Có lẽ ai cũng đã từng bị rôm sảy, tuy nhiên hay gặp hơn cả là trẻ em. Rôm sảy thường hay xuất hiện vào mùa hè nóng nực, oi bức và ở các vùng da như trán, đầu cổ, ngực lưng... Phần lớn là lành tính nhưng cũng không nên chủ quan vì nếu xử trí không đúng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn và gây viêm cầu thận.
Vì sao bị rôm sảy?
Da chúng ta có 2 loại tuyến mồ hôi: tuyến ngoại tiết (eccrine) và tuyến đầu tiết (apocrine). Các tuyến ngoại tiết chiếm hầu hết diện tích da của cơ thể và mở trực tiếp ra bề mặt của da. Các tuyến đầu tiết chỉ phát triển ở những vùng có nhiều nang lông như da đầu, nách và bẹn. Khi thân nhiệt tăng, hệ thần kinh tự trị sẽ kích thích các tuyến ngoại tiết bài tiết mồ hôi.
Mồ hôi di chuyển dọc theo các ống tuyến, thoát ra bề mặt của da để làm lạnh cơ thể và bốc hơi. Rôm sảy sẽ phát triển khi một số các ống tuyến ngoại tiết bị nghẽn. Thay vì bốc hơi, mồ hôi sẽ bị giữ lại dưới da gây tình trạng viêm và nổi mụn đỏ.
Người ta vẫn chưa rõ vì sao các ống tuyến mồ hôi lại bị nghẽn nhưng có thể do vai trò của một vài yếu tố sau: Các ống tuyến chưa hoàn chỉnh, khí hậu nhiệt đới, hoạt động thể lực, vài loại vải quần áo, thuốc chữa bệnh, vi khuẩn... Ngoài ra còn có một số yếu tố khác cũng có thể gây rôm sảy: Sưởi quá nóng, ngủ trong chăn điện, nằm một chỗ lâu ngày...
Vì sao trẻ thường bị rôm sảy vào mùa hè?
Rôm sảy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra sự ứ đọng mồ hôi, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da.
Mùa hè là thời điểm bệnh rôm sảy thường xảy ra nhiều, nguyên nhân do:
Các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Vào mùa hè, khi thời tiết nóng kích thích cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi để tránh nóng, bài tiết nhiều dẫn đến mồ hôi không thoát ra hết gây bít tắc. Tình trạng bít tắc các tuyến mồ hôi gây ra bệnh rôm sảy.
Đôi khi vào mùa hè, do trẻ được cho mặc quần áo không thấm mồ hôi hoặc thường xuyên mặc tã hay mặc tã quá chật cũng gây hiện tượng bít tắc tuyến mồ hôi.
Ảnh minh họa
Mùa hè là thời điểm vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Một vài vi khuẩn thường trú ngoài da cũng có thể bài tiết chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
Trong điều kiện nắng nóng, nếu như trẻ bị sốt, trẻ quá hiếu động, cơ thể sẽ tăng cường hoạt động làm tăng tiết mồ hôi giúp cơ thể giải nhiệt. Đây cũng là nguyên nhân gây bít tắc tuyến mồ hôi.
Triệu chứng rôm sảy
Khi trẻ bị rôm sảy, xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám trên nền da mẩn đỏ. Trẻ ngứa, quấy khóc nhiều, bứt rứt và khó chịu. Trẻ gãi có thể gây trầy xước da, nhiễm khuẩn thành các mụn mủ hay nhọt trên da.
Vị trí thường gặp: Rôm sảy chủ yếu gặp ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng rôm sảy sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển thành mụn mủ và nhọt, chủ yếu là ở những trẻ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng.
Biến chứng do rôm sảy
Rôm sảy thường tự khỏi nhưng đôi khi một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Nhiễm trùng: Các sang thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ đau và ngứa nhiều.
- Sốc do nóng: Trong thời tiết nóng, những bệnh nhân bị rôm sảy dạng sâu có nguy cơ bị choáng do nhiệt: đau đầu, mạch nhanh, nôn, hạ huyết áp… có thể đưa đến tình trạng đột quỵ nguy hiểm.
