Khi bác sĩ chẩn đoán vợ suy thận, 3 bé gái sinh ba bị suy tim và viêm phổi, anh Trần Văn Tiến (28 tuổi - Đắc Lăk) đã gục ngã ngay tại cửa phòng mổ.
“Tháng ngày mẹ mang bầu, ba luôn háo hức, hồi hộp chờ đợi giây phút 3 thiên thần nhỏ chào đời. Thi thoảng, ba lại tưởng tượng cảnh gia đình chúng ta sẽ rất hạnh phúc vì tiếng nói, cười của các con. Khi ấy, ba và mẹ sẽ cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy các con lớn khôn.
Ngờ đâu, ngày mẹ “vượt cạn”, bác sĩ thông báo các con bị suy tim và viêm phổi nặng cần điều trị, nuôi trong lồng kính. Ba đã cố gắng bình tĩnh, trấn an bản thân rằng: Các con sẽ ổn. Nhưng, khi biết mẹ biến chứng sau sinh không thể nhìn rõ, ba đã gục ngã ngay trước phòng mổ.
Nhìn các con nằm xa mẹ, ba tự nhủ phải đứng dậy, làm tất cả để 3 công chúa của ba được gần hơi ấm của mẹ!”. Đó là lời trải lòng của người chồng, người cha khi vợ bị biến chứng nặng sau sinh, 3 con sinh non bị suy tim và viêm phổi.
"Vợ chồng mình không đủ can đảm để bỏ bớt một bào thai"
Giữa trưa nắng, tôi tìm đến chỗ ở tạm của vợ chồng anh Trần Văn Tiến (28 tuổi - Đắc Lăk) – gia đình có 3 cô con gái trong ca sinh ba bị suy tim, viêm phổi. Anh dẫn tôi đi sâu vào con hẻm thuộc đường Trần Đình Xu (Quận 1 - TP.HCM). Đến nơi, tôi khá bất ngờ với căn nhà chỉ chừng 10m vuông họ đang ở. Thấy vậy, anh Tiến phân trần: “Không phải nhà mình đâu! Chị họ thương chúng mình và 3 bé nên cho ở nhờ để tiện chăm sóc, đưa bọn trẻ đi bệnh viện”.
Bước lên tầng, hình ảnh 2 bé gái sơ sinh nằm cuộn trong chiếc khăn đã cũ dưới nền gạch khiến tôi không kìm nổi xúc động. Hỏi ra mới hay, những chiếc khăn đó do hội mẹ bỉm sữa dành tặng, kể cả miếng vải lót nền.
Tôi biết vợ chồng anh Tiến sinh 3 bé gái nhưng đến đây chỉ thấy có 2 bé. Tò mò, tôi đã nhắc đến người vợ và bé gái còn lại. Ông bố trẻ hướng ánh mắt buồn về phía các con: “Bữa trước, con bé bị viêm phổi phải nhập viện cấp cứu. Vì không có người, bà xã phải vô đó trông coi phụ giúp bà ngoại. Còn mình và bà nội ở lại đây chăm 2 bé. Chiều chiều, mình tranh thủ chạy qua trông nom chứ cô ấy yếu lắm, không nhìn rõ mọi thứ”.
Kể về thời gian chị Lệ Hằng (25 tuổi) - vợ anh Tiến mang bầu, anh cho hay, ngày đi siêu âm trên Đắc Lăk, bác sĩ kết luận mang thai ba. Không yên tâm, họ đã xuống Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả cũng vậy. Bác sĩ khuyên họ nên bỏ bớt một bào thai, tránh gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ trong thai kỳ và các con sau sinh.
“Nghe xong, vợ chồng mình rất lo sợ nhưng không đủ can đảm để làm việc đó. Con cái là lộc trời cho, vì có duyên với gia đình mình nên các con chọn chúng mình làm cha mẹ. Giờ nhẫn tâm bỏ đi một bé, sẽ mang tội giết con. Vì vậy, vợ chồng mình quyết tâm để lại dù có nhiều nguy hiểm đến tính mạng của vợ.”, anh Tiến tâm sự.
Cú sốc lớn trong khoảnh khắc các con chào đời
Quá trình thai kỳ, chị Hằng luôn trong tình trạng bị sốt hoặc cảm cúm. Thậm chí, cơ thể biến chứng ra đủ thứ bệnh như suy thận, phù phổi. Dù vậy, người phụ nữ ấy chưa bao giờ than vãn với chồng một tiếng. Vì các con, chị gắng ăn uống, kiêng khem và chịu đựng bao cơn đau bệnh tật hành hạ.
Thai được 7 tháng 3 tuần, anh Tiến đưa vợ vào viện tỉnh nằm theo dõi chờ ngày “vượt cạn”. Ở đó vài bữa, bác sĩ đề nghị chuyển tuyến xuống BV Từ Dũ để có thể can thiệp kịp thời cho 4 mẹ con. Anh Tiến kể: “Vừa nhập viện, vợ mình trở dạ ngay. Bác sĩ trực và ê-kip đã quyết định đưa lên phòng mổ, tránh trường hợp xấu xảy ra”.
Khoảnh khắc nghe tiếng các con cất tiếng khóc, người đàn ông lần đầu được làm ba đã bật khóc. Có lẽ, anh là người chồng, người cha hạnh phúc nhất thế gian vì cùng lúc “sở hữu” 3 cô công chúa nhỏ nhắn, đáng yêu.
Chưa cảm nhận hết niềm hạnh phúc, anh nhận ngay thông báo các con bị suy tim, viêm phổi nặng cần điều trị, nuôi trong lồng kính. Đặc biệt, khi hay tin vợ bị biến chứng sau sinh, mắt không thể nhìn rõ, anh đã ngục ngã ngay trước phòng mổ. “Bà xã đã từng nhắc tới chuyện sợ không lo đủ cho các con cuộc sống tốt sau này. Mình đã gạt đi và cho rằng: trời sinh voi ắt sinh cỏ. Khi cú sốc ấy đến, mình đã tuyệt vọng không biết phải đi tiếp như thế nào để có thể đối diện với hàng trăm khó khăn. Nhưng chính sự hi sinh của vợ đã tiếp thêm sức mạnh để mình đứng dậy thực hiện thiên chức của người cha.”, anh Tiến xúc động nói.
Chỉ mong các con có giọt sữa mẹ tu ti
Sau nửa tháng nuôi dưỡng trong lồng kính, bé gái đầu của vợ chồng anh Tiến được xuất viện về nhà. 2 bé còn lại được chuyển qua BV Nhi Đồng 1 điều trị phổi và tim. Đồng thời, chị Hằng cũng nhập viện cùng con để chữa suy thận và mắt.
Khi sức khỏe của các con tạm ổn, họ tính xuất viện đưa con về quê để ông bà nội ngoại chăm sóc giúp. Trước ngày về, bé lớn và bé thứ 2 tiếp tục bị viêm phổi phải đi cấp cứu. Hiện, một bé đã được trở về nhà với bà nội và ba. Anh Tiến bảo, từ lúc các con chào đời, chưa có một ngày nào bà xã được ở cạnh cả 3 đứa. Vì sử dụng nhiều kháng sinh trị bệnh trong quá trình mang thai, chị Hằng không có đủ sữa để các con tu ti. Do vậy, anh phải mua sữa bột công thức cho 2 bé ở nhà uống mỗi ngày.
Thời gian đầu, các bé uống đều bị chướng bụng và tiêu hóa kém. Sau đó, nhờ một số mẹ bỉm sữa mách, anh Tiến biết đến cách xin sữa mẹ cho các con tu ti. Bác Thu – mẹ đẻ của anh Tiến cho hay: “Tôi bị bệnh tim nên không giúp được nhiều cho chúng nó. Ngày ngày, tôi phụ giúp con trai ở nhà chăm sóc 2 bé. Nó là đàn ông nên việc bế, cho con bú còn vụng về lắm. Hơn nữa, nó còn phải lo chạy ngược xuôi vay tiền đóng viện phí, mua thuốc cho con. Tôi thương vợ chồng nó mà bất lực nhìn các con đuối dần.
Giờ cũng có nhiều chị em đến thăm hỏi, cho chút quần áo cũ để bọn trẻ có cái mặc nên an tâm phần nào. Tôi không biết vợ chồng nó sẽ phải “gồng gánh” khó khăn trước mắt ra sao, thôi thì, cứ đến đâu hay đến đó”.
Bà Thu vừa dứt lời, một bé gái cọ quậy khóc đòi sữa. Anh Tiến từ tầng dưới chạy lên ẵm con và vỗ về nhẹ nhàng. Hình ảnh đó đã khiến tôi đặt ra câu hỏi: Biết đến bao giờ, cặp vợ chồng nghèo sẽ bớt đi khổ cực? Mong rằng, họ sẽ vượt qua quãng thời gian khó khăn này và y vọng 3 công chúa nhỏ sẽ dần khỏe mạnh, lớn khôn.