Một chút bí quyết bảo quản thực phẩm sẽ giúp chị em nhẹ nhàng hơn trong việc bếp núc.
Cuộc sống ngày càng bận bịu, vừa đi làm lại chăm sóc nhà cửa nên chị em nội trợ ít có thời gian dành cho việc đi mua rau củ quả và các nguyên liệu nấu ăn. Chính vì thế, chiếc tủ lạnh là vị cứu tinh, giúp mọi người có thể bảo quản thực phẩm, tiện lúc nào nấu lúc đó. Tuy nhiên, bảo quản thực phẩm cũng phải đúng cách, nếu không chúng sẽ nhanh hỏng và biến chất.
Ngọc Huyền (23 tuổi, hiện đang sống ở Irac) chia sẻ, bản thân cô là người rất mê tủ lạnh. Khi sang sống cùng chồng, nhận thấy việc tiết kiệm thời gian đi siêu thị mua đồ là cần thiết, vì thế 9X quyết tâm đầu tư tủ lớn để có thể bảo quản được nhiều thực phẩm hơn.
Ngọc Huyền
Dưới đây là cách bảo quản thực phẩm của Ngọc Huyền, chị em có thể tham khảo:
1. Rau, củ và trái cây:
- Rau cải thảo, súp lơ xanh, dưa hấu (hoặc một số loại quả đã bổ ra ăn không hết): Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Với rau thì để được 2-3 tuần hoặc hơn. Còn dưa hấu hay các quả khác thì dùng trong dưới 1 tuần.
Dưa hấu loại to, đem chia ra, phần nào để ăn, còn phần nào xay sinh tố thì cho vào túi zip (túi đựng thực phẩm) để cấp đông cũng phải được 1-2 tháng.
- Dứa, dâu tây: Phần nào ăn hoặc nấu trong 1-2 ngày thì cho vào hộp nhựa đựng thực phẩm, còn phần nào xay sinh tố thì cho vào túi zip để ngăn đá trong vài tháng cũng được
Cụ thể cách bảo quản: Dâu tây cắt bỏ đầu trắng, ngâm với chút baking soda pha loãng với nước trong 10 phút rồi rửa sạch với nước lọc, thấm khô và cho vào túi zip cấp đông để xay sinh tố.
- Nho: Cũng ngâm như dâu tây, sau đó thấm khô rồi cho vào hộp nhựa đậy kín để ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
- Với nấm mỡ hay các loại nấm khác: Lượng nước trong nấm khá nhiều. Không bảo quản kĩ thì chỉ dưới 1 tuần là có hiện tượng hỏng. Do đó, bạn nên bọc nấm với giấy báo hoặc giấy nến, sau đó quấn kĩ với 2 lớp màng bọc là để được khoảng 2 tuần.
- Với chanh, ớt, cà chua, đậu cove: Cho vào hộp nhựa đựng thực phẩm để cả tháng vẫn tươi ngon.
- Cà rốt: Gọt vỏ, ngâm với chút baking soda pha loãng với nước rồi rửa qua nước lọc, sau đó thấm khô rồi cho vào túi zip cấp đông. Khi nấu chỉ việc lấy ra để nhiệt độ phòng 1 lúc rồi chế biến luôn. Không cần rửa lại với nước nữa.
- Bắp (ngô): Nếu xác định ăn trong tuần thì để ngăn mát, còn mua nhiều quá hoặc lâu mới dùng thì bọc bỏ lớp vỏ dày bên ngoài, để lại 1-2 lớp vỏ non bên trong, bọc kín với màng bọc thực phẩm và để cấp đông khoảng 1-2 tháng (như này sẽ tiết kiệm được thời gian nấu).
- Hành tây, gừng, tỏi: Để chung với nhau, cho vào rổ để nhiệt độ phòng
- Khoai tây: Để vào rổ và cho vào phòng tối để tránh khoai tây lên mầm.
- Hành lá, rau thì là: Cắt rễ, ngâm với chút baking soda. Sau đó rửa sạch, để ráo hoặc thấm với khăn cho khô.
Hành lá chia ra cắt khúc, cắt nhỏ để tùy món ăn mà cho vào.
Thì là thì cắt khúc.
Cho tất cả vào túi zip để cấp đông. Khi cần thì chỉ việc cho vào món ăn khi sắp tắt bếp là xong. Làm như này thì để cả tháng vẫn ngon luôn.
2. Thịt, cá
- Thịt gà: Khi mua về, chia ra phần nào để nấu hôm sau thì để ngăn mát. Phần nào chưa nấu thì để ngăn đông dùng dần. Nên chia từng bữa nấu để lúc rã đông cho tiện. Để nhiều một túi lúc muốn lấy ra nấu rất khó.
- Cá: Cá mua về (đã được mổ) đem xát muối, làm sạch và khử mùi với chút rượu gừng (sẽ không rửa lại với nước nữa). Sau đó chia ra 2-3 phần, chia vào từng túi, mỗi túi là 1 bữa ăn. Khi nào muốn ăn lấy phần đó ra để nhiệt độ phòng cho rã đông rồi chế biến luôn.
Lưu ý:
- Với rau, củ để ngăn mát không nên rửa nước trước khi bảo quản mà khi nào nấu hãy ngâm và rửa. Rau lá mềm như rau cải bó xôi, mồng tơi, rau muống, cải ngọt,... thì chỉ nên dùng trong 2-3 ngày.