Quảng Ninh - Đặt vòng tránh thai hơn 30 năm, người phụ nữ 66 tuổi đau bụng dữ dội, bác sĩ phát hiện chiếc vòng lạc chỗ, đâm thủng ruột non gây viêm nặng.
Ngày 24/8, đại diện Bệnh viện Bãi Cháy cho biết kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy dụng cụ tránh thai một phần găm trong cơ tử cung, phần còn lại sát với ruột non, nhiều dịch tích tụ. Các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ruột non vì dụng cụ tử cung lạc chỗ trong ổ bụng.
Ê kíp phẫu thuật xử trí tổn thương, ghi nhận chiếc vòng số 8 đâm thủng ruột non một lỗ rộng khoảng 2 cm, nhiều dịch, gây viêm. Các bác sĩ lấy vòng, khâu phục hồi lỗ thủng, cầm máu, lau rửa và đặt dẫn lưu ổ bụng. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng, khoa Ngoại, cho biết bệnh nhân đặt vòng tránh thai nhiều năm nhưng không kiểm tra nên không phát hiện được vòng đã ăn sâu vào cơ tử cung, xuyên qua cơ, vào ổ bụng gây thủng ruột non, viêm phúc mạc. May mắn phẫu thuật kịp thời giúp bệnh nhân tránh nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng.
Đa số phụ nữ lựa chọn phương pháp đặt vòng tránh thai bởi khả năng sử dụng lâu dài, quá trình đặt vòng đơn giản, ít gây hại cho cơ thể, chi phí thấp. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng sau đặt dụng cụ tử cung như đau bụng hạ vị nhiều, ra máu âm đạo kéo dài, viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung, đặc biệt là dụng cụ tử cung lạc chỗ.
Theo nguyên lý, dưới sự co thắt tự nhiên của tử cung, dụng cụ tử cung có thể di trú khỏi vị trí được đặt ban đầu. Các triệu chứng lạc chỗ rất đa dạng, tùy thuộc vào thời gian và cơ quan dụng cụ di chuyển, bao gồm đau bụng, sốt, tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa; một số trường hợp có thể gặp tắc ruột, hoại tử ruột. Tổn thương niệu quản, bàng quang có thể gặp các triệu chứng tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu máu, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần.
Các bác sĩ khuyến cáo khi đặt dụng cụ tránh thai nên khám định kỳ 6 tháng/lần và khám ngay khi có bất thường.