Để niềm vui đón chào con nhỏ được “vuông tròn”, chị em cần cùng “anh xã” hoạch định rất nhiều thứ tối cần thiết trước cả lúc mang thai.
Có con, chăm sóc và nhìn bọn trẻ lớn lên từng ngày là trải nghiệm tuyệt vời của những bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, quá trình mang thai, sinh nở và giáo dục trẻ lại là 1 trong những thử thách khó khăn, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ trước có thể sẽ mang đến nhiều xáo trộn, bất hòa không đáng có trong gia đình, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ. Khi đã chuẩn bị chu đáo về tâm lý, tài chính v.v…, sẽ giúp bạn đảm bảo bé yêu mà mình “mang nặng đẻ đau” khi sinh ra được chăm sóc, nuôi dạy trong điều kiện tốt nhất, từ đó bé sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn về sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn và nhân cách sống. Sau đây là những gợi ý bổ ích để bạn chuẩn bị tâm lý, kiến thức … kỹ càng trước khi chính thức bước vào hành trình tìm thêm 1 thành viên nhỏ đáng yêu cho cả nhà.
Trao đổi với bạn đời về việc sinh đẻ và nuôi dạy trẻ
Cả 2 vợ chồng cần trao đổi thẳng thắn và cởi mở về quan điểm sinh con, nuôi dạy trẻ nhằm tránh bỡ ngỡ khi thật sự bước vào hành trình “làm cha mẹ” (hình minh họa)
Dù bạn mới kết hôn, hay đã sống hòa thuận bên nhau sau 1 khoảng thời gian rất dài, chưa hẳn hai bạn sẽ có suy nghĩ đồng điệu về việc sinh và nuôi dạy con cái. Do đó, trao đổi thẳng thắn về dự định có con giữa 2 vợ chồng, suy nghĩ của bạn đời về tầm quan trọng của bé, quan niệm về cách nuôi dạy, chăm sóc trẻ v.v… là rất quan trọng và cần thiết.
Rất có thể bạn sẽ phát hiện ra giữa 2 vợ chồng còn có nhiều điểm không thống nhất và cần phải được bàn bạc lại, ví dụ như bạn thích bé gái trong khi chồng bạn chỉ ham “quý tử”, bạn không muốn có nhiều con, chồng bạn lại muốn nhà lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ con, hay bạn luôn tâm niệm phải nhẹ nhàng, tâm lý khi dạy con, còn chồng bạn lại cho rằng “thương cho roi cho vọt” v.v… Thống nhất ý kiến về quan niệm sinh nở, nuôi nấng con cái càng nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ càng tránh được các mâu thuẫn, tranh cãi phát sinh trong lúc chăm sóc bé bấy nhiêu. Thật không hay tí nào khi để cho con nhỏ chứng kiến cảnh cha mẹ bất đồng ý kiến liên tục trong khi nuôi và dạy bé.
Thống nhất thời gian chăm bé ngay từ bây giờ
Xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ ngày 1 quan trọng hơn trong gia đình và trong công việc, tỷ lệ các mẹ vừa chăm con vừa phải đi làm đang không ngừng gia tăng, vì vậy nên thống nhất với chồng bạn về khoảng thời gian mà cả hai cần phải “hy sinh” để chăm sóc bé mới chào đời. Đừng cho rằng bé sẽ thích nghi được với việc cả bố và mẹ đều quá bận rộn rồi phó mặc bé cho ông bà hay người giúp việc. Giai đoạn bé sơ sinh và suốt thời niên thiếu là khoảng thời gian bé rất cần cha mẹ luôn bên cạnh để chăm sóc, dạy dỗ và giúp bé hình thành nhân cách tốt, trong khi cả vợ chồng bạn lại có rất ít thời gian hơn trước: thời gian cho bản thân, cho nhau và cho đồng nghiệp, người thân cũng như bạn bè xung quanh.
Chuẩn bị tài chính vững vàng
Bất ổn về tài chính có thể góp phần làm giảm đáng kể niềm hạnh phúc đón chào con nhỏ trong gia đình bạn, gây áp lực không đáng có trong thời gian bầu bí và sau sinh khi người mẹ đang rất cần tâm lý thoải mái, thư giãn để tránh bị trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi và sự phát triển tâm lý trẻ sơ sinh. Do đó, cần phải có sự chuẩn bị tài chính vững vàng trước khi bạn quyết định có con, đặc biệt là trong trường hợp 1 trong 2 vợ chồng quyết định sẽ thôi việc 1 thời gian dài để dồn toàn bộ sức lực cho việc chăm con nhỏ.
