Hơn 20 năm nay, gánh ốc của cặp vợ cô Hàn Tuyết Khánh trên phố Tống Duy Tân (Hà Nội) vẫn tấp nập khách ghé qua từ 14h-19h30.
Ốc luộc được coi là món ăn dân dã, ăn chơi của người dân Việt nói chung và ở Hà Nội nói riêng. Tuy không đa dạng các loại ốc như ở Sài Gòn nhưng món ốc luộc ở Hà Nội vẫn khiến người ta phải quyến luyến, nhớ thương. Đặc biệt, cứ mỗi khi chiều đến, chưa cần trời phải mưa lạnh, cứ se se cái rét nàng Bân thế này cũng khiến người ta đủ thèm “ứa nước miếng” mỗi khi nghĩ đến.
Ở Hà Nội không khó để tìm được một quán ốc luộc ngon, thế nhưng chắc chắn rằng, đi khắp thành phố bạn sẽ chẳng tìm được quán ốc ở đâu đặc biệt như ở con phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân, vẫn được người ta nhắc tới với tên gọi “Quán ốc bà câm”.
Ốc luộc bà câm nổi tiếng phố Tống Duy Tân không chỉ vì ngon mà còn bởi sự đặc biệt trong những người phục vụ.
Quán ốc bà câm là một trong những địa điểm được nhiều “con nghiền” ốc luộc nhắc tới mỗi khi “lên cơn” thèm trong thời tiết se se lạnh như thế này, hay những buổi chiều đông buốt giá.
Người ta dành cho quán cái tên dân dã này bởi chỉ ở đây, mọi người mới trải nghiệm một phong cách ăn ốc vô cùng mới lạ và độc đáo, không tiếng nói bởi chủ quán và những nhân viên phục vụ đều là người khiếm thính.
Họ không nghe, không nói được nên cách buôn bán, phục vụ chỉ là những cử chỉ, những tiếng nói ú ớ và những động tác khua chân múa tay ra hiệu.
Mặc dù vậy nhưng khi bước vào, mọi người sẽ không hề có cảm giác buồn chán, tẻ nhạt hay im lìm bởi tất cả nhân viên đều nở nụ cười tươi roi rói và trên ánh mắt rạng ngời, hiền hậu của cô chủ quán luôn khiến mọi thứ xung quanh vui vẻ, sôi động hơn.
Mặc dù ngồi ở vỉa hè nhưng quán ốc bà câm khá sạch sẽ, mọi đồ vật đều được để gọn gàng, ngăn nắp.
Có lẽ với những người đến đây ăn lần đầu sẽ bị “hẫng” với cách phục vụ này và hoang mang không biết gọi món, thanh toán sao đây bởi mọi ngôn ngữ đều trở nên thừa thãi. Thế nhưng, sự nhiệt tình của những nhân viên phục vụ cùng những cử chỉ dễ hiểu từ ra hiệu chỗ để xe, chỗ ngồi, cách gọi món bằng chỉ tay và đưa máy tính cộng tiền để thanh toán sẽ khiến cho mọi người cảm thấy “sự ăn uống” cũng dễ dàng hơn.
Ở đây, menu không phải là những tờ giấy viết chữ rồi ép Plastic mà là những đĩa ốc mít, ốc vặn, ngao, nem chua, hoa quả dầm,…. được xếp ngay ngắn trên một khay nhỏ. Khách muốn ăn gì chỉ cần chỉ vào bát đó và ra hiệu số bằng ngón tay.
Những con ốc giòn, béo, ngọt thịt.
Tuy menu đều là những món ăn quen thuộc như nhiều địa điểm khác nhưng chắc chắn thực khách đến đây thưởng thức sẽ cảm nhận một hương vị hoàn toàn khác. Những con ốc luộc được rửa sạch sẽ, giòn, dai, chắc thịt và ngọt béo khác hẳn mọi nơi, khiến người ta phải ồ lên với hương vị khác biệt này.
Bát nước chấm cũng khá đặc trưng, được nêm nếm vừa vặn, chua vừa đủ, có vị cay rất thanh của ớt tươi, át đi vị tanh của ốc. Và bát nước chấm ngọt ngọt, cay cay dịu thanh ấy hòa quyện với vị ngọt béo của ốc khiến bao người phải xuýt xoa.
Sung muối ở đây cũng khá tươi ngon, hợp khẩu vị của tất cả mọi người. Nó không cay quá nhưng vẫn tạo được vị tê tê, ngọt ngọt ở nơi đầu lưỡi.
Đặc biệt, ai cũng sẽ ngây ngất và gật gù khen ngon sau khi đưa từng miếng sung muối chua ngọt, giòn bùi vào miệng từ từ nhai và tận hưởng hương vị lan tỏa khắp khoang miệng rồi thưởng thức từng thìa nước ốc nóng hổi, cay cay, ngọt ngọt.
