Có nên cúng gà vào đêm Giao thừa năm Đinh Dậu hay không là điều mà rất nhiều người đang băn khoăn.
Quan niệm cúng gà trống đêm Giao thừa
Từ lâu, người Việt quan niệm rằng, Giao thừa là thời điểm trời đất tối tăm nhất nên dùng gà trống để cúng với mong muốn “gọi mặt trời”. Do đó, nhà nhà bảo nhau cúng gà trống để chú gà sẽ đánh thức mặt trời, mang lại ánh sáng đầy đủ cho cả năm.
Ngoài ra, cũng có quan niệm, mỗi ngày trong tám ngày đầu năm mới sẽ thuộc về một loài vật và gà thuộc ngày Mồng 1 Tết nên cỗ cúng không thể không có gà. Đặc biệt, khi cúng gà, gia chủ nhất thiết phải gắn một bông hoa hồng ở mỏ. Đó là biểu tượng hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời của ngày đầu tiên, báo hiệu năm mới đã đến.
Hình ảnh gà trống còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong 12 con giáp, gà trống được coi là loài vật có 5 đức lớn: Văn- Võ- Dũng- Nhân-Tín. Trong đó, gà lấy đức Tín làm đầu, bất kể mùa đông hay hè, nắng hay mưa đều gáy đúng giờ, đúng canh.
Khi cúng gà, gia chủ nhất thiết phải gắn một bông hoa hồng ở mỏ. Đó là biểu tượng hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời của ngày đầu tiên, báo hiệu năm mới đã đến (Ảnh: Internet)
Năm Dậu, gia chủ có nên cúng gà?
Tuy nhiên, 2017 là năm con gà, nhiều người băn khoăn có được cúng gà vào đêm Giao thừa hay không!? Để trả lời cho câu hỏi trên, một số người đã dùng tư duy tư biện hiện đại để khẳng định rằng: Năm Dậu không cúng gà vì là năm gà. Vấn đề đó đã gây ra tranh cãi những ngày giáp Tết.
Chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Thanh Truyền cho biết: “Quan niệm cúng cỗ đêm Giao thừa là một hình thức lễ nghi nhằm hướng tới yếu tố Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy, gia chủ không nhất thiết phải kiêng kị cúng thịt gà. Tuy nhiên, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa nên là cỗ chay”.
Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, (Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục), cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc năm mới vừa tới để xin tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp điều tốt lành trong năm mới. Thông thường, cỗ cúng Giao thừa trong nhà nên là mâm cỗ chay, gồm: hương, hoa và các loại bánh làm từ gạo nếp, gạo tẻ.
Lý giải điều này, TS Nguyễn Văn Vịnh cho hay: “Chiều 30 Tết, gia đình nào cũng cúng lễ mặn gồm bánh chưng, giò-chả, xôi gấc,… và thịt gà. Do vậy, đêm Giao thừa, gia chủ cần cúng đồ chay để thể hiện sự thanh cao, thanh sạch trong mâm cỗ. Hơn nữa, việc cúng đồ chay sẽ giản tiện, ít tốn kém và dồn ứ thực phẩm trong ngày Tết”.
Bên cạnh đó, việc cúng cỗ chiều 30 Tết hay đêm Giao thừa cần có chút tiền vàng tượng trưng, không nhất thiết phải nhiều.
“Theo ảnh hưởng của tập tục đạo giáo. Mâm cỗ cúng ngoài trời đêm Giao thừa gồm 9 bông hoa và đồ chay để cúng thiên địa, Thiên binh và Cửu Thiên Huyền Nữ - Ngọc Hoàng”, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cho biết. |