Chị Ngọc Trân thường xuất hiện trên truyền hình VTV1, VTV9 với các chương trình dạy nấu ăn, nhưng có lẽ ít ai biết rằng, trước đây chị là một người không biết dùng nồi cơm điện, thậm chí kho cá đến “thối nhà thối cửa”.
Người ta thường nói nhà có hạnh phúc viên mãn chỉ cần nhìn bếp là thấy cả. Người phụ nữ khéo chăm lo không bao giờ để bếp nhà lạnh tanh nên dù bận đến mấy, cả gia đình chị Lê Thị Ngọc Trân (Sài Gòn) vẫn thường sắp xếp cùng nhau làm vào bếp. Chỉ là cùng nấu những bữa ăn ngon hay ngắm nghía mua đồ cho căn bếp cũng đã đủ nuôi dưỡng hơi ấm của gia đình.
Chính vì vậy, mặc dù không hề biết nấu ăn nhưng từ sau khi lấy chồng, chị Ngọc Trân đã rèn luyện học hỏi để trở thành một siêu đầu bếp tại gia khiến chồng và các con dù đi đâu cũng luôn nhớ về “cơm mẹ nấu”.
Chị Ngọc Trân thực hiện ghi hình dạy nấu ăn.
Học nấu ăn vì chồng thích ăn cơm nhà
Chị Ngọc Trân kể, hồi nhỏ chị không hề biết nấu nướng. Tình trạng ấy kéo dài đến khi chị lớn lên và đến khi lập gia đình vì ba chị là người đầu bếp rất giỏi nên mọi công việc bếp núc trong gia đình đều do ba làm.
Có lẽ niềm đam mê nấu nướng của chị bắt đầu từ khi lấy chồng cách đây 14 năm. Vì ông xã thích những bữa cơm gia đình dù đi ăn tiệm hay ăn tiệc vẫn đòi ăn cơm nhà đã làm động lực cho chị quyết tâm xắn tay vào bếp. Và ba đã là người thầy dạy nấu ăn đầu tiên của chị.
“Ba mình cực giỏi nấu ăn, đi ăn bất cứ nhà hàng nào có món gì ngon, về ba nấu ngon y chang vậy, và những bữa cỗ, tiệc ba mình đều là bếp trưởng. Bây giờ ba lớn tuổi không còn sức khoẻ nữa thì mình hoàn toàn thừa hưởng và đảm đương các mâm cỗ và tiệc lớn nhỏ trong gia đình”, chị Trân chia sẻ.
Những món ăn chị làm luôn được trang trí đẹp mắt.
Để có thể nấu ăn được như ngày hôm nay, chị Trân cho biết, đó là cả quá trình tìm tòi, cần cù học hỏi từ những món đơn giản như rán cá, thịt, xào rau, rồi đến kho cá và những món phức tạp hơn.
Và từ một người không biết cắm nồi cơm điện, nấu cá kho thảm họa đến thối nhà thối cửa, chị đã trở thành một siêu đầu bếp tại gia, đảm đương được nấu tiệc, lập trang fanpage về bếp rồi cả dạy nấu ăn trên truyền hình. Đó là cả quá trình không ngừng học hỏi từ những kinh nghiệm của bản thân sau những lần thất bại, những lần lân la học lỏm kinh nghiệm của thợ nấu chuyên lẫn không chuyên.
“Khi bắt đầu nấu ăn mình gặp rất nhiều trở ngại, trước khi lấy chồng cắm nồi cơm điện còn không xong. Sự cố đầu tiên mình không quên được cho tới bây giờ là món cá kho thảm hoạ.
Do mới tập nấu, mình chỉ làm những món dễ và cơ bản như thịt kho, chiên nhưng ông xã thèm cá kho, mỗi lần như vậy phải đi ăn tiệm hoặc qua nhà ba mẹ ăn ké.
Sau đó mình quyết tâm phục thù, dưới sự chỉ đạo qua điện thoại từ xa của ba, mình kho nồi cá ra thành phẩm, tanh thối trời, thối đất, thối nhà, thối cửa, chồng phải mở hết cửa sổ cửa chính để được hít thở khí trời bình thường, nồi cá kho đó tất nhiên là vô thùng rác luôn”, chị Trân kể lại.
