U xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, tử cung dị dạng... là những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của mẹ.
Tử cung là cơ quan sinh sản vô cùng quan trọng ở nữ giới, liên quan trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, thụ thai và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Chính vì vậy nếu mẹ gặp bất cứ vấn đề gì ở tử cung đều có thể dẫn đến nguy cơ bị vô sinh.
Dưới đây là nững bệnh liên quan đến tử cung dễ khiến chị em khó có cơ hội thụ thai:
U xơ tử cung
Đây là loại u lành tính thường thấy nhất trong tử cung. U xơ có thể nằm ngoài bìa hoặc lọt trong lòng tử cung. Tuy không làm tăng nguy cơ ung thư tử cung nhưng u xơ tử cung lại có thể làm cho cơ thể phụ nữ khó chịu. Đặc biệt, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, người bệnh có những triệu chứng có thể nhầm với mang thai.
Nếu u ở vị trí gần niêm mạc thì có thể gây chảy máu, băng huyết... Trong trường hợp này cần được can thiệp để xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, cản trở việc thụ thai.
Bệnh lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý đặc biệt, là sự di chuyển của nội mạc tử cung đến một nơi khác ngoài buồng tử cung. Ở đó, nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục, phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt.
Đây là một bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 2% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Bệnh thường tiến triển âm thầm, có thể trong nhiều năm, gây hậu quả tai hại, nhất là vô sinh.
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 2% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. (ảnh minh họa)
Rối loạn chức năng nội mạc tử cung
Rối loạn chức năng nội mạc tử cung có thể chia thành nhiều trường hợp nhỏ như tử cung bị teo, tăng mức độ tiết sản dịch hay mức độ estrogen trong các chu kỳ kinh nguyệt thấp, không phóng noãn. Các rối loạn này được biểu hiện bằng xuất huyết bất thường của tử cung hay vô sinh, hoặc cả hai.
Khi chẩn đoán rối loạn chức năng, cần loại trừ các bệnh lý khác như pôlíp nội mạc tử cung, bệnh lạc nội mạc ở tử cung, u cơ trơn tử cung, viêm nội mạc tử cung, teo đét nội mạc, có vòng tránh thai trong tử cung, dùng thuốc ngừa thai, sẩy thai, thai ngoài tử cung, tăng sản nội mạc tử cung, u ác, bệnh nhau thai v.v...
Dính buồng tử cung
Trong số những nguyên nhân về tử cung gây ra vô sinh thì đặc biệt phải kể đến bệnh lý dính buồng tử cung. Đây là tình trạng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau do lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương sâu, qua đó cản trở việc tái tạo nội mạc tử cung và ảnh hưởng đến khả năng làm thụ thai, làm tổ của trứng, là nguyên nhân gây vô sinh ở nữ.
Các mẹ cần biết từ ngoài vào trong tử cung có 3 lớp: lớp thanh mạc, lớp cơ và lớp nội mạc. Nội mạc tử cung chia thành hai lớp, lớp đáy ở dưới và lớp chức năng ở trên. Lớp chức năng là lớp bị bong ra mỗi lần hành kinh, còn lớp đáy chịu trách nhiệm tái tạo lại lớp niêm mạc đã mất đi.
Nguyên nhân dẫn tới dính buồng tử cung chủ yếu là hệ lụy sau các cuộc nạo hút thai hay sảy thai. Lý do là lớp đáy buồng tử cung rất dễ bị tổn thương, nhất là khi thực hiện làm sạch bên trong buồng tử cung khi thực hiện nạo phá thai. Từ sự tổn thương niêm mạc tử cung, lớp đáy và lớp trên bị áp sát, dính vào nhau từ đó gây nên bệnh lý này.
Ngoài ra, các nhiễm lao nội mạc tử cung hay viêm nhiễm vùng kín cũng là nguyên nhân gây ra bệnh dính buồng tử cung cho nữ giới.
Nguyên nhân dẫn tới dính buồng tử cung chủ yếu là hệ lụy sau các cuộc nạo hút thai hay sảy thai. (ảnh minh họa)
Tử cung dị dạng
Dị dạng tử cung được chia thành các dạng sau:
Không có tử cung: Trường hợp này chị em sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được. Hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật ghép tử cung nhân tạo.
Tử cung đôi: Có thể có hai tử cung trong tiểu khung. Chúng có thể chung nhau một âm đạo hoặc mỗi tử cung có một âm đạo riêng biệt. Nếu chức năng của một trong hai tử cung vẫn hoàn toàn bình thường thì phụ nữ vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, hai tử cung này hiếm khi cùng phát triển hoàn thiện, do đó, cần khám và đánh giá chức năng của mỗi tử cung. Đa phần các trường hợp này được cắt bỏ một tử cung bị thoái hóa, chỉ giữ lại tử cung hoàn thiện.
Tử cung có vách ngăn: Đây là loại dị dạng tử cung thường gặp nhất (chiếm khoảng 40%). Những trường hợp này có thể phát hiện nhờ siêu âm, chụp X-quang, soi ổ bụng. Hai tử cung có thể dính với nhau bằng một vách ngăn không hoàn toàn hoặc vách ngăn hoàn toàn. Những trường hợp này có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, dễ gây sảy thai hoặc thai kém phát triển. Do đó, nếu phát hiện thấy tử cung có vách ngăn, bác sĩ thường phẫu thuật để tạo hình dáng bình thường cho tử cung.
Tử cung một sừng: Trường hợp này tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng nên chị em có thể gặp khó khăn hơn khi mang thai.
Tử cung nhi tính
Đây là trường hợp tử cung kém phát triển, kích thước chỉ bằng tử cung của các bé gái. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này như: cơ thể phát triển không hài hòa, thiếu sự trưởng thành của nhiều chức năng, bất thường về gen, do rối loạn nội tiết (như suy tuyến giáp, suy thùy trước tuyến yên)… Những phụ nữ có tử cung nhi tính thường kèm theo không có buồng trứng hay không có âm đạo do đó không mang thai được. Còn những người có buồng trứng hoạt động bình thường thì vẫn có thể có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.