Thông thường, 1 em bé chào đời sẽ làm bạn tiêu tốn từ 15% - 25% thu nhập cho chi phí quần áo, vật dụng, chưa kể đến các chi phí không dễ thấy trước như tiền dự phòng khi bé ốm đau, chi phí mướn người trông trẻ hay gửi trẻ hàng tháng v.v…, dù mức thu nhập của bạn cao hay thấp, gia đình bạn có đông người hay không v.v…
Các bậc cha mẹ trung bình phải tiêu tốn khoảng từ 15% - 25% thu nhập cho chi phí sắm sửa vật dụng, quần áo, tã giấy v.v… trong năm đầu tiên khi bé chào đời (hình minh họa)
Tìm hiểu kinh nghiệm “làm bố mẹ”
Một trong những điều quan trọng phải làm trước khi quyết định sinh con là tự trau dồi kiến thức làm cha mẹ. Có muôn vàn cách hay để bạn tích lũy thông tin và kinh nghiệm chăm sóc thai nhi, sinh nở, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh từ sách báo, Internet, cha mẹ, bạn bè, người thân và cả những diễn đàn dành cho bà mẹ. Tuy nhiên, với 1 mớ thông tin quá nhiều và hỗn độn từ muôn vàn lời khuyên, hàng ngàn kinh nghiệm phong phú … có thể khiến bạn bị rối rắm, khi đó hãy chọn lọc những lời khuyên và kiến thức mà bạn cho là hữu ích, thiết thực nhất với quan điểm cá nhân cũng như hoàn cảnh của mình.
Từ bỏ các thói quen xấu
Có nhiều thói quen xấu không chỉ gây hại sức khỏe của bạn, hay ảnh hưởng đến kết quả thụ thai mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi mà bạn cần phải từ bỏ trước khi quyết định có thai, ví dụ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc gây nghiện v.v… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người cha hút thuốc lá có thể làm giảm số lượng tinh trùng, mẹ hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thường xuyên có nguy cơ bị sẩy thai cao, sinh non, tổn thương lá nhau, bé nhẹ cân hoặc thai bất thường. Các thử nghiệm về sự phát triển thực hiện ở các bé 5, 7, 11 tuổi có cha mẹ nghiện hút thuốc lá nặng đã cho thấy trẻ chậm lớn, học kém hơn những bé có cha mẹ không hút thuốc.
Tương tự, rượu là chất độc làm tổn thương noãn, tinh trùng và gây tác hại cho sự phát triển của bào thai như làm cho bé bị chậm phát triển tâm thần, chậm lớn, tổn thương não và hệ thần kinh, gây hội chứng nhiễm rượu bào thai, sinh non… Bên cạnh đó, bạn cũng cần ngưng dùng các loại thuốc gây nghiện trước khi quyết định có thai, vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, ví dụ như cần sa tác động xấu đến chất lượng tinh trùng, phải ngưng thuốc từ 3 – 9 tháng mới hết tác dụng; các loại nặng hơn như cocaine, heroin và moocphin có thể làm tổn thương nhiễm sắc thể trong tinh trùng và noãn, gây ra quái thai v.v…
Chú ý chế độ dinh dưỡng và rèn luyện cơ thể
Nên ăn nhiều thực phẩm giàu axit folic như rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc, bánh mì v.v…trước khi thụ thai (hình minh họa)
Chế độ dinh dưỡng tác động rất lớn đến việc bạn nhanh đậu thai hay không, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, do đó, nếu muốn có con, bạn cần phải xây dựng 1 thực đơn đầy đủ vitamin và dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, thịt nạc, cá và hạn chế dùng mỡ động vật. Điều quan trọng là bạn phải chắc chắn mình ăn uống đủ lượng axit folic, và nên dùng bổ sung thêm viên thuốc axit folic ít nhất 3 tháng trước và 3 tháng sau khi thụ thai để giảm nguy cơ gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Ngoài ra, thói quen ăn uống tốt phải đi đôi với luyện tập cơ thể đều đặn. Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ và Đan Mạch đã kết luận, phụ nữ dành hơn 5 giờ/ tuần để tập luyện thể dục ở mức vừa phải sẽ tăng 18% khả năng thụ thai so với chị em chỉ luyện tập ít hơn 1 giờ/tuần. Siêng năng tập luyện thể dục trước và trong khi mang thai còn giúp cho cơ thể chị em dẻo dai hơn, thích ứng với sự thay đổi đột biến trong thai kỳ, hỗ trợ quá trình vượt cạn diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai
Nếu đang dùng thuốc tránh thai, bạn phải chuyển sang sử dụng các biện pháp tránh thai khác như dùng bao cao su, màng tránh thai v.v… trong ít nhất 1 tháng, nghĩa là bạn phải có ít nhất 1 kỳ kinh bình thường trước khi quyết định có thai. Khi nghi ngờ có thai trong lúc dùng thuốc ngừa thai, cần phải thông báo với bác sĩ ngay vì nhiều loại viên ngừa thai có nồng độ progesterone cao sẽ gây hại cho sự phát triển bào thai trong những tuần đầu tiên. Bên cạnh đó, nếu có thai khi đang dùng dụng cụ tử cung như đặt vòng, bạn vẫn chỉ nên để yên đó thay vì yêu cầu bác sĩ lấy ra, vì nếu cố lấy vòng ra sẽ có nguy cơ bị sẩy thai cao. Khi bạn sinh bé, vòng sẽ theo lá nhau ra ngoài.
Cảnh giác với nguy cơ từ tuổi tác, môi trường sống và các bệnh tiềm ẩn
Tuổi tác ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ đậu thai và tình trạng khuyết tật bẩm sinh thai nhi, đặc biệt là khi bạn đã bắt đầu bước qua tuổi 35. Ở độ tuổi từ 35 – 39, chất lượng trứng bắt đầu sụt giảm và trung bình bạn cần ít nhất 6 tháng sinh hoạt vợ chồng đều đặn mới có được “tin mừng”. Chị em mang thai trong độ tuổi này cũng có nguy cơ mắc chứng cao huyết áp gấp đôi, mắc tiểu đường thai kỳ gấp ba và nguy cơ đẻ mổ cao gấp đôi so với chị em bầu bì nhỏ tuổi hơn. Với chị em ở độ tuổi 40 – 44 thì rủi ro sẩy thai lên đến 1/3, nguy cơ sinh bé nhẹ cân cũng cao hơn, chưa kể tỷ lệ con sinh ra mắc hội chứng Down là 1/106 và mắc phải những rối loạn nhiễm sắc thể khác là 1/66.
Cần phải mang khẩu trang y tế khi ở khu vực đông người để tránh lây nhiễm bệnh cúm, Rubella v.v… khi mang thai, do những bệnh này có thể gây dị tật thai nhi (hình minh họa)
Môi trường sống cũng là vấn đề bạn cần quan tâm nếu muốn nhanh chóng thụ thai và ngăn ngừa dị tật thai nhi. Các chuyên gia thường khuyên chị em muốn có thai và thai phụ nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các loại thuốc phun sương, tránh các chất bốc hơi nhanh, như keo dán, xăng, các chất tẩy rửa, xi măng, chất creosote, sơn mài v.v…Đồng thời bảo vệ sức khỏe cẩn thận khi đến những nơi đông người, do bạn có thể lây nhiễm 1 số bệnh gây hại thai nhi như cúm, Rubella, v.v… và phải tiêm phòng cúm, Rubella, thủy đậu, uốn ván v.v…trước khi quyết định có thai.
Lưu ý rằng các căn bệnh đang mắc phải, tuy hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn, nhưng có thể sẽ diễn biến trầm trọng hơn khi bạn mang thai. Ví dụ như bệnh suyễn làm tim bạn vốn đã làm việc nhiều phải mệt hơn vì chứng khó thở, 10% thai phụ bị động kinh nặng hơn hay bệnh tiểu đường tiềm ẩn có thể bộc phát trong khi bạn mang bầu, gây nguy cơ sẩy thai, sinh non, mẹ bị tiền sản giật v.v… Do đó, trước khi có thai, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ sản khoa về bệnh tình cũng như hướng điều trị thích hợp.