Các dạng rôm sảy ở trẻ em
Rôm sảy kết tinh: Đây là dạng nhẹ của rôm sảy, ảnh hưởng đến ống tuyến mồ hôi ở lớp sừng - lớp ngoài cùng của da. Biểu hiện bởi những mụn nước nông, nhỏ, trong và những sẩn dễ vỡ nhưng không ngứa, không đau. Các sang thương này có thể tự biến mất sau vài ngày nhưng có thể tái phát khi khí hậu nóng, ẩm trở lại.
Ảnh minh họa
Rôm sảy đỏ: Xảy ra ở vị trí sâu hơn trong lớp thượng bì của da, gây ra những sẩn đỏ có cảm giác đau nhói và ngứa nhiều. Thường có ít hay không có mồ hôi ở vùng da bị ảnh hưởng. Trẻ em thường bị rôm sảy dạng này trong khoảng thời gian từ 1-3 tuần sau sinh.
Rôm sảy sâu: Đây là dạng rôm sảy ít gặp, xảy ra chủ yếu ở trường hợp đã bị nhiều đợt rôm sảy đỏ. Bệnh gây ảnh hưởng ở lớp bì là lớp sâu hơn của da và xuất hiện sớm sau khi vận động hay các hoạt động làm đổ nhiều mồ hôi. Các sang thương rôm sảy sâu thì chắc và có màu giống thịt ngỗng. Mặc dù không gây khó chịu nhiều nhưng rôm sảy sâu có thể gây tình trạng không có mồ hôi lan rộng đưa đến hội chứng kiệt sức do nóng: chóng mặt, buồn nôn, mạch nhanh.
Cách điều trị rôm sảy
Để trị rôm sảy cho bé hiệu quả, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Điều trị bằng phương pháp hiện đại
- Dùng phấn rôm: Sau khi tắm cho trẻ, lau khô người bé và chấm nhẹ bột phấn lên các vùng da bị rôm sảy. Phấn rôm có thể làm khô ráo da và dịu cơn ngứa hiệu quả.
- Dùng sữa tắm trị rôm sảy cho bé: Trên thị trường có rất nhiều các loại sữa tắm quảng cáo có tác dụng trị rôm rảy cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ nên lựa chọn các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, thương hiệu uy tín để đảm bảo an toàn cho làn da mỏng manh của trẻ.
Ảnh minh họa
- Dùng thuốc điều trị rôm sảy cho trẻ: Việc sử dụng các loại thuốc điều trị viêm da do rôm sảy cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám, kê đơn dựa trên tình trạng bệnh, độ tuổi của trẻ.
- Kem chống hăm: Kem chống hăm có chứa thành phần corticoid nhẹ giúp kháng viêm và làm giảm các triệu chứng viêm da. Không nên dùng kem chống hăm dạng mỡ sẽ gây bít tắc lỗ chân lông.
- Cồn: Trong trường hợp trẻ bị rôm sảy nặng, xuất hiện các nốt mụn nước, mụn mủ cần dùng cồn có chứa iod hữu cơ để bôi như: betadin, povidone… để sát trùng và làm khô vết thương.
Điều trị rôm sảy bằng phương pháp dân gian
Có rất nhiều loại lá có chứa chất kháng sinh, giúp sát trùng, kháng khuẩn có thể dùng đun nước cho bé tắm trị một số bệnh ngoài da. Bạn có thể dùng một trong số loại lá dưới đây:
Lá tía tô: Với lá tía tô, sau khi rửa sạch chỉ cần giã lấy nước cốt, chấm lên vùng da bị hăm của bé 3 - 4 lần/ ngày. Lưu lại trên da 15 phút trước khi tắm hoặc lau sạch bằng nước ấm.
Lá kinh giới: Nếu là lá tươi, bạn đun sôi và tắm tương tự như những loại lá bên trên. Nếu không có lá tươi, bạn có thể sử dụng lá kinh giới đã phơi khô. Mỗi lần tắm bỏ một nắm vào đun sôi, pha nước tắm cho bé.
Lá chè xanh: Hái một nắm lá chè xanh rửa sạch, đun sôi 30 phút trên lửa nhỏ sau đó chắt lấy nước, pha cho bé tắm. Có thể cho thêm vài hạt muối.
Lá trầu không: Hái 10 lá trầu già, rửa sạch, đun sôi rồi pha với nước tắm cho bé. Lá trầu không đặc biệt thích hợp tắm khi trời lạnh, vì chúng giúp giữ cho cơ thể bé nóng ấm.
Mướp đắng: Chọn 2 trái mướp đắng già, rửa sạch, thái mỏng sau đó xay hoặc giã nát, lọc lấy nước. Pha thêm nước ấm tắm cho bé, mỗi lần tắm 2 quả là vừa.
Gừng tươi: Lấy một nhánh gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ rồi đun sôi với nước. Chờ nước nguội thì tắm cho bé. Với gừng tươi, tắm buổi sáng cho bé sẽ tốt hơn tắm buổi chiều.
Lá ngải cứu: Hái một nắm lá ngải cứu rửa sạch, đun sôi 30 phút trên lửa nhỏ sau đó chắt lấy nước, pha cho bé tắm. Có thể cho thêm vài hạt muối.
Lá khế: Sau khi rửa sạch, loại bỏ phần gân cứng ở giữa lá. Đem xay hoặc giã nát một nắm lá khế với vài hạt muối, lọc nước lá khế rồi pha thêm nước ấm tắm cho bé.
Lưu ý chung khi sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ
- Nếu da có dấu hiệu lở loét, chảy nước thì không dùng lá tắm cho trẻ.
- Không nấu nước lá để tắm bé quá đặc. Lượng tinh bột trong lá có thể đọng lại trên da trẻ gây nhiễm khuẩn ngược lại cho trẻ.
- Khi sử dụng biện pháp dân gian để trị rôm sảy cho trẻ, cố gắng giữ không để trẻ gãi vào vùng da bị rôm gây trầy xước, nhiễm trùng da.
- Trước khi tắm bé, nên lấy chút nước ép từ lá định tắm bôi một ít vào cổ tay trẻ để xem trẻ có phản ứng dị ứng không rồi mới tắm.
- Sau khi tắm lá cho trẻ, nên dội tráng người trẻ bằng nước sạch để tránh lượng bột của lá tắm đọng lại trên da trẻ.
- Cần xử lý thật sạch các loại lá tắm trước khi sử dụng, tránh sâu bọ, vi khuẩn bám trú trên lá. Các loại lá tắm phải là lá sạch, không phun thuốc trừ sâu.
Cách chăm sóc trẻ bị rôm sảy
- Khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ vẫn cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày để làm sạch da tránh tình trạng viêm da nặng nề hơn.
- Sau khi trẻ ra mồ hôi cần lau khô người trẻ hoặc thay quần áo mới.
- Có thể dùng gối nước, chiếu điều hòa để trẻ có giấc ngủ dễ chịu. Khi trời nóng bức, nhiệt độ cao bật điều hòa nhiệt độ ở mức vừa phải để tránh đổ mồ hôi khiến rôm sảy lên nhiều hơn.
- Không mát-xa cho da trẻ hoặc nặn các nốt rôm sảy
- Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa da liễu khi trẻ bị rôm sảy dày đặc, kéo dài, mẩn ngứa nhiều, xuất hiện các đầu mụn trắng... Không nên tự ý mua thuốc bôi hoặc tự chữa cho trẻ tại nhà vì bệnh có thể nặng thêm, gây biến chứng cho trẻ.
Cách phòng rôm sảy ở trẻ em
Tắm cho trẻ mỗi ngày để giữ da luôn sạch sẽ, mồ hôi bài tiết dễ dàng. Sử dụng nước mát để tắm và tắm bằng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, tránh các loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da. Dùng một số loại thảo dược như mướp đắng để tắm cho trẻ cũng rất tốt, có tác dụng phòng rôm sảy. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ ngứa nhiều, có hiện tượng mọc mủ, nhiễm trùng, cần đưa trẻ đến các chuyên khoa da liễu để thăm khám và điều trị kịp thời.
Cho trẻ mặc những quần áo bằng chất liệu mỏng, rộng rãi và nhạt màu; tốt nhất là nên chọn các loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi và tránh các loại vải dày, vải nilon bí mồ hôi. Khi đưa trẻ ra ngoài trời, nên cho mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và thoa kem chống nắng cho trẻ.
Khuyến khích trẻ uống đủ nước, ăn nhiều vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi và hạn chế các thức ăn quá ngọt như: chocolate, kẹo bánh...
Tạo cho trẻ môi trường và chế độ sinh hoạt hợp lý. Phòng của trẻ nên thoáng mát, rộng rãi. Hạn chế cho trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng, ngột ngạt. Không nên để trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10h - 16h. Hạn chế trẻ gãi lên da bị rôm sảy, dễ gây trầy xước làm nhiễm trùng da...