Trong ngày vía Thần Tài, những lễ vật trên mâm cúng không chỉ mang giá trị văn hóa, tâm linh mà còn mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.
Ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm còn được gọi là ngày vía Thần Tài, trong ngày này nhiều gia đình, doanh nghiệp thường chuẩn bị mâm cúng thần tài. Trong mâm cúng đó, tùy từng địa phương sẽ có những lễ vật khác nhau. Tại miền Nam, lễ vật cúng Thần Tài không thể thiếu được cá lóc nướng trui để nguyên con.
Theo quan niệm, lệ này nhằm thể hiện lòng biết ơn, tạ ơn sự che chở của thần đất đất phương Nam đối với những cha ông đã vào vùng đất này khai khẩn cách đây 300-400 năm. Hơn nữa, cá lóc còn được coi là sản vật đặc trưng vùng đất này, khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.
Cá lóc có sức sống mãnh liệt, sống được trong bùn lầy, có khả năng sinh tồn cao nên được xem là biểu tượng cho sự nỗ lực. Theo phong thủy, cá còn là loài hút tài lộc, may mắn. Người Nam Bộ dùng cá lóc để cúng Thần Tài với hy vọng nhận về nhiều may mắn, tài lộc, sung túc cả năm.
Ngoài những ý nghĩa trên, cá lóc còn là một thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, được người dân sử dụng quanh năm để bồi bổ sức khỏe. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong thịt cá lóc có 18,2% protein; 2,7% lipid; các muối canxi 90mg, phốt pho 240mg, sắt 2,2mg, cung cấp cho cơ thể 97 calo trong 100g thịt. Ngoài ra, cá lóc còn có vitamin B2, vitamin PP...
Cá lóc là lễ vật được người dân miền Nam dâng lên trong mâm cúng Thần Tài. Ảnh minh họa.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (BV Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3) cho biết, trong đông y cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc đi vào tỳ, vị và thận. Từ những giá trị dinh dưỡng và công dụng như trên, cá lóc còn được ví như “nhân sâm” của người nghèo khi có rất nhiều tác dụng với cơ thể khi sử dụng.
Theo đó, cá lóc được dùng trong các bài thuốc kiện tỳ, lợi thuỷ, khứ ứ sinh tân, tiêu viêm, khu phong thanh nhiệt. Các trường hợp đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém, chậm tiêu, trĩ khi sử dụng cũng mang lại hiệu quả rất cao.
Theo bác sĩ Vũ, trong dân gian cá lóc thường được dùng để bồi bổ cho các trường hợp trẻ con gầy yếu, hay ra mồ hôi trộm. Cách làm như sau: dùng 100g cá quả rửa sạch nhớt bằng nước sôi, lọc lấy thịt, thái nhỏ, rán cho vàng thơm, nấu với 300ml nước, thêm muối cho vừa ăn. Cho trẻ ăn cả cái lẫn nước trong một ngày và dùng liên tục trong 3 ngày.
Ngoài ra, cá quả còn được chế biến thành ruốc. Ruốc cá quả rất thích hợp dùng cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn; ăn kèm trong các bữa ăn, mỗi đợt 5-7 ngày.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, cá lóc còn là món ăn ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, người dân cũng có thể tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh từ cá lóc như sau:
- An thần, dưỡng trí, kiện tỳ: Cá lóc 500g, táo đỏ 10 quả, táo tây vỏ đỏ 2 quả, gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu thực vật. Cá rán với gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hạt; thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hạt. Nấu nước sôi rồi cho tất cả vào, tiếp đến là táo. Nước phải ngập các thứ trên. Đậy kín, nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng. Dùng liên tục 10 ngày.
- Ngứa lâu ngày không khỏi: Cá lóc một con làm sạch, nhồi đầy lá ké đầu ngựa vào bụng cá rồi buộc chặt, sau đó lấy lá ké đầu ngựa bọc xung quanh mình cá, đốt lửa cho đến khi lớp lá này cháy hết thì gỡ bỏ lá, ăn hết thịt cá trong 1 ngày. Dùng 2-3 ngày.
- Gan yếu, sốt cao, mồ hôi trộm: Cá quả làm sạch, sấy khô giòn, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g chữa sốt cao, mồ hôi trộm, viêm gan, vàng da.
Dù cá lóc rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng bác sĩ Vũ lưu ý, việc dùng cá lóc chỉ có tác dụng hỗ trợ, bồi bổ. Với những trường hợp có vấn đề về sức khỏe vẫn nên đi thăm khám tây y để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.