Chị không ngừng chia sẻ công thức nấu ăn mình làm và tự sáng tạo trên mạng cho mọi người tham khảo.
Nấu ăn ngon đến mức chưa kịp ăn đã sạch nồi
Chị Trân bảo, ông xã và các con là những fan cuồng nhiệt nhất của chị bởi món nào chị nấu là cả nhà đều ăn sạch sẽ, có khi chị còn chưa kịp ăn đã sạch nồi. Thậm chí, đi ăn hàng quán nào mọi người cũng hay so sánh không ngon bằng chị nấu hay hai nhóc nhà chị đều yêu cầu mẹ nấu sau khi đi ăn hàng thấy ngon.
“Món mà ông xã thích nhất đó là gà kho gừng với bí quyết riêng của mình nên ông xã cực mê bảo ăn đâu cũng không bằng mình làm, rồi thích mình pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt, còn 2 con trai thì luôn muốn mẹ làm mì quảng, hủ tiếu và đặt biệt là pizza phomai trứng, sushi. Mẹ và ba mình thích gỏi, lẩu và mọi người cực thích những món bánh mình làm.
Đa phần mình nấu rất nhiều món và đôi khi còn chế ra nhiều món lạ chưa ai làm, những món ăn và bánh có công thức của riêng, không copy hay học từ bất kì ai đã thành công và được gia đình, bạn bè hưởng ứng nhiệt liệt”, chị Trân chia sẻ.
Từ người không biết nấu ăn, giờ đây chị khiến ông xã và các con luôn nhớ về cơm vợ/mẹ nấu.
Vì thích ăn cơm mẹ nấu nên các con chị đều không chịu học bán trú. Chính vì vậy dù công việc kinh doanh bận rộn nhưng chị luôn cố gắng tranh thủ giờ trưa mỗi ngày để đi chợ và hoàn thành bữa ăn trưa trong vỏn vẹn 1h đồng hồ kịp các con ăn trưa và ngủ để đi học. Hôm nào bận rộn, chị lại cố gắng chuẩn bị từ tối hôm trước và sáng sớm để chiều nấu bữa ăn thật ngon gia đình quây quần bên nhau buổi tối.
Mỗi bữa ăn chị đều cân bằng và hợp lý sao cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình. Trung bình 1 tháng chị chi khoảng 6 triệu cho các bữa ăn hàng ngày và những buổi gia đình đi ăn ngoài cuối tuần thay đổi không khí.
“Để làm ra được món ăn ngon, đầu tiên mình cần phải có tình yêu và niềm đam mê bếp núc, bạn nấu vì đam mê, nấu vì muốn gửi gắm tình yêu thương cho gia đình, chồng con trong mỗi món ăn thì bạn sẽ không ngừng học hỏi tìm tòi để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện khả năng nấu nướng.
Ngoài ra mình phải có cảm vị tốt, có khiếu và nhạy trong việc nêm nếm. Bên cạnh đó là sự cần cù chịu khó học hỏi bởi núi cao còn có núi cao hơn nên không ngừng học hỏi, mọi người sẽ chia sẻ cho những bí kíp để có món ăn ngon mà có thể bạn chưa từng biết tới”, chị Trân chia sẻ.
Mỗi tháng chị dành khoảng 6 triệu chi phí ăn uống cho gia đình.
Theo chị Trân, câu nói “phụ nữ nấu ăn giỏi sẽ giữ được chồng”, đối với chị đúng phần nào. Dù nấu ăn giỏi không phải quyết định tất cả cho việc giữ chồng, nhưng lại là một lợi thế giữ chồng không la cà hàng quán vì mê cơm vợ nấu, thèm cơm nhà vợ làm, thậm chí vợ trổ tài khi bạn tới chơi nhà là niềm hãnh diện cho người chồng. Điều đó sẽ khiến gia đình vui và hạnh phúc hơn.
Ngoài nấu ăn, chị hay làm bánh cho gia đình.
Chị mong muốn mình có thể truyền tình yêu và lòng nhiệt huyết với đam mê bếp và thắp lửa yêu, lửa hạnh phúc trong gian bếp đến với mọi người.
Nhiều người học công thức của chị đã mở quán ăn. Đối với chị, chị xem nấu ăn như là đam mê, cuộc dạo chơi.