Theo các chuyên gia khoa sản, trong 9 tháng mang thai chị em chỉ cần tăng từ 10-14kg là đủ.
Việc tăng cân khi mang thai là cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe thai kỳ và sự phát triển của thai nhi tuy nhiên tăng cân như thế nào là hợp lý thì không phải ai cũng biết cách. Ngày nay, cuộc sống vật chất đầy đủ khiến các mẹ thường ăn uống nhiều khiến việc tăng cân không thể kiểm soát, thậm chí có những người còn tăng đến 20-30kg.
Việc tăng cân quá nhiều như thế này là không hề cần thiết nếu không muốn nói là có thể gây những tác dụng phụ như khiến mẹ và bé béo phì, tiểu đường thai kỳ và gặp khó khăn trong vấn quá trình sinh nở. Vậy tăng cân như thế nào mới đúng chuẩn và làm thế nào để “hãm” không để tăng cân quá nhiều?
Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ?
Trọng lượng cơ thể mà chị em nên tăng khi mang bầu sẽ dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) và số lượng thai nhi mẹ có. Chỉ số BMI sẽ tính lượng mỡ của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng hiện tại của mẹ.
Nếu bình thường mẹ đã có chỉ số BMI ở mức cao hơn bình thường thì khi mang thai không cần tăng quá nhiều cân và ngược lại. Sau đây là một số gợi ý về tiêu chuẩn tăng cân dành cho mẹ bầu dựa trên chỉ số BMI:
Trong đó: W là trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) và H là chiều cao của người đó (tính bằng m)
Đối với mẹ bầu đơn thai, nếu chỉ số BMI:
- BMI < 18: là người dưới cân: khi mang bầu nên tăng 12,7 đến 18,1 kg
- 18 <= BMI < 23: cân nặng bình thường: khi mang bầu cần tăng từ 11,3 đến 15,9 kg
- 23 <= BMI < 30: quá cân: mẹ bầu nên tăng 6,8 đến 11,3kg
- BMI > 30: béo phì : nếu có bầu chỉ nên tăng 5 đến 9,1 kg
Đối với thai phụ mang song thai đa thai, thì cân nặng có sự điều chỉnh như sau:
- BMI < 18: tham khảo ý kiến bác sĩ
- 18 <= BMI < 23: tăng từ 16,8 đến 24,5 kg
- 23 <= BMI < 30: tăng từ 14,1 đến 22,7 kg
- BMI > 30: tăng từ 11,3 đến 19,1 kg
Theo các chuyên gia khoa sản, trong 9 tháng mang thai chị em chỉ cần tăng từ 10-14kg là đủ. (ảnh minh họa)
Cách tăng cân đúng chuẩn
Để cân nặng không tăng lên quá nhiều trong 9 tháng mang thai, mẹ bầu cần chú ý:
Hạn chế chất béo
Thực phẩm mà mẹ nên lựa chọn để bổ sung vào cơ thể là các loại dầu ăn thay vì mỡ động vật và các thực phẩm nhiều mỡ khác. Với thức ăn hàng ngày chị em nên sử dụng dầu oliu, vừa tốt cho sức khỏe lại không làm mẹ tăng cân nhiều trong thai kỳ.
Ưu tiên đồ luộc, hấp
Các món ăn chiên, xào với quá nhiều dầu mỡ chỉ làm các mẹ bầu béo phì thêm thôi chứ không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho em bé. Để hạn chế việc tăng cân, các mẹ nên thường xuyên ăn các món luộc, hấp… vừa giữ được hương vị của thức ăn vừa khiến chúng ta đỡ béo hơn.
Tránh đồ ngọt, đồ ăn nhanh
Những thức phẩm này không hề tốt cho con thể mà còn khiến mẹ bầu tăng cân khá nhanh. Nếu như trước khi mang thai, mẹ có thói quen nhâm nhi vài miếng bánh ngọt mỗi tuần thì khi bầu bí nên “cấm miệng” luôn mà thay bằng những thực phẩm khác lành mạnh hơn như ăn hoa quả chẳng hạn. Dù vậy mẹ cũng nên chọn những loại hoa quả không quá ngọt và ăn điều độ như bưởi, cam, kiwi, anh đào…
Đồ ăn nhiều đường không hề tốt cho con thể mà còn khiến mẹ bầu tăng cân khá nhanh. (ảnh minh họa)
Ăn chậm, nhai kỹ
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy khi ta ăn với một ai đó sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn 750 calories so với ăn một mình. Chính vì thế hãy nhấm nháp những loại đồ ăn mẹ thích trong ngày. Tới bữa ăn, hãy ăn thật chậm, nhai kỹ. Nó sẽ kiềm chế mẹ bầu ăn nhiều hơn khi ăn cùng người khác và giúp bạn cảm nhận được hương vị thơm ngon của thức ăn.
Ăn thành nhiều bữa nhỏ
Ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu có thể làm cho tất cả các bữa ăn chính của mẹ bầu trở lên nhàm chán và tình trạng này sẽ tồi tệ hơn khi em bé dần lớn lên. Vì vậy, thay vì ăn 3 bữa chính, chị em nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa và tương đương là khẩu phần ăn mỗi bữa cũng ít đi.
Việc chia nhỏ bữa ăn giúp mẹ nhận được đầy đủ calo và dinh dưỡng cần thiết mà vẫn giữ năng lượng cũng như mức độ đường trong máu ổn định. Cách ăn này còn giúp chị em bầu bớt ốm nghén.
Uống đủ nước
Uống đủ nước sẽ giúp cơ thể mẹ bớt mệt mỏi và giảm triệu chứng buồn nôn. Điều này cũng giúp mẹ bớt ăn uống những đồ ăn vặt khi mẹ thấy đói nhưng thực sự chỉ là khát. Mẹ bầu nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và nhiều hơn nếu mẹ tập thể thao hoặc vận động nặng.
Tập thể thao thường xuyên
Việc này nói thì dễ nhưng làm được khá khó. Tập luyện thể thao sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái, bớt đau đớn và kiểm soát cân nặng rất tốt. Những môn thể thao lý tưởng cho mẹ bầu là đi bộ, yoga, bơi lội…
Kiểm soát trọng lượng
Ngay từ những ngày đầu mang thai, mẹ nên sắm riêng cho mình một chiếc cân sẽ giúp việc kiểm soát cân nặng trở lên dễ dáng hơn. Hàng tuần, khi thức giấc mẹ nên kiểm tra cân nặng của mình xem tuần này có tăng cân hay không, tăng bao nhiêu. Khi thấy cân tăng quá nhiều so với chuẩn, mẹ hãy hạn chế việc ăn uống và kiểm soát kỹ lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Bằng cách này mẹ sẽ hạn chế được việc tăng cân hiệu quả.