Hai vợ chồng cưới nhau được 11 năm, chồng chị không thể có con do không có tinh trùng nên chị Hằng quyết định đi xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi chị mang thai, bi kịch gia đình đã xảy ra.
Nước mắt người phụ nữ đi xin tinh trùng
Chị Vũ Hoàng Hà trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội một mình tự đi khám hiếm muộn rồi xin trứng. Đến nay khi đã làm mẹ chị vẫn không thể nào quên được cảnh cô đơn, stress khi chị mang thai và phải sinh non.
Chị Hà và anh Bảo cưới nhau được 11 năm. Anh Bảo chồng chị vốn là người đàn ông khoẻ mạnh. Cưới nhau được 2 năm không có con anh chị mới đi khám. Lúc này bác sĩ cho biết anh Bảo bị lãnh tinh. Tinh hoàn của anh bị teo có thiết diện nhỏ hơn bình thường nên bác sĩ cho biết anh không thể có con. Đây là biến chứng của lần bị quai bị khi anh học cấp 3.
Từ đó, anh Bảo hết lòng yêu thương chiều chuộng chị Hà vì muốn bù đắp cho chị. Hai vợ chồng không có con nên cuộc sống nhàn chán. Chị nuôi các cháu nhưng đứa nào lớn nó cũng về với bố mẹ nên cảnh vợ chồng son kéo dài mãi, khi chị Hà đã nhiều tuổi chị càng mong có con hơn.
Chị Hà bàn với chồng xin tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng anh Bảo phản đối vì anh không muốn đứa con không máu mủ với mình. Chị âm thầm tìm hiểu về việc xin tinh trùng. Khi chị đề cập nhiều quá, chồng chị đồng ý vì anh nghĩ chắc chẳng thành công, để chị đi xin tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm giải quyết khâu tư tưởng.
Với anh, việc đàn ông phải đi xin con giống là điều xấu hổ nhất nên anh mặc kệ vợ tự đi lại bệnh viện để kích trứng, bơm phôi. Sau khi chuyển phôi, chị Hà đậu thai. Vì muốn thai nhi khoẻ mạnh, chị treo chân và xin nghỉ việc ở nhà.
Xin tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm bị chồng xa lánh. Ảnh minh hoạ.
Mẹ chị phải từ quê ra để phục vụ con gái qua ba tháng bà mới về. Còn chị Hà yên tâm và thấy hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên, chồng chị lại thờ ơ. Chị thèm cảm giác anh quan tâm,chăm sóc hỏi chị nghén thích ăn gì hay những cử chỉ sờ vào bụng chị nhưng anh không đoái hoài. Hàng ngày, anh cứ đi làm từ sáng đến 10h tối mới về nhà. Chị mang thai ở nhà nấu cơm chờ chồng.
Suốt quãng thời gian đó, anh thờ ơ với chị. Nếu như trước đây đi ngủ anh ôm chặt chị trong lòng thì giờ đây anh quay lưng lại, có lúc anh nằm ngủ ở phòng làm việc. Suốt thai kỳ, chị vò võ một mình không biết chia sẻ với ai. Nhà anh biết chuyện chị đi xin tinh trùng để có thai họ cũng không muốn.
Đến tháng thứ 6, một lần chồng chị để ipad ở nhà, chị Hà lấy xem thì phát hiện chồng có tình nhân bên ngoài là một cô sinh viên mới ra trường. Chị thực sự sốc vì những lời yêu thương mà anh Bảo nói với cô gái kia chưa bao giờ anh nói với chị.
Chị Hà bị động thai phải vào nhập viện. Nằm ở khoa Sản 1 của Bệnh viện C, chị chỉ khóc vì tủi thân và nghĩ đến người chồng hơn 10 năm chung sống chia ngọt sẻ bùi đang tay trong tay người con gái khác.
Những ngày tháng treo chân ở viện, chồng chị thi thoảng tạt qua 5 – 10 phút rồi anh lấy lý do bận và đi luôn. Nhìn những người đàn ông khác hạnh phúc khi được làm cha, nước mắt chị cứ tuôn rơi không dứt.
Chọn người tình thay vợ
Mỗi lần đến bệnh viện, chồng chị Hà để lại cho chị ít tiền và coi như xong trách nhiệm. Quãng thời gian mang thai, hầu như chị mất ngủ, ăn uống kém vì suy nghĩ chuyện vợ chồng. Chị gọi điện cho cô gái kia hẹn gặp ba người để cùng trò chuyện. Cô gái trẻ đã vô tâm sát muối vào chị khi nói “chị đi với người đàn ông khác để có bầu và chồng chị không chạm vào người chị đã lâu”. Những chuyện thầm kín của hai vợ chồng anh ta kể hết với nhân tình và cô ấy đã lấp đầu chỗ trống ấy thay chị.
Mọi thứ như sụp đổ, chồng chị còn cho chị cái tát “nổ đom đóm mắt” vì gọi anh ta đến nói chuyện ba người.
Quá đau khổ, chị Hà đã về lấy quần áo bỏ về quê. Mang thai được 8 tháng chị đã sinh non bé trai chỉ có 1,8kg. Suốt thời gian sinh con, chị gọi điện chồng chị đều tắt máy. Chị về lấy đồ thì hàng xóm cho biết anh thường xuyên đưa người tình về nhà. Lúc này, chị Hà biết mình đã đánh mất tất cả thực sự để lấy đứa con nên chị đã gửi đơn ly hôn ra toà nhưng vì đứa con chưa được 1 tuổi, nó cần làm giấy khai sinh có cả cha và mẹ nên chị vẫn làm giấy khai sinh cho con mang họ của anh Bảo.
Mười năm sống chung với chồng, biết vô sinh do anh, chị chưa một ngày nghĩ sẽ rời xa anh. Khi chị đi làm thụ tinh trong ống nghiệm anh đã đồng ý và khi thành công thì anh quay lưng với chị nhưng chị Hà chấp nhận đánh đổi tất cả để được làm mẹ. Lá đơn ly hôn chị đã viết sẵn, như bàn bạc của chị Hà với chồng họ sẽ ra toà.
Mang câu chuyện của chị Hà đến gặp chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, ông Chất cho rằng đây là trường hợp đáng tiếc nhất bởi cả hai vợ chồng đều thiếu hiểu nhau, thiếu những lời chia sẻ để cả hai cùng đi đến quyết định đúng nhất.
Nếu như ngay từ đầu, chồng chị Hà không muốn thì anh có thể giải thích cho vợ sẽ nhận con nuôi hoặc có cách nào đó để không mất sĩ diện của đàn ông mà vợ chồng anh vẫn có con. Chị Hà khi thấy chồng gật đầu cho đi xin tinh trùng, chị nghĩ anh đã đồng ý dù anh không đi cùng chị cũng nóng vội đi một mình. Nếu chị Hà thuyết phục được chồng đi cùng đến bệnh viện, nghe bác sĩ giải thích về việc xin tinh trùng cũng như vai trò người cha của anh thì có lẽ anh ta cũng không xa lạ với cái thai của vợ như thế.
Qua câu chuyện này, ông Chất cho rằng nếu đã là vợ chồng thì nên chia sẻ nhiều hơn và nói với nhau nhiều hơn để có thể cùng nhau vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất.