Những em bé kém may mắn này khi vừa chào đời đã bị biến chứng với tình trạng trái tim, ruột hay gan “lạc” bên ngoài cơ thể.
Biến chứng nội tạng (bao gồm tim, gan, ruột, đại tràng…) nằm bên ngoài cơ thể bé sơ sinh khi vừa chào đời tuy chiếm tỷ lệ rất hiếm nhưng đã được ghi nhận không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Thông thường, trẻ gặp những biến chứng này thường không thể sống sót sau sinh một vài ngày do nhiễm trùng, thiếu oxy hoặc suy tim. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật y học hiện đại, rất nhiều trường hợp kém may mắn này đã được cứu sống.
Cứu sống bé sơ sinh bị ruột nằm ngoài da hiếm gặp
Ngày 8/6 vừa qua tại bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã phẫu thuật thành công đưa ruột một bé trai sơ sinh 3kg nằm ngoài ổ bụng vào đúng vị trí.
Bé sơ sinh khi vừa chào đời có ruột nằm ngoài da.
Trước đó, vào khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, sản phụ Huỳnh Trần Cẩm Quyên (sinh năm 1992, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhập viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng đau bụng, chuyển dạ. Sản phụ Quyên sau đó đã sinh một bé trai nặng 3kg nhưng ruột bị nằm ngoài ổ bụng. Tính mạng bé sơ sinh bị đe dọa vì đây là trường hợp hiếm gặp.
Bé sơ sinh sau đó được lập tức chuyển từ Khoa sản đến Khoa Nhi sơ sinh để hồi sức tích cực. Tại đây, các bác sĩ đã khẩn trương cho ruột của bé vào một túi nhựa có dung dịch vô trùng nhằm giữ ấm, giữ ẩm cho ruột. Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát đã hội chẩn với Khoa Gây mê hồi sức phẫu thuật khẩn cấp. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, ruột của bé sơ sinh được các bác sĩ đưa vào ổ bụng, khâu lại thành bụng.
“Ca mổ thành công, hiện bé đã tự thở được, còn mẹ bé đã ổn định. Với trường hợp này, nếu không mổ kịp thời và xử trí ban đầu tốt thì ruột bé sẽ bị nhiễm trùng, phù nề, khó đưa vào bụng. Theo đó, có thể đe dọa tính mạng bé.”, bác sỹ Nguyễn Thanh Tồn, Phó khoa Ngoại Tổng quát, bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Tình trạng sức khỏe của bé đã dần ổn định.
Trước đó khi mang thai được 4 tháng, sản phụ Quyên đã được các bác sĩ phát hiện thai nhi bị hở thành bụng và khuyến cáo khi sinh phải chọn bệnh viện tuyến tỉnh nhằm đảo bảo tính mạng cho bé. Theo các bác sĩ, trường hợp hở thành bụng bẩm sinh rất hiếm gặp.
Bé sơ sinh Việt Nam có trái tim nằm ngoài lồng ngực
Vào năm 2007, một trường hợp bé sơ sinh có trái tim nằm ngoài lồng ngực được ghi nhận là con của sản phụ Lê Thị Đào, sinh năm 1974, tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Hình ảnh bé sơ sinh chào đời với trái tim nằm ngoài da ở Quảng Ngãi.
Theo đó, vào ngày 23/3/2007, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã thực hiện ca mổ đẻ cho chị Lê Thị Đào. Khi đưa đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ thì các bác sĩ đã phát hiện cháu bé có trái tim nằm ngoài lồng ngực.
Bé gái nặng 2,8 kg, trừ trái tim nằm ngoài lồng ngực, các bộ phận còn lại đều bình thường. Đến 9h sáng ngày hôm sau, cháu bé đã được chuyển sang khoa sản, hệ hô hấp và tuần hoàn của cháu đều bình thường. Theo bác sĩ Trần Bá Tín, đây là ca sinh hy hữu, hơn 30 năm qua chưa từng thấy ở Việt Nam. Theo y văn thế giới, khoảng 100.000 ca sinh mới gặp một trường hợp tim nằm ngoài lồng ngực và thường bé sơ sinh chỉ sống được vài giờ đồng hồ.
Bé sơ sinh Ấn Độ sinh ra có trái tim nằm ngoài lồng ngực
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng đã có một số trường hợp trẻ sơ sinh có trái tim nằm ngoài lồng ngực không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà cả ở Ấn Độ hay Nga, Mỹ.
Một số trường hợp trẻ sơ sinh có trái tim nằm ngoài lồng ngực không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà cả ở Ấn Độ hay Nga, Mỹ.
Vào tháng 3/2014, một trường hợp kém may mắn nữa được ghi nhận tại Ấn Độ khi em bé sơ sinh chào đời với căn bệnh lạ lùng: trái tim nằm ngoài lồng ngực.
Theo đó, chị Priyanka Pal, 24 tuổi sinh bé trai tại bệnh viện Sultanpur bang Uttar Pradesh. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì đã bị sốc khi biết rằng tim của bé nhô ra ngoài lồng ngực. Đó là một dị tật bẩm sinh cực kì hiếm có tên ectopia cordis.
Ectopia cordis là một dị tật bẩm sinh của các bé ở tình trạng tim bất thường nằm một phần hay hoàn toàn ngoài ngực. Tim có thể nằm ở bất cứ vị trí nào từ cổ cho đến bụng dưới hoặc nhô qua xương ức ra ngoài lồng ngực như bé trai này.
Bà mẹ trẻ Ấn Độ đau đớn khi sinh con có trái tim nằm ngoài lồng ngực.
Theo các chuyên gia, đây là một dị tật vô cùng hiếm và xấp xỉ 90% các ca chết non hay tử vong trong 3 ngày đầu do nhiễm trùng, thiếu oxy hoặc suy tim. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng theo các chuyên gia, dị tật này liên quan đến sự phát triển trung bình các bên của bé trong thời kì thai sớm.
Bệnh lý lộ ổ nhớp đẩy nội tạng bé sơ sinh nằm ngoài ổ bụng
Thêm một trường hợp bé sơ sinh có nội tạng nằm ngoài ổ bụng nữa cũng được ghi nhận tại Việt Nam đó là trường hợp của em bé ở Đồng Tháp chào đời năm 2014.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé chào đời tại Đồng Tháp trong tình trạng xương mu hở khiến toàn bộ phần nội tạng bên dưới gồm bàng quang, một phần ruột và niệu quản phì ra bên ngoài thành bụng. Bệnh nhi ngay sau đó đã được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.
Em bé có ruột nằm ngoài da ở Đồng Tháp sau khi phẫu thuật.
Bé được chẩn đoán mắc bệnh lộ ổ nhớp, một bệnh lý sơ sinh hiếm gặp. Thành bụng dưới không kín mà có một lỗ hở khiến nội tạng trào ra ngoài. Ở trường hợp này, cùng với thoát vị thành bụng, phần xương chậu, xương mu của bé cũng không khép lại. Ngoài tình trạng trên, bé không có hậu môn, chỉ có một quả thận, bộ phận sinh dụng bất thường và chân trái không có các ngón.
Sau đó, sau hơn 5 giờ phẫu thuật, êkíp bác sĩ khoa Ngoại - tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tạo hình, khâu úp bàng quang bị lộn ngược trở lại đúng vị trí và tạo hình đường tiểu; đưa phần ruột nằm bên ngoài vào trong ổ bụng. Ngoài ra bé cũng được tạo hậu môn tạm, chỉnh sửa bộ phận sinh dục, chỉnh sửa khung xương mu bị hở. Ca phẫu thuật đã giúp bé ổn định việc đi tiêu đi tiểu và giảm khả năng nhiễm trùng. Tình trạng sức khỏe của cháu bé sau đó đã khá ổn định.
Một số trường hợp em bé có nội tạng nằm ngoài cơ thể khác:
Virsaviya "Bathsheba" Borun là một bé gái 6 tuổi bị mắc căn bệnh hiếm gặp gọi là “Ngũ chứng Cantrell", khiến trái tim của cô bé nằm bên ngoài lồng ngực ngay từ khi mới chào đời. Trái tim bất thường không ngăn cản được Virsaviya Bathsheba trở thành một cô bé nổi tiếng toàn thế giới với khuôn mặt và vóc dáng xinh đẹp như một mẫu nhí chuyên nghiệp.
Virsaviya sống ở Nga, nơi các bác sĩ không có kinh nghiệm xử lý căn bệnh này. Sau khi bị từ chối điều trị từ nhiều bác sĩ tại nhiều thành phố khác nhau trong nước Nga, cuối cùng một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) đã đồng ý chữa trị cho cô bé. Mẹ của em, Dari Borumcũng đang cố gắng hết sức để có thể phẫu thuật cho Virsaviya.
Tháng 2/2012, bé Ryan Marquiss (ở Pennsylvania, Mỹ) được sinh ra với trái tim nằm bên ngoài của cơ thể. Các bác sĩ đã không nghĩ rằng cậu bé có thể sống sót. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp.
Ryan đã sót sống một cách kỳ diệu và hiện tại bé đã 5 tuổi. Cậu bé là trường hợp đầu tiên trên thế giới mắc phải khuyết tật chỉ có nửa trái tim nằm ngoài cơ thể.
Hồi tháng 11/2012, bé Audrina Cardenas sinh ra với trái tim nằm bên ngoài lồng ngực đã được các bác sĩ phẫu thuật cứu sống thành công tại Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ. Bé Audrina mắc phải căn bệnh lạc vị tim ổ bụng, một trường hợp hiếm gặp khiến tim trẻ sơ sinh nằm ngoài lồng ngực.
Bé Joshua O’Callaghan, ở Widnes, Merseyside, Anh, được sinh vào tháng 11/2013, trong tình trạng ruột lòi ra khỏi bụng. Joshua được chuẩn đoán mặc bệnh Gastroschisis, hay còn gọi là nứt thành bụng, có tỉ lệ 1/2000 đứa trẻ được sinh ra. Dị tật này sẽ làm đường ruột của cậu bị mắc kẹt trong dây rốn. Các bác sĩ đã rất vất vả để phẫu thuật đưa ruột vào bên trong cơ thể khi cậu mới 2 ngày tuổi.