Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà khẳng định, hiện nay chưa có một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau củ quả và các thực phẩn khác.
Câu hỏi:
Tôi thường mua rau quả ngoài chợ nhưng rất sợ rau quả nhiễm thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản. Thấy trên thị trường bán nước rửa và máy khử rau quả loại sạch hóa chất, tôi định mua về dùng nhưng vẫn sợ không an toàn.
Thưa chuyên gia, rửa rau quả bằng nước rửa đó và máy khử có loại sạch được thuốc trừ sâu, chất bảo quản? Anh/chị vui lòng đưa ra lời khuyên dành cho các bà nội trợ trong việc rửa rau quả. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Độc giả Thanh Nga (28 tuổi- Bắc Ninh)
Trả lời:
Trước những thông tin rau của quả được “tắm” thuốc sâu và hóa chất bảo quản, nhiều chị em nội trợ đã lựa chọn nước rửa rau quả hoặc máy khử để gửi niềm tin vào từng bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, giải pháp đó có an toàn và hiệu quả hay không (?) thì rất nhiều người nội trợ khi sử dụng không thể khẳng định được.
Nước rửa, máy khử không có khả năng tẩy rửa
Theo bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà - Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, nước rửa rau quả sử dụng các chất như nước khử ion chỉ có tính chất sát trùng sát khuẩn, chứ không có khả năng tẩy rửa các chất độc hại.
“Hiện nay, chưa có một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau củ quả và các thực phẩm khác. Thậm chí, trên thị trường có nhiều loại máy rửa rau qủa bằng ozone nhưng nó không hề an toàn đối với người sử dụng”, bác sĩ Thúy Hà cho biết.
Nước rửa, máy khử không có khả năng tẩy rửa các chất độc hại ở rau quả
Chứng minh cho quan điểm trên, bác sĩ Thúy Hà lí giải, để rửa sạch các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hại có trong rau quả, những chiếc máy sử dụng công nghệ sục khí ozone này phải đạt đủ nồng độ ozone trong nước. Tuy nhiên, khi đủ nồng độ sát trùng hoặc có thể chưa đủ độ thì khí độc sẽ thoát ra ngoài, tác động trực tiếp đến sức khỏe của người nội trợ.
Mặt khác, theo khoa học không được dùng ozone vào nước đã có clo. Bởi, nó có thể tạo ra một hợp chất mới có tính độc và bền. Trong khi đó, nước máy có chứa khá nhiều clo.
Cần phân loại rau để rửa sạch
Rau xanh được chia làm 4 loại: lá, quả, củ và hoa. Mỗi ngoài sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh, ô nhiễm nguồn nước khác nhau nên khi rửa các bà nội trợ cần phân loại để làm sạch.
Rau ăn lá
“Loại rau được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella. Vì vậy, cần được nhặt và rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy. Sau đó, để loại các khuẩn tả nên ngâm qua 1 chậu nước khoảng 10 lít cho 1 thìa cà phê muối trong vòng 5-10 phút. Tiếp tục rửa lại lần nữa ròi vẩy cho khô ráo nước”, bác sĩ Thúy Hà chỉ rõ.
Cần phân loại rau để làm sạch
Rau ăn quả
Ít ô nhiễm hơn rau ăn lá nhưng dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Khi mua về không nên ăn liền, cần rửa sạch từng quả dưới vòi nước, để cho ráo nước rồi bọc nilon, cho vào tủ lạnh. Sau 2 ngày, bỏ ra ăn vẫn đảm bảo độ tươi ngon, vừa có thời gian để thuốc phân hủy.
Bác sĩ Thúy Hà cho biết thêm: “Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối pha loãng. Tuy nhiên, tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày. Như vậy, quả dễ bị hỏng”.
Rau ăn củ
Không cần ngâm nước muối. Khi chế biến rau củ, cần rửa sạch vỏ. Sau đó, gọt vỏ và rửa lại với nước.
Rau ăn hoa
Hoa thường ở trên cao và kỵ với các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phun phân trực tiếp vào. Vì vậy, rất khó dính bẩn nên khi chế biến chỉ cần rửa sạch dưới vòi nước.