Vì là ngày lễ lớn và quan trọng nhất đối với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, nên mâm cỗ cũng đặc biệt được người dân chăm chút nhiều hơn.
Tùy vào văn hóa ẩm thực của mỗi nước mà mâm cỗ ngày tết Nguyên Đán có phần khác biệt, trong khi mâm cỗ của người Hàn có đến 20 món thì Singapore lại chỉ bày đúng 4 đến 5 món trên bàn.
Hàn Quốc
Mâm cỗ của người Hàn được bày lên cúng vào sáng mùng 1 Tết, đồ cúng và rượu gạo sẽ được bày lên một chiếc bàn gỗ lớn được đặt giữa nhà. Trên mâm cúng của người Hàn Quốc thường có rất nhiều món như bánh gạo, canh cay kim chi, cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô đây được xem là những món ăn đem lại may mắn.
Singapore
Phần lớn các món ăn trên mâm cỗ của người Singapore trong ngày tết Nguyên Đán thường liên quan đến cá và rau củ, vì theo quan niệm truyền thống của nước này đó là 2 loại nguyên liệu đem lại sự phồn thịnh và bình yên cho nước nhà.
Trong đó, món gỏi Yu Sheng làm từ cá hồi và các loại rau, củ nhiều màu sắc hay món thịt khô Bak Kwa và mì trường thọ là ba món ăn không thể thiếu trong ngày tết truyền thống của nước này.
Mông Cổ
Khác với hai nước trên, mâm cỗ trong ngày tết của người Mông Cổ thường được chế biến từ cừu như sữa cừu, thịt cừu, sữa dê và các món ăn đặc trưng là cơm ăn với sữa đông hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz (giống bánh bao), sữa ngựa lên men và rượu vodka trộn sữa.
Trung Quốc
Mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc vô cùng đa dạng với các món ăn như sủi cảo, há cảo, salad cá, gà Kung Pao, vịt quay, thịt lợn chua ngọt, chả giò.
Tùy vào văn hóa của mỗi vùng mà mâm cỗ của người Trung Quốc có thể khác nhau, tuy nhiên bánh tổ là một món bánh không bao giờ thiếu trên mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc.
Triều Tiên
Mâm cỗ ngày tết của người Triều Tiên thường không có nhiều món, tuy nhiên bánh gạo truyền thống và cơm thuốc độc đáo được xem là hai món độc nhất trên thế giới mà bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức vì nó mang hương vị vô cùng đặc biệt.