Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 ý nghĩa và đầy đủ nhất, đem lại may mắn cả năm

Minh Ngọc - Ngày 09/02/2025 09:15 AM (GMT+7)

Dù cúng vào ngày chính lễ hay làm sớm, việc chuẩn bị mâm lễ cho Rằm tháng Giêng chu đáo, đầy đủ và ý nghĩa vẫn là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Người Việt có câu: "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng", thể hiện sự quan trọng đặc biệt của ngày lễ này. Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn là dịp để gia đình sum họp, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, Phật và cầu mong bình an, hạnh phúc.

Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ để dâng lên Phật và gia tiên. Đây là nghi lễ quan trọng mở đầu cho một năm mới, với hy vọng mưa thuận gió hòa, vạn sự hanh thông. Tuy nhiên, tùy phong tục từng vùng miền mà cách bày biện mâm lễ có sự khác biệt.

Đặc biệt, rằm tháng Giêng năm nay tức năm Ất Tỵ sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 12/2/2025 dương lịch. Vì rơi vào giữa tuần, nhiều gia đình sẽ linh động cúng sớm vào cuối tuần trước hoặc vào ngày chính lễ tùy theo điều kiện thời gian.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng dâng Phật

Mâm lễ chay dâng Phật ngày rằm tháng Giêng thường hướng đến sự thanh tịnh và giản dị. Các lễ vật thường gồm:

- Hoa tươi.

- Trái cây.

- Lá trầu, quả cau.

- Một bình rượu trắng.

Với người miền Nam: Trái cây thường không có chuối, thay vào đó là những loại quả mang ý nghĩa may mắn như dừa, mãng cầu, sung, xoài, dưa hấu… Đây là cách sắp xếp thể hiện mong ước “cầu sung vừa đủ xài”, biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy.

Với người miền Bắc: Chuối tiêu thường xuất hiện trên mâm lễ, với những nải chuối to, dáng cong đẹp để ôm trọn các loại quả khác như bưởi, quýt, hồng, lê, hoặc táo. Sự kết hợp này vừa tạo sự hài hòa về hình thức vừa mang ý nghĩa tốt lành.

Về hoa tươi, các loại hoa phổ biến như cúc vàng, lay ơn, huệ trắng, hoặc hoa hồng được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, hoa ly vẫn còn gây tranh cãi: một số nơi kiêng vì cho rằng tên gọi loài hoa này gợi đến sự ly biệt, trong khi những nơi khác vẫn sử dụng vì ý nghĩa đẹp đẽ của nó.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng dâng gia tiên

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng thường được chuẩn bị đầy đặn và mang đậm bản sắc ẩm thực vùng miền. Các món ăn không chỉ thể hiện sự phong phú trong văn hóa ẩm thực mà còn gửi gắm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cũng giống với mâm cỗ Tết (Ảnh: Thu Huyền).

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cũng giống với mâm cỗ Tết (Ảnh: Thu Huyền).

Các món ăn phổ biến trong mâm cỗ mặn tuy có sự khác biệt giữa các vùng miền nhưng nói chung đều giống mâm cỗ ngày Tết.

- Thịt gà luộc (nguyên con hoặc phần ngon nhất như đùi, ức).

- Xôi gấc hoặc bánh chưng.

- Canh măng ninh xương, canh bóng bì)...

- Đĩa rau củ xào thập cẩm.

- Nem rán.

- Giò lụa.

Với người miền Bắc: Mâm cỗ thường đầy đặn, với các món truyền thống như bánh chưng, xôi gấc và các món canh cầu kỳ như canh măng, canh bóng.

Với người miền Nam sẽ có các món đặc trưng như thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, gỏi ngó sen…

Ngoài các món ăn chính, mâm lễ còn được bày biện cùng: Hương, đèn nến, hoa tươi, trầu cau, rượu trắng và vàng mã.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng

Dù rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng nhưng gia chủ không cần quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị. Điều quan trọng nhất là sự thành tâm. Gia đình ít người nên cân đối số lượng món ăn, tránh lãng phí.

Một số lưu ý cần nhớ:

- Lễ dâng Phật: Nên chọn các món chay thanh tịnh, không sử dụng thực phẩm có mùi nồng, tránh các loại hoa quả không tươi.

- Lễ cúng gia tiên: Mâm cỗ cần đầy đủ nhưng không cần quá nhiều món, ưu tiên những món truyền thống của gia đình và vùng miền.

Nếu cúng sớm, nên chọn thời gian hợp lý (thường vào ngày cuối tuần trước rằm) để đảm bảo sự trang trọng và thuận tiện cho cả gia đình.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ nên đầy đủ nhưng không cần quá nhiều món (Ảnh: Lê Kim Thanh).

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ nên đầy đủ nhưng không cần quá nhiều món (Ảnh: Lê Kim Thanh).

Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (12/2/2025) không chỉ là dịp lễ quan trọng mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp. Dù cúng vào ngày chính lễ hay làm sớm, việc chuẩn bị mâm lễ chu đáo và đầy đủ ý nghĩa vẫn là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, Phật và đất trời.

*Bài viết mang tính tham khảo.

Theo Minh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]09/02/2025 08:05 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rằm tháng Giêng