Dường như, tất cả mọi món ăn ở đây đều khiến thực khách cảm nhận được vị ngọt đặc trưng, khác lạ. Nó không phải là ngọt sắc khiến người ta phát ngấy mà là vị ngọt thanh khiến người ta phải “quên sầu”.
Ngoài ra, món bún chấm ốc, ngao hấp, nem rán, xoài, trứng cút, ... cũng khiến nhiều thực khách xuýt xoa.
Có lẽ, mọi người đến đây ăn ốc đều ấn tượng và quý mến vợ chồng cô chú chủ quán Hàn Tuyết Khánh (SN 1960) và Diệp Tử Hùng (SN 1966) bởi cô chú luôn dùng nụ cười, ánh mắt để thay cho lời mình muốn nói. Dù có hiểu nhầm ý khách, làm đồ sai nhưng cô chú cũng chẳng khiến ai bực bội bởi nụ cười luôn tươi rói trên môi.
Cô Khánh đang làm hàng cho khách.
Đưa đôi mắt nhìn về phía mẹ đang tất bật luộc ốc trả lại đồ làm sai cho khách, Diệp Ái Linh lại nở nụ cười nói vui rằng, giờ cô như phát ngôn viên của bố mẹ mình. Vì bố mẹ không thể nghe nói được nên những lúc rảnh rỗi ra phụ gánh ốc, cô lại trở thành cầu nối giữa khách hàng với bố mẹ.
Linh kể, bố mẹ cô bị câm điếc từ nhỏ, mặc dù không phải là khiếm thính bẩm sinh nhưng dùng thuốc kháng sinh quá liều gây biến chứng đã cướp đi đôi tai và giọng nói của cả 2.
Hiểu và đồng cảm với nhau nên dù mẹ lớn hơn bố 6 tuổi nhưng cả 2 vẫn cùng nắm tay nhau xây dựng giấc mơ hạnh phúc, nơi ấy có ngôi nhà và những đứa trẻ.
“Bố mẹ mình bị câm điếc không phải bẩm sinh. Bố mình ngày nhỏ bị lên sởi, uống nhiều kháng sinh quá bị mưng mủ trong tai, rách màng nhĩ nên không nghe được. Còn mẹ mình thì mình không rõ.
Sau khi lấy nhau, bố mẹ mình cũng phải làm nhiều nghề để mưu sinh, mở hàng ăn, mới đầu mẹ bán bún riêu nhưng lích kích quá nên chuyển sang bán ốc. Vậy là từ đó đến giờ cũng được hơn 20 năm rồi. Hồi đầu, mẹ mình đi gánh rong, ngồi bán ở đầu phố, mãi 7 năm nay mới chuyển về bán ở đầu ngõ nhà”, Linh chia sẻ.
Cũng vì thương những người nghèo khó, cùng cảnh ngộ như mình nên bố mẹ cô thuê thêm cả những người khiếm thính về phụ giúp công việc ở quán ốc nhỏ của mình. Dẫu cả chủ và tớ đều ú ớ nhưng họ hiểu nhau hơn bất cứ ai hết, bởi vì họ lắng nghe được những thông điệp từ trái tim dành cho nhau.
Mọi thứ đều do cô Khánh chuẩn bị, ngày nào bán ngày đó. Một ngày, quán bàn 2 rổ ốc, 1,5 ngao và nhiều món ăn khác.
Linh cho biết, ngày nào cũng vậy, mẹ cô đều dậy từ 6h sáng ra chợ Đồng Xuân mua ốc về nhà rồi tất bật ngâm, rửa ốc, pha nước chấm,… để 2h chiều kịp dọn hàng bán.
Vì từ nhỏ đã gắn bó với những gánh ốc của mẹ nên mọi công đoạn cô đều biết hết. Chia sẻ về bí quyết của mẹ trong làm ốc luộc ngon, Linh cười cho biết thêm, thực ra mẹ cô pha nước chấm đều không có một công thức nhất định nào, chỉ cần đáp ứng tiêu chí “vừa miệng mình là được”.
Cô Khánh luôn nở nụ cười, thân thiện với khách.
Linh bảo, suốt hơn 20 năm qua, mặc dù không thể giao tiếp được nhưng hàng ngày, quán ốc của mẹ cô vẫn phục vụ đều đặn bao nhiêu lượt khách ghé qua. Và tất cả mọi thứ đều diễn ra theo một quy luật, mọi người chỉ cần chỉ tay hay ra hiệu là đủ.
Cứ đều đặn từ 14h – 19h30 tối, mọi người đến quán ăn rồi ra về, cả bà chủ và nhân viên đều không nói một lời nào. Bố mẹ cô và những nhân viên ở quán chỉ dành cho nhau những nụ cười tươi rói bởi ngôn ngữ trên đôi mắt và nụ cười đã bày tỏ thay những lời họ muốn nói.