Các mẹ bỉm sữa bày cách chống nhầm con sau sinh

Ngày 15/03/2016 10:08 AM (GMT+7)

Mang theo bút lông đánh dấu vào chân con, đặt con dấu in tên bé và chấm vào đùi hay đeo vòng tự thiết kế riêng cho con… là những cách mà các mẹ bầu đã nghĩ ra để tránh bị nhầm lẫn con tại bệnh viện.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc trao nhầm con tại các nhà hộ sinh cách đây 42 năm và sau đó là vụ việc nuôi nhầm con suốt 29 năm khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu quy trình làm việc, chăm sóc và trao – nhận trẻ sơ sinh không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ nhầm lẫn con tại các bệnh viện phụ sản ngày nay vẫn có thể xảy ra. Trên nhiều diễn đàn, fanpage dành cho mẹ và bé, vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận rất sôi nổi. Rất nhiều bà mẹ đã chia sẻ những câu chuyện suýt trao nhầm con mà họ đã gặp phải. Nguyên nhân có thể do bị lạc mất mã số đeo trên người mẹ hoặc bé, y tá mặc nhầm quần áo hoặc mực đánh dấu trên chân tay bé bị mờ…

Dù những nguyên nhân này rất dễ dàng xảy ra nếu không kiểm soát chặt chẽ nhưng việc không may trao nhầm con lại gây ra những hậu quả khôn lường, làm đảo lộn cuộc sống các gia đinh và có thể ảnh hưởng đến số phận của một con người.

Mặc dù ngày nay, tại các bệnh viện phụ sản lớn, các quy trình trao - nhận con khá chặt chẽ và có thể nói rất khó nhầm lẫn, nhưng các bà mẹ vẫn không khỏi lo lắng và họ đã chia sẻ với nhau rất nhiều “cao kiến” để chống nhầm lẫn con sau sinh.

Các mẹ bỉm sữa bày cách chống nhầm con sau sinh - 1

Các cách chống nhầm con sau sinh được các mẹ chia sẻ trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Kim Thoa (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình sinh bé Chíp được 4 tháng rồi. Dù thời gian đó 2 vụ việc trao nhầm con chưa được tiết lộ ồn ào trên báo đài nhưng vợ chồng mình cũng có bàn bạc đến bởi cũng nghĩ đến sự việc hy hữu có thể xảy ra do một ngày tại bệnh viện phụ sản có tới hàng trăm ca sinh nở. Trước ngày đi đẻ, mình đã dặn kỹ ông xã phải chụp ngay ảnh con lại khi con được đưa ra với bố. Chồng mình còn kể lại, anh còn bỏ hẳn mũ của con ra xem con có nhiều tóc hay ít tóc. Vì mình đẻ thường nên thời gian xa con cũng không nhiều. Vì vậy mà cả mình và người nhà vẫn ghi nhớ được khuôn mặt con khi chào đời. Vì vậy việc nhầm lẫn là không thể xảy ra.”

Còn chị Hà mới sinh con mổ con đầu lòng tại bệnh viện phụ sản Thanh Hóa cho biết: “Ở bệnh viện chỗ mình sẽ có 2 vòng số đeo cho mẹ và bé, 1 thẻ số người nhà giữ để nhận bé. Số của 3 cái đấy là trùng nhau. Thông thường thẻ số người nhà được in sẵn có đóng dấu bệnh viện. Còn 2 vòng số kia đến khi sinh người ta viết vào: số thứ tự, tên mẹ, năm sinh của mẹ và tên con dự định (nếu có). Chất liệu vòng số không thấm nước và viết bằng bút không xoá được. Khi đứa bé mới chào đời, người ta sẽ đưa cho bạn nhìn số của 2 chiếc vòng là khớp nhau, sau đó đeo 1 cái vào tay của mẹ, 1 cái vào chân của bé. Chiếc vòng được cố định không tháo ra được (chỉ dùng kéo để cắt) nên sẽ không có sự nhầm lẫn nếu y tá thực hiện đúng các bước theo quy trình. Còn lúc bé đi tắm có vòng số ở chân rồi (không sợ bị mất dấu nhé) người nhà nhận bé qua thẻ người nhà được phát (trùng với số mẹ, số bé). Điều quan trọng là lúc người ta đối chiếu 2 vòng số mẹ và bé thì mẹ đủ tỉnh táo để nhìn rõ hai số khớp nhau, sau đó so sánh với số trên thẻ người nhà là chắc chắn sự nhầm lẫn không thể xảy ra.”

Các mẹ bỉm sữa bày cách chống nhầm con sau sinh - 2

Vòng số để đeo cho sản phụ và bé được sử dụng tại bệnh viện phụ sản Thanh Hóa được chị Hà chia sẻ. Màu xanh là bé trai. Màu hồng bé gái. Vòng to đeo vào tay mẹ, vòng bé đeo vào tay con. Viết trên vòng là bút dạ không xoá được.

Cũng chia sẻ về vẫn đề này, chị H. Kin (hiện đang sinh sống tại Mỹ) cho biết việc sinh con tại đây chắc chắn không thể có sự nhầm lẫn bởi tại các bệnh viện ở Mỹ đều đã chuẩn bị sẵn những chiếc vòng có gắn chíp với mã số mẹ và con giống nhau. Khi em bé được đặt cạnh mẹ nếu đúng là mẹ con thì còi trên vòng sẽ bình thường nhưng nếu không đúng sẽ kêu inh ỏi. “Thêm nữa là sinh con tại Mỹ mỗi người một phòng nên ít có nguy cơ nhầm lẫn. Bé được đeo vòng có gắn chíp nên không ai có thể đưa bé ra khỏi bệnh viện bởi còi sẽ hú lên báo động. Đến ngày ra viện sẽ có bảo vệ tới kiểm tra giấy tờ và mở vòng ra sau đó sẽ hộ tống ra tới xe.”, chị Kin chia sẻ thêm.

Các mẹ bỉm sữa bày cách chống nhầm con sau sinh - 3

Sản phụ và trẻ sơ sinh được đeo cùng mã số tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: Nam Nguyễn)

Đó là những kinh nghiệm của các bà mẹ đã từng sinh con, còn với các mẹ bầu, chị em cũng rất nhiệt tình chia sẻ những cách mà họ sẽ làm để phòng tránh nguy cơ nhầm lẫn con khi sinh nở.

“Đọc 2 vụ trao nhầm con mới đây mình thực sự lo lắng vì mình cũng sắp lên bàn đẻ mổ rồi. Vợ chồng mình bàn nhau sẽ mang theo bút lông để đánh dấu vào chân con. Khi vừa chào đời, người ta chỉ vệ sinh sơ qua cho con nên sẽ không sợ bị mờ vết bút. Sau khi con được về với mẹ, mình sẽ đeo cho con chiếc vòng bạc có đặt sẵn mã số và một chiếc chìa khóa. Mình sẽ giữ chiếc chìa khóa này vì một ngày tại bệnh viện phụ sản có hàng trăm ca sinh con. Việc các y tá mặc nhầm quần áo hay lỡ đeo nhầm số hoàn toàn có thể xảy ra mà khi đã bị nhầm con thì biết làm thế nào. Vậy nên mình chủ động cẩn thận vẫn hơn.”, chị Thanh Hoa (Hà Nội) chia sẻ.

Còn bà bầu Hạ An, hiện đang mang thai 33 tuần bật mí: “Mình đang tính sẽ mua một thỏi sơn móng tay để đánh dấu vào ngón chân bé. Mình cũng sẽ đặt một con dấu in tên của bé và khi bé chào đời sẽ chấm vào đùi bé. Như thế sẽ chắc chắn không thể nhầm lẫn con được.”

Mặc dù những lo lắng của các bà mẹ là có cơ sở tuy nhiên ngày này quy trình trao – nhận con tại các bệnh viện phụ sản được tiến hành rất nghiêm ngặt và khoa học. Hầu hết tại các bệnh viện như bệnh viện phụ sản Trung ương, bệnh viện phụ sản Hà Nội, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Bưu điện… đều có những chiếc vòng gắn mã số giống nhau, tên mẹ và bé, ngày tháng năm sinh trên vòng… để đeo cho mẹ và bé ngay sau sinh. Việc của các bà mẹ là tỉnh táo để đối chiếu 2 mã số này giống nhau là được. Những chiếc vòng này cũng không thấm nước, chữ viết bằng bút không xóa được, vòng đeo vào chân bé cũng không tháo ra được mà phải dùng kéo cắt nên nguy cơ xảy ra việc trao nhầm là không thể.

Minh Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu