Từ 19-20 tháng Chạp trở đi, rất nhiều chị em đã chia sẻ các mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình mình trên mạng xã hội với nhiều món ăn hấp dẫn, đủ các sắc màu.
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.
Để "lấy lòng" các vị trọng thần này, dân gian thường bày cỗ cúng tiễn ông Táo về trời với những lễ vật rất đầy đủ gồm 3 bộ mũ ông Công ông Táo, mâm cỗ mặn và cá sống để phóng sinh…
Tuy nhiên, ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản đi nhiều sao cho phù hợp hoàn cảnh của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là lòng thành của gia chủ. Điều này vô cùng hợp lý với các chị em văn phòng - những người vốn chỉ có thời gian rảnh rỗi vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối.
Năm nay, ngày ông Công ông Táo lại rơi vào giữa tuần, chính thế, nhiều chị em, gia đình đã làm mâm cỗ cúng ông Táo từ 19-20 tháng Chạp trở đi. Sau khi làm lễ cúng, nhiều người chia sẻ lại mâm cỗ của gia đình, khiến mạng xã hội ngập tràn không khí Tết vừa ấm cúng, vừa đủ các sắc màu rất rực rỡ.
Chị Nguyễn Ánh Hòa (27 tuổi), giáo viên cấp 2 ở Nam Định cho biết, do chị đi dạy học từ rất sớm nên chị đã chuẩn bị những nguyên liệu có thể làm trước từ buổi tối. Hôm sau, ngày ông Táo, chị và chồng đã dậy sớm để làm mâm cỗ. Đến 6g sáng là chị đã cúng ông Táo xong với rất nhiều món ăn hấp dẫn. Dâng mâm cỗ, chị mong muốn năm tới các ông Táo giúp đỡ gia đình chị vạn sự cát lành trong cuộc sống.
Chị Ánh Hòa cùng chồng dậy rất sớm để làm mâm cỗ cúng ông Táo
Là chuyên viên quản lý nhân sự của một công ty chuyên về dịch vụ hàng không, chị Giang Thúy Nga (Hà Nội) rất bận bịu. Hơn nữa, năm nay, ngày ông Công ông Táo chính thức lại rơi vào thứ 5 (giữa tuần), sợ không có thời gian nên chị đã quyết định cúng sớm. Tuy là làm sớm hơn bình thường nhưng những món ăn chị chuẩn bị vô cùng chu đáo, đẹp mắt và đầy đủ để tiễn ông Táo về trời.
Tuy là làm sớm hơn bình thường nhưng những món ăn chị Thúy Nga chuẩn bị vô cùng chu đáo, đẹp mắt và đầy đủ để tiễn ông Táo về trời.
Chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) – một bà nội trợ nổi tiếng trên facebook cho biết, năm nào chị cũng làm mâm cơm để tiễn Táo quân về trời. Năm nay gia đình chị làm sớm hơn 2 ngày. Khi làm mâm cỗ này, điều quan trọng nhất với chị là phải chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết, đặc biệt không thể thiếu cá sống để sau khi cúng thì mang phóng sinh. “Điều thứ hai là cần chế biến và trình bày các món cúng trông thật hấp dẫn. Và một điều nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là các món ăn phải đảm bảo ngon miệng”, chị nói. Mâm cỗ nhiều món này chị làm chỉ mất 2 tiếng.
Mâm cỗ cúng ông Táo của chị Tô Hưng Giang gây xôn xao mạng xã hội vì ngon và đẹp mắt
Cùng xem thêm các mâm cỗ cúng ông Táo của nhiều chị em nội trợ khác:
Mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình chị Phạm Minh Tiếp (Hà Nội)
Mâm cỗ cúng ông Táo vừa ngon vừa đẹp của gia đình chị Vũ Thanh Hoan (28 tuổi, Hà Nội)
Mâm cỗ bắt mắt của gia đình chi Mai Chi (Hà Đông, Hà Nội)
Mâm cỗ cúng ông Táo của chị Minh Thuận - giảng viên trường Đại học Hà Nội
Mâm cỗ đơn giản nhưng đầy sự thành kính của gia đình chị Như Trang (Hà Nội)
Mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình chị Phạm Ngọc Anh. Chị là một công chức ngành thống kê ở thành phố Hải Dương. Mâm cỗ của chị làm cũng chỉ khoảng 2 tiếng là xong
Mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình chị Nhung, Hà Nội. Chị chia sẻ trên mạng xã hội "Năm nào cũng vậy, nhà mình đều về quê ăn Tết cùng bố mẹ, nên ngày 23 tháng Chạp mình vẫn luôn làm 1 mâm cỗ Tết cổ truyền và bày biện tươm tất nhất để tiễn Ông Công Ông Táo, tạo không khí Tết đầm ấm, sum vầy cho gia đình nhỏ của mình".
Mân cỗ cúng ông táo của gia đình chị Lê An Na (Hà Nội)
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của chị Lê Thị Thu Hà (Hà Nội). Với mâm cỗ này chị làm trong 2 tiếng thì xong. Chị chia sẻ, có một số món chị chuẩn bị từ hôm trước cho đỡ mất thời gian. Mâm cỗ gồm các món khoai chiên, bò luộc, gân bò trộn, gà chiên hôm sau gà, khoai chiên, nộm bạch tuyết, canh sườn nấu nấm, đỗ xào và xôi lạc
Mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hồng (Hà Nội)
Chị Nguyễn Hằng (37 tuổi, NewZealand) dù đang sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn không quên ngày Tết ông Táo truyền thống của dân tộc nên đã làm mâm cỗ cúng. Chị cho biết, ở ngoài đồ cúng không đầy đủ như ở Việt Nam được nhưng chị vẫn cố hết sức, quan trọng nhất vẫn là lòng thành