Trẻ sốt mọc răng

Giai đoạn mọc răng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Kể từ lúc này, trẻ sẽ có thể ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa. Tuy nhiên, việc mọc răng đôi khi sẽ gây ra khó chịu cho bé. Nếu phụ huynh nắm được các kiến thức liên quan tới vấn đề mọc răng của trẻ thì sẽ giúp cho con bớt đau đớn, khó chịu.  

Trẻ mấy tháng mọc răng?

Trẻ sơ sinh sẽ mọc răng kéo dài trong khoảng 2 năm, từ khi 6 tháng tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, có những trường hợp bé mọc răng rất sớm hoặc rất muộn. Cụ thể, các răng của trẻ sẽ mọc theo thứ tự như sau:

- Từ 6-9 tháng: mọc bốn răng cửa giữa

- Từ 7-10 tháng: mọc hai răng cửa trên

- Từ 12-14 tháng: mọc bốn răng hàm

- Từ 16-18 tháng: mọc bốn răng nanh

- Từ 20-30 tháng: mọc bốn răng hàm cuối cùng 

Những dấu hiệu trẻ mọc răng

Trẻ chảy nước dãi nhiều

Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ mọc răng. Nguyên nhân là do dây thần kinh thứ 5 bị kích thích do răng mọc làm bé chảy nước dãi nhiều hơn. Khoang miệng nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện khiến nước dãi sẽ chảy ra ngoài nhiều.

Nổi mẩn ở xung quanh miệng và cằm

Chính việc thường xuyên bị chảy nước dãi xung quanh miệng sẽ gây ra nứt nẻ, đỏ và nổi mẩn vùng miệng và cằm của trẻ (thậm chí ở trên cổ). Vì vậy, nếu thấy bé bị nổi mẩn thì cần phải kiểm tra lợi của trẻ xem có phải mọc răng hay không để có cách chăm sóc phù hợp.

Bị ho (hoặc có phản xạ bịt miệng)

Đây cũng là dấu hiệu thường thấy nếu bé mọc răng. Chảy nước dãi nhiều là nguyên nhân gây ra ho ở trẻ. Điều này không đáng lo ngại nếu trẻ không có các dấu hiệu cảm lạnh, cúm, dị ứng, sốt hoặc khó thở...

Hay nhai cắn

Do mầm răng nhú lên chọc qua dưới nướu làm cho trẻ khó chịu và muốn nhai, gặp bất cứ thứ gì có thể tìm thấy. Để giúp cho bé, cha mẹ cần chuẩn bị những đồ gặm nướu chuyên dụng trong giai đoạn này.

Thường xuyên quấy khóc

Đối với một số trẻ, mọc răng gây ra đau đớn, khó chịu nên có thể bé sẽ rên rỉ hoặc quấy khóc. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra với tất cả các trẻ. Tuy nhiên, nếu thấy bé quấy khóc thì cần phải dỗ dành, cho bé chơi với những đồ chơi bé thích để xoa dịu trẻ quên đi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Biếng ăn

Rất có thể việc mọc răng sẽ làm cho trẻ cáu kỉnh, khó chịu và không muốn ăn vì khi ăn sẽ tác động vào nướu của bé. Trong trường hợp trẻ bỏ ăn nhiều ngày thì cha mẹ phải đưa con đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa.

Thức dậy vào ban đêm

Sự khó chịu trong thời kỳ mọc răng có thể làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của trẻ. Khi đó, mẹ có thể vỗ hoặc hát ru giúp bé thoải mái, dễ quay trở lại giấc ngủ hơn.

Kéo tai và xoa má

Nếu nướu bị đau do mọc răng, bé có thể sẽ kéo mạnh vào tai hoặc xoa má, cằm. Cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những biểu hiện này.  

Sốt nhẹ

Trong giai đoạn mọc răng, trẻ sẽ rất dễ bị sốt do hệ miễn dịch thay đổi. Chính vì vậy, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của bé để có những biện pháp xử lý cho phù hợp. Nếu trẻ sốt nhẹ, có thể áp dụng một số cách hạ sốt như: chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, cho bú nhiều hơn. Còn nếu bé sốt cao, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị kịp thời.

Nên làm gì khi trẻ sốt mọc răng?

Ngay khi bé có biểu hiện sốt, các bậc cha mẹ nên theo dõi, cặp nhiệt độ liên tục. Nếu trẻ sốt gần 38℃ là sốt vừa, trên 38℃ là sốt cao. Khi bị sốt mọc răng, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, liều lượng theo cân nặng có sự hướng dẫn của y bác sĩ.

Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc. Nếu bé sốt cao hơn, đến 39℃ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần , vì khi sốt quá cao trẻ sẽ có dấu hiệu co giật toàn thân, thiếu oxy lên não, tổn thương tế bào thần kinh khiến bé rơi vào tình trạng hôn mê sâu hoặc tử vong. 

Ngay khi bé có biểu hiện sốt, các bậc cha mẹ nên theo dõi, cặp nhiệt độ liên tục. (Ảnh minh họa)

Ngoài việc cho uống thuốc, khi trẻ sốt mọc răng người chăm sóc trẻ hoặc cha mẹ có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng. Đồng thời nên mặc cho bé những bộ đồ rộng rãi thoải mái để nhiệt thoát ra. Tăng cường các bữa bú cho bé trong ngày. Nếu bé không bú được, cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa.

Nên cho bé uống thêm nước lọc (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước. 

Nếu bé đi đại tiện phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến cơ sở y tế để được điều trị.

Ngoài ra, nếu tình trạng bé quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân... cũng cần đưa bé tới cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám. 

Ở giai đoạn mọc răng, các chuyên gia khuyến cáo, cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.

Không để bé tiếp xúc với những loại đồ chơi, vật dụng vuông thành sắc cạnh, vì có thể bé sẽ nhai và làm tổn thương nướu lợi. và một điều lưu ý là bé sốt mọc răng sẽ bị sốt nhẹ trong vòng vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bé bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng.

Trẻ sốt mọc răng bao lâu thì khỏi?

Trước khi răng bắt đầu nhú lên, bé sẽ bắt đầu sốt trong 2-3 ngày. Khi răng nhú lên xong, bé sẽ bắt đầu hạ sốt. Đây là triệu chứng rất phổ biến và không quá nguy hiểm.

Chăm sóc dinh dưỡng trong giai đoạn mọc răng

Các bà mẹ cần chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này. Một số thực phẩm như khoai tây nghiền, lòng đỏ trứng hay cháo ngũ cốc là những loại thức ăn rất tốt cho trẻ. 

Khi trẻ ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm cũng là lúc trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, nếu bé biếng ăn, chỉ cần cho bú mẹ là đủ, có thể cho ăn cháo xay nhuyễn trộn lẫn sữa nếu mẹ thiếu sữa.

Lúc mọc răng, trẻ thường hay ngứa lợi, vì vậy, trẻ thường hay cho bất kì vật gì vào miệng để cắn, bà mẹ nên cắt các loại rau củ quả như cà rốt, củ đậu, bí xanh... thành hình khối khác nhau cho trẻ chơi và nếu trẻ muốn cho vào miệng để cắn thì những đồ chơi này không ảnh hưởng đến răng của bé.

Khi trẻ đã mọc răng hàm thì bà mẹ không nên cứ xay nhuyễn thức ăn mà nên băm, thái nhỏ để bé tập nhai, nên thường xuyên thay đổi món ăn để răng của trẻ quen với các thức ăn mới. 

Lúc này, trẻ sẽ rất hào hứng với việc người lớn đút cho trẻ ăn bằng cả thìa. Đây là thời kỳ người lớn cần tăng cường những thức ăn rắn cho trẻ, chẳng hạn như bánh mì mềm, cơm, rau, thịt... 

Tập cho bé biết nhai là vô cùng quan trọng, khi biết nhai, trẻ sẽ ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, trẻ sẽ ít mắc chứng biếng ăn do chỉ cho ăn một thức ăn xay nhuyễn, động tác nhai giúp trẻ tiết nước bọt nhiều hơn, nước bọt chính là men tiêu hoá chất bột đường giúp trẻ ăn ngon miệng.

Một điều quan trọng là động tác nhai giúp phát triển xương hàm của trẻ, sau này cung hàm không bị hẹp để khi thay răng, trẻ không bị răng mọc lệch.

Khi trẻ trên 1 tuổi, nên cho trẻ uống nước bằng cốc, ăn sữa bằng cốc, hạn chế bú bình sẽ tốt hơn cho sự phát triển của răng.

Ảnh minh họa

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ sốt mọc răng

Để nhiệt độ phòng quá thấp

- Việc để nhiệt độ phòng quá thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị cảm lạnh và thân nhiệt không ổn định.

- Chỉ nên để nhiệt độ phòng từ 18-21 độ C (nếu nhà thường xuyên bật máy lạnh) và từ 25-27 độ C (trong trường hợp nhà không thường xuyên bật máy lạnh). Như vậy thì có thể tránh cho trẻ bị cảm do không quen với môi trường. Ngoài ra, không nên để máy lạnh phả thẳng trực tiếp vào người của trẻ.

Cho bé uống thuốc của người lớn

Đối với trẻ nhỏ, việc dùng bất cứ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc hạ sốt cần phải có chỉ định của bác sĩ. Chính vì vậy tuyệt đối phụ huynh không được chia nhỏ liều thuốc của người lớn và dùng cho trẻ khi không có sẵn thuốc. Điều này vô cùng nguy hiểm vì liều lượng dùng cho người lớn và trẻ nhỏ là khác nhau.

Không cho trẻ tắm

Có nhiều trường hợp cha mẹ không tắm cho con vì sợ trẻ sẽ bị cảm lạnh, sốt nặng hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp trẻ sốt mọc răng, việc kiêng tắm là không cần thiết. Nếu thân nhiệt của bé không cao vượt quá 38,5 độ C thì vẫn có thể thực hiện tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ở nơi kín gió. Để đảm bảo an toàn và yên tâm hơn, cha mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm.

Cho bé uống nước lạnh

Đây cũng là một sai lầm vì nước lạnh không hề có tác dụng làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tốt nhất là cho trẻ uống nước ấm hoặc uống sữa công thức hay sữa mẹ. Đây là cách giúp bù đắp nước cho trẻ khi bị sốt mọc răng.

Tự ý mua thuốc

Không được tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

Cạo gió cho trẻ

Tuyệt đối không đánh (cạo gió) cho bé vì có thể khiến trẻ bị rối loạn đông máu.

Ủ ấm (hoặc đắp chăn) cho bé

Chỉ nên cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng. Nếu thời tiết hơi lạnh thì có thể đắp vỏ chăn mỏng cho trẻ. Trong mùa hè, cửa sổ phòng bé nên được mở ra để không khí lưu thông.

Thông Tin Cần Biết

Trẻ mọc răng sốt bao lâu thì khỏi?

Trẻ mọc răng sốt bao lâu thì khỏi?

Khi mọc răng, trẻ thường kèm theo sốt. Vậy để biết trẻ mọc răng sốt bao lâu thì khỏi và nên chăm sóc cho trẻ như thế nào trong giai đoạn này thì các mẹ hãy cùng tìm hiểu thông tin dưới đây.

Bệnh trẻ em khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY