Nếu như trước đây, "lấy máu cuống rốn", "lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn" vẫn còn là những khái niệm xa lạ thì hiện nay nhiều gia đình trẻ lại lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh như một hình thức mua bảo hiểm sinh học trọn đời cho con.
Gia đình Việt không ngại chi vài chục triệu để lưu trữ gửi tế bào gốc máu cuống rốn
Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình trẻ Việt lựa chọn việc gửi lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con cái ngay sau khi sinh. Họ coi đó như một loại bảo hiểm sinh học trọn đời cho con sau này.
Theo đó, dịch vụ lấy và lưu trữ tế bào gốc dây rốn được thực hiện ở nhiều bệnh viện với các mức chi phí khác nhau.
Ở các bệnh viện công lập, chi phí dành cho việc tư vấn, thu thập, vận chuyển mẫu sau thu thập: khoảng 3,3 triệu đồng; Xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên khoảng 21 triệu đồng. Và chi phí dành cho việc bảo quản từ năm thứ 2 trở đi 2,6 triệu đồng/năm.
Dịch vụ lấy và lưu trữ tế bào gốc dây rốn được thực hiện ở nhiều bệnh viện với các mức chi phí khác nhau. (Ảnh minh họa)
Còn ở những bệnh viện tư nhân, chi phí lấy và lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cao hơn tính theo năm. Ví như lưu trữ máu cuống rốn 1 mẫu trong 1 năm là 5 triệu đồng; 5 năm là 15 triệu đồng; 10 năm là 29 triệu đồng, 15 năm 45 triệu đồng và 60 triệu đồng cho 20 năm lưu trữ.
Tính sơ sơ qua, để lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, các gia đình Việt cũng ít nhất bỏ ra chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Đây là một số tiền không nhỏ nhưng nhiều gia đình có điều kiện vẫn chấp nhận với tâm lý “Giờ thì chưa cần, nhưng biết đâu sau này lại dùng đến”.
Lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho bé sơ sinh có thực sự cần thiết?
Cuống rốn là một bộ phận giúp cung cấp dinh dưỡng nuôi thai nhờ sự kết nối thai nhi với nhau thai trong tử cung người mẹ. Máu cuống rốn là máu được lấy từ cuống rốn và nhau thai sau khi sinh con và cắt rốn. Trước đây, cuống rốn và nhau thai thường được bỏ đi sau mỗi ca sinh nở như một loại rác thải y tế. Tuy nhiên, thực tế máu cuống rốn là nguồn cung cấp dồi dào tế bào gốc tạo máu và có thể sử dụng để điều trị các rối loạn tương tự như các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương và trong máu ngoại vi.
Tế bào gốc là dạng tế bào đặc biệt, có khả năng tự tái tạo và biệt hóa thành những tế bào chuyên biệt. Chính những đặc điểm này mà tế bào gốc đang được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh di truyền, bệnh do cơ quan tạo máu, bệnh miễn dịch. Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn nếu được lưu trữ có thể sử dụng trong điều trị hơn 80 bệnh lý bao gồm bệnh bạch cầu, u lympho, ung thư máu, suy tủy, bệnh tự miễn (tiểu đường) hoặc các bệnh rối loạn di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh).
Tế bào gốc có thể lấy từ 3 nguồn: máu ngoại vi, tủy xương, máu cuống rốn. Tuy nhiên việc lưu trữ tế bào gốc máu ngoại vi và tủy xương đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và tốn kém hơn nên máu cuống rốn được ưu tiên sử dụng. Ngoài ra, tế bào gốc được lấy từ máu cuống rốn là những tế bào nguyên thủy hơn so với tế bào gốc được lấy từ máu ngoại vi, tủy xương. Nghĩa là tế bào gốc máu cuống rốn có độ thích ứng cao hơn, phát triển nhanh hơn và có thể tạo ra những tế bào máu khỏe mạnh.
Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào gan, tế bào thận, tế bào não, tế bào phổi, tế bào da và tế bào tuyến tụy. Vì vậy, ngoài điều trị huyết học, tế bào gốc máu cuống rốn còn được nghiên cứu trong điều trị nhiều bệnh lý khác như tổn thương tim, tổn thương tủy sống, tổn thương não.
Nếu lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn, sau này khi trẻ chẳng may mắc bệnh cần dùng tế bào gốc để điều trị, đây sẽ là nguồn tế bào gốc phù hợp nhất. (Ảnh minh họa)
Nếu lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn, sau này khi trẻ chẳng may mắc bệnh cần dùng tế bào gốc để điều trị, đây sẽ là nguồn tế bào gốc phù hợp nhất, không gây ra những phản ứng thải ghép của cơ thể. Thậm chí nếu người thân trong gia đình cần sử dụng tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bệnh và mẫu tế bào gốc của trẻ sẽ cao hơn so với nguồn tế bào gốc từ những người không cùng huyết thống.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia huyết học truyền máu, không phải trường hợp nào cũng cần lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn. Thực tế, tại Mỹ từng công bố một thống kê cho biết có khoảng 5 - 6 triệu mẫu tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ, nhưng thực tế số lượng sử dụng điều trị khá thấp, chưa tới 1.000 mẫu. Vì thế, các chuyên gia huyết học khuyến cáo, với mỗi trường hợp cụ thể, cần có sự tham vấn của các bác sĩ điều trị và chuyên gia về tế bào gốc để đạt hiệu quả ứng dụng cao nhất.
Hơn nữa, với một số bệnh ung thư ác tính ghép tế bào gốc cho bệnh nhân chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh chống lại tác dụng phụ của các đợt điều trị hóa chất quá mạnh còn tế bào này không tiêu diệt được tế bào ác tính.