Mang bầu song thai không phải lúc nào cũng suôn sẻ như nhiều người vẫn nghĩ.
Sinh đôi là tình trạng hiếm gặp và mọi người thường thấy thật may mắn khi một bà bầu nào đó mang song thai bởi không phải đẻ chỉ một lần, em bé sinh ra còn có bạn chơi cùng và các bé song sinh thường khá giống nhau nên rất đáng yêu. Tuy nhiên, mang bầu song thai cũng đồng nghĩa với việc người mẹ sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm trong thai kỳ mà không phải ai cũng biết.
Mới đây, trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé của Trung Quốc, một người mẹ đã chia sẻ câu chuyện về hành trình mang song thai gian khó của mình. Bà mẹ này cho biết khi phát hiện mang bầu, vợ chồng cô đã vô cùng hạnh phúc. Vài tuần sau đó, cô thấy bụng mình lớn hơn so với tuổi thai nên đã tiếp tục đi kiểm tra. Lúc này, bác sĩ vui mừng cho biết không chỉ có một em bé mà có tới 2 em bé phát triển trong tử cung.
Hai em bé nằm chung một bọc ối, chung nhau thai.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì trong một lần siêu âm sau đó, vợ chồng cô đã vô cùng buồn bã khi nghe kết quả bác sĩ thông báo. Theo đó, ở lần siêu âm này, khi nhìn trên màn hình, bà mẹ trẻ thấy 2 con có vẻ như đang ôm sát nhau rất tình cảm. Nhưng bác sĩ cho biết không phải 2 bé đang ôm nhau mà đang gặp một tình trạng hiếm gặp khá nguy hiểm đó là mang thai đôi đơn bào đơn sắc (MCMA) – có nghĩa là 2 em bé phát triển cùng trong một bọc ối, cùng chung nhau thai và màng đệm. Khi bác sĩ nói đây là tình trạng hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm với thai nhi, cặp đôi đã khóc luôn tại phòng khám thai vì quá lo lắng cho các con.
Vậy mang thai đôi đơn bào đơn sắc (MCMA) là gì? MCMA là tình trạng phát sinh khi một phôi đơn phân chia, xảy ra 8-9 ngày sau khi thụ tinh, hai em bé chung nhau thai, màng đệm và nằm trong cùng một túi ối. Biến chứng của MCMA là vướng dây rốn, dẫn tới tình trạng ngưng tuần hoàn máu ở một hoặc cả hai thai nhi.
Tình trạng này cực kỳ hiếm gặp, chỉ xảy ra 1% trong các trường hợp song sinh. Đây là một trong những trường hợp mang thai đôi có rủi ro cao nhất, chỉ với 50% khả năng em bé sống sót sau mốc 26 tuần.
Từ khi phát hiện ra tình trạng mang thai đặc biệt của mình, bà mẹ này đã phải theo dõi thai kỳ rất cẩn thận hàng tuần. May mắn là cô đã kéo dài thai kỳ được đến tháng thứ 8 và 2 em bé đã phải chào đời sớm hơn ngày dự sinh. Mặc dù chào đời an toàn nhưng 2 bé khá yếu do chèn, đẻ vào nhau. Bà mẹ này cũng cho biết việc chăm sóc 2 con sau sinh cũng vô cùng vất vả.
Vì gặp tình trạng hiếm gặp nên 2 bé đã phải chào đời sớm so với ngày dự sinh.
Mặc dù tỷ lệ sống sót của các cặp song sinh đơn bào đơn sắc khá thấp nhưng các bà mẹ không nên quá lo lắng bởi xác xuất mang song thai đơn bào đơn sắc cũng rất thấp. Nếu bạn không may mắn rơi vào tình trạng mang thai này, hãy lưu ý tới những việc sau:
- Đầu tiên, hãy kiểm tra thai thường xuyên theo lịch định kỳ mà bác sĩ yêu cầu. Tuyệt đối không được tự ý bỏ khám thai và theo dõi thai. Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ và đi khám thai bất cứ khi nào nhận thấy có dấu hiệu lạ bởi phụ nữ mang thai đôi rất dễ bị cao huyết áp.
- Thứ 2, hãy thư giãn và tạo tâm lý thoải mái. Một số mẹ bầu khi biết được tình trạng thai kỳ của mình thì lo lắng và khóc rất nhiều. Việc này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ và cả em bé trong bụng.
Mẹ bầu mắc tình trạng mang song thai đơn bào đơn sắc cần được theo dõi thai thường xuyên.
- Thứ 3, bổ sung dưỡng chất đầy đủ. Các bà mẹ song thai càng cần phải bổ sung dưỡng chất nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng cho cả 2 em bé phát triển trong bụng. Vì vậy hãy lên thực đơn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày và chọn những thực phẩm lành mạnh nhất.
- Thứ 4, hãy kịp thời đưa các bé ra ngoài bụng mẹ. Nhìn chung những cặp song sinh không thể chờ đủ ngày tháng để chào đời nhất là với những cặp song sinh đơn bào đơn sắc. Vì vậy, các mẹ hãy nghe theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa và quyết định sinh con ở thời điểm hợp lý nhất, đảm bảo an toàn cho các con.