Để phát hiện sớm tình trạng vàng da, các bà mẹ không nên nằm buồng tối sau khi sinh, nên thường xuyên mang trẻ ra ánh sáng để quan sát, phát hiện kịp thời màu sắc bất thường của da.
Hỏi: Tôi vừa về quê thăm cháu họ mới đẻ được hơn nửa tháng và phát hiện ra cháu bị vàng da từ đầu tới chân. Trước đó, vì thời tiết thay đổi lúc nóng, lúc lạnh nên gia đình cháu cẩn thận kiêng cữ không cho mẹ và con ra ngoài, chỉ ở trong phòng, đến bữa cơm cũng hoặc là mẹ hoặc là chồng mang cơm vào tận giường.
Vì vậy, cả nhà đã không ai phát hiện cháu bé bị vàng da. Tôi được biết, thường các em bé mới đẻ cũng hay mắc chứng vàng da, còn gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, cháu bé đã được hơn hai tuần tuổi bị vàng da thì có phải là vàng da bệnh lý hay không? Gia đình phải làm sao?
Mỹ Vân (Nam Định)
Trả lời: Ở các vùng quê hiện nay vẫn còn có những nơi giữ thói quen cho các bà mẹ và trẻ trong tháng đầu sau sanh nằm trong buồng tối, có người hầu như không dám bước ra ánh sáng, đến ngày trẻ đầy tháng đem ra ngoài mới phát hiện vàng da. Nhiều trường hợp trẻ vàng da được gia đình tự điều trị không thích hợp, khi đến bệnh viện thì quá muộn, trẻ đã bị suy gan, xơ gan.
Ảnh minh họa
Trẻ mới sinh bị vàng da thường là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, nếu vàng da kéo dài ở trẻ hơn 2 tuần tuổi thường là do bệnh lý, đặc biệt là các bệnh ở gan, có thể do trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, hoặc viêm gan, hoặc bệnh lý nhiễm trùng bào thai gây ứ mật, hoặc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa… Vì vậy, việc cần làm bây giờ là bạn hãy khuyên bố mẹ em bé đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp bé bị bệnh teo đường mật bẩm sinh, cần phẫu thuật trước 3 tháng tuổi, để tránh tình trạng ứ mật dẫn đến xơ gan.
Mặc dù không phải trẻ bị vàng da nào cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp có thể giúp tăng chất lượng cuộc sống, kéo dài đời sống của trẻ, chờ ghép gan.
Để phát hiện sớm tình trạng vàng da, các bà mẹ không nên nằm buồng tối sau khi sinh, nên thường xuyên mang trẻ ra ánh sáng để quan sát, phát hiện kịp thời màu sắc bất thường của da. Ngoài ra cũng cần quan sát phân và nước tiểu của trẻ. Nếu trẻ bị vàng da đi ngoài có phân bạc màu, phân trắng, tiểu vàng sậm dù đã uống đủ nước cũng cần phải đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị, thậm chí ngay cả khi bé trông khỏe mạnh, bụ bẫm.