Để mọi người cùng biết cách làm tôm chua tại nhà cho sạch, chị Phạm Đoan Trang (25 tuổi, TP HCM) đã đăng công thức của mình lên và nhận được nhiều lượt like cũng như chia sẻ của nhiều chị em khác.
Tôm chua là một trong những món đặc sản xứ Huế, hấp dẫn nhiều người thưởng thức. Tôm chua dùng để làm nộm và chấm với các món luộc. Chính vì độ hấp dẫn của món ăn nên chị Phạm Đoan Trang (TP HCM) sau khi thực hiện món ăn này đã đăng cách làm lên một hội nhóm trên facebook. Công thức của chị đã nhận được nhiều lượt like và chia sẻ của các chị em khác.
Chị Trang cho biết, lý do mà chị đăng công thức món tôm chua là vì chị muốn ai cũng có thể tự làm được để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hơn nữa, tự làm tại nhà cũng giúp mọi người có thể tiết kiệm được một khoản nhất định.
Chị Trang còn chia sẻ, bản thân chị rất thích món tôm chua. Nhưng khi mua tôm chua ở bên ngoài, ít khi chị Trang mua được sản phẩm hợp với khẩu vị. Thường thì bị chua quá hoặc mặn quá. Để khắc phục điều này, chị đã mày mò và tự làm tôm chua để cả nhà cũng thưởng thức.
Chị Phạm Đoan Trang cùng hai con
“Mình tự nghiên cứu trên mạng, nhờ các chị, các cô có kinh nghiệm chia sẻ thêm rồi mình điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của gia đình em”.
Để có món tôm chua ngon, chị Trang chia sẻ, “mình chọn tôm đất còn tươi để làm, tôm biển cũng có thể làm được. Yêu cầu duy nhất là tôm còn tươi. Món này ngon phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của con tôm. Tôm tươi, thịt chắc thì khi ngâm tôm sẽ dai và thơm hơn”.
Tôm chua vừa có thể làm nước chấm, vừa có thể làm món trộn. “Món tôm chua có thể đem trộn với đu đủ xanh bào sợi, ăn cơm hàng ngày rất ngon. Thỉnh thoảng nhà có khách, mình dùng tôm chua ăn kèm thịt luộc, rau sống và bánh tráng”.
Một lọ tôm chua đạt tiêu chuẩn là "ăn miếng tôm có vị chua nhẹ, mặn mặn của nước mắm, vị cay của ớt, thơm của riềng, thịt tôm dai và vẫn còn vị ngọt, vỏ tôm và thịt vẫn dính vào nhau không tách rời”, chị Trang cho biết.
Món tôm chua thôi miên vị giác của chị Trang
Tôm để điều kiện thường có thể để được 1-2 tháng. Để tủ lạnh thì được lâu hơn.
Ngoài ra, chị Phạm Đoan Trang còn chia sẻ thêm, công việc chính của chị là nội trợ cho chồng và 2 con nhỏ. Vì muốn các con cùng mẹ vào bếp nên mỗi món ăn chị làm đều cố gắng dạy cho con nhận biết các nguyên liệu, giúp mẹ những việc nhỏ, vừa nấu ăn vừa chơi. Bên cạnh đó, chị còn muốn thử nghiệm nấu các món ở nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh và dinh dưỡng cho chồng con.
Tham khảo cách làm tôm chua của chị Phạm Đoan Trang: Nguyên liệu: - Tôm đất - Nước mắm nguyên chất, đường, rượu trắng khoảng 40 độ - Riềng, ớt, tỏi - Lá ổi Cách làm: - Tôm đất lực tôm tươi, còn sống, về cắt đầu, rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào rượu trắng 40 độ, ngân trong 3-4 giờ, vớt ra để ráo bớt nước (không rửa lại sau khi ngân rượu). - Riềng gọt vỏ thái sợi, ớt thái nhỏ, tỏi thái lát mỏng. - Lá ổi rửa sạch, để ráo. - Hũ thủy tinh rửa sạch, phơi nắng, lau sạch - Nấu nước mắm nguyên chất và đường theo tỉ lệ 1:1 cho tan đường thì tắt bếp, để nguội. - Trộn tôm, riềng, tỏi, ớt sau đó xếp vào hũ thủy tinh, đổ hỗn hợp mắm vào. Xếp lá ổi lên mặt, dùng tre chẻ nhỏ hay vỉ nén chặt lại để tôm ngập trong nắp. Đậy kín nắp. - Đem phơi nắng 5-7 ngày thì tôm chuyển sang màu đỏ, lúc tôm chín (nến không có nắng, để hũ tôm gần bếp từ 10-15 ngày). - Khi tôm chín, chuẩn bị đu đủ mỏ vịt bào sợi, ngâm với muối cho ra nước, rửa sạch, vắt ráo rồi phơi cho hơi héo. Sau đó cho đu đủ vào hũ tôm, trộn đều, có thể thêm 1 ít đường nếu thích ăn ngọt (để thêm 1 - 2 ngày cho đu đủ thấm là ăn được). Hũ tôm chua không cho đu đủ có thể để ngoài được 1-2 tháng, sau khi trộn đu đủ thì để ngoài được 7-10 ngày. Sau đó, nên cho vào tủ lạnh để hạn chế vị chua. |