dò mẹ nói trước đây đúng như thế nào và hiểu ra nỗi cực nhọc ‘chín tháng mang nặng đẻ đau’ huyền thoại. Dành nhiều thời gian bên mẹ mình, nghe lời khuyên khôn ngoan từ thế hệ đi trước chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình thai nghén cũng như nuôi con sau này. Nhiều phụ nữ hiện đại cho rằng ba mẹ sống cách mình vài ba thập kỉ thì lạc hâu, nên đôi khi không tin lời khuyên của mẹ mình. Nhưng phần lớn đều cho thấy đó chỉ là vì bạn chưa ‘đủ tuổi’ để hiểu hết sự đúng đắn của lời khuyên lúc ấy mà thôi.
Đi chơi xa
Không có nhiều thời gian và sức lực để bạn đặt vé bay tới thiên đường Hawaii lãng mạn, nhưng một chuyến đi chơi xa như ra biển là hoàn toàn có thể. Dành một ngày cuối tuần trên bờ biển nắng ấm, ăn những cây kem kỉ niệm từ thời còn hẹn hò, chụp lại những khoảnh khắc bạn được hòa mình trong thiên nhiên cũng thực sự là một lựa chọn tuyệt vời.
Cùng cảm nhận
Khi thai nhi đã phát triển sang tháng thứ 7, 8 thì việc thỉnh thoảng nhận một ‘cú đá’ từ bé là hoàn toàn bình thường. Hãy cho ông xã của bạn được cảm nhận điều này để thấy con bạn đang lớn lên từng ngày.
Hãy cho ông xã của bạn được cảm nhận những cú đá của con để thấy con bạn đang lớn lên từng ngày. (ảnh minh họa)
Lên kế hoạch
Khoa học hiện đại đã có thể giúp bạn dự đoán tương đối được thời gian sinh. Tuy nhiên những nhân tố khách quan và chủ quan liên tục thay đổi tác động trong quá trình thai kỳ khiến cho dự đoán có thể bị sai lệch. Bạn sẽ không thể nào biết chính xác được khi nào mình sẽ sinh, hoặc sinh thường hay phải sinh mổ. Do vậy, quan trọng là hãy lên kế hoạch cùng chồng để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Hãy nói hoặc viết ra trước những mong muốn của mình để bác sĩ hay chính chồng bạn có thể làm cho bạn khi bạn 'lâm bồn'. Bao gồm những việc như bạn muốn có ai ở trong phòng sinh cùng mình đến việc loại thuốc giảm đau nào bạn có thể sử dụng (có một số phụ nữ rất sợ cảm giác tê liệt khi sử dụng thuốc giảm đau). Bên cạnh đó, có những cặp vợ chồng còn lên kế hoạch chi tiết hơn như xin phép bác sĩ cho phép mở nhạc nhẹ và sử dụng ánh sáng yếu trong phòng sinh để giảm bớt căng thẳng. Nên nhớ nếu không may phải sinh mổ thì những việc vợ chồng bạn cần chuẩn bị sẽ còn nhiều hơn. Cuối cùng, hãy cố gắng thư giãn và giữ thái độ bình tĩnh trước và trong ngày sinh, đừng quá lo lắng hay thất vọng khi có một số việc không xảy ra như bạn dự liệu.
Nhờ mọi người giúp đỡ
Nếu bạn thoải mái với việc nhờ chị em gái hay mẹ của mình tới nhà chăm sóc khi sinh, hãy thẳng thắn hỏi xem nếu họ có thời gian. Bạn sẽ không thể ‘kham’ được mọi việc chỉ sau 2 ngày ‘vật lộn’ với bé trong tình trạng buổi đêm không thể ngủ do bé quấy khóc đâu. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi có người khác trong nhà mình ví dụ như do nhà không đủ rộng thì cũng đừng ngại từ chối. Gia đình và bạn bè bạn còn rất nhiều cơ hội giúp đỡ con bạn khi bé lơn hơn một chút.
Xin nghỉ việc đúng lúc: quyền lợi của bạn
Bạn chắc chắn sẽ cần phải nghỉ việc để chuẩn bị sinh. Tùy thuộc vào công ty bạn làm việc hay luật quy định mà thời gian nghỉ có thể khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, nữ cán bộ nhà nước có thể được nghỉ sinh tới 6 tháng. Để được hưởng quyền lợi này, bạn cần phải làm việc tại công ty đó ít nhất 25 giờ mỗi tuần trong tối thiểu 1 năm. Liên hệ với luật sư riêng hoặc tìm hiểu qua người đi trước để hiểu rõ về quyền lợi của mình.
Tìm hiểu chính sách của công ty, chính sách bảo hiểm
Tìm đọc điều khoản lao động hay đọc trên website của công ty để biết bạn sẽ được trả bao nhiêu phần trăm lương trong thời gian nghỉ sinh. Thông thường tại Việt Nam, bạn sẽ được trả từ 40 đến 60% trong một thời gian, sau khoảng thời gian này bạn có thể sẽ phải nghỉ không lương nếu con bạn không đủ cứng cáp để bạn đi làm trở lại. Nhớ tính toán xem bạn đã sử dụng bao nhiêu ngày nghỉ cho phép của mình. Ngoài ra nếu có mua các loại bảo hiểm lao động hay nhân thọ, bạn nên thông báo ngay với công ty bảo hiểm để nhận được trợ cấp trong thời gian này.
Quyết định thời gian nghỉ
Có thể con bạn khá ngoan và bạn muốn đi làm sớm hơn thời gian nghỉ cho phép, điều này bạn cũng cần cân nhắc trước khi xin nghỉ việc. Hỏi các bạn đồng nghiệp khác để biết họ thường nghỉ bao lâu. Có quyết định rõ ràng ngay từ đầu chắc chắn sẽ giúp bạn cũng như sếp bạn thoải mái lên kế hoạch công tác